Hà Giang

Độc đáo du lịch trải nghiệm vùng chè Shan tuyết

17:25, 28/06/2019

BHG - Là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 cả nước, với diện tích trên 20.000 ha, sản lượng hàng năm trên 60.000 tấn; chè Shan tuyết là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh phát triển sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết từng bước vươn ra các thị trường lớn, thì các vùng nguyên liệu chè trên địa bàn tỉnh đều gắn với địa thế núi rừng trùng điệp, cùng nhiều điểm đến thu hút du khách;  nên du lịch vùng nguyên liệu chè Shan tuyết được coi là một điểm nhấn cần được khai thác.

Du khách bên cây chè cổ thụ thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì).
Du khách bên cây chè cổ thụ thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì).

Chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang phân bố ở các địa phương bao quanh dãy núi Tây Côn Lĩnh với độ cao gần 2.500 m; các vùng chè đều mọc tự nhiên và được trồng từ xa xưa, nay phát triển thành cổ thụ, nhiều cây chè có bán kính bằng 2 vòng tay người ôm. Đặc biệt, các vùng chè nguyên liệu lớn đều sinh trưởng trong điều kiện mây phủ quanh năm và có địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình; là điểm nhấn thu hút không ít du khách muốn khám phá và trải nghiệm về văn hóa miền núi nói chung và văn hóa chè nói riêng.

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách muốn khám phá vùng nguyên liệu chè nổi tiếng trên địa bàn Hà Giang, nhiều cá nhân và công ty du lịch đã bắt đầu khai thác các tour, tuyến du lịch kết hợp thưởng ngoạn vùng nguyên liệu chè Shan tuyết tại các địa danh, như: Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên), Hồ Thầu, Nậm Ty, Túng Sán (Hoàng Su Phì), Phương Độ (thành phố Hà Giang)… Những địa danh này đều có ưu thế là các điểm dừng chân, điểm khám phá thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh những ưu ái về thiên nhiên, phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành và văn hóa bản địa đặc sắc; thì những vùng này còn gắn liền với cây chè Shan tuyết cổ thụ, nổi bật với các “lão” trà hàng trăm năm tuổi toàn thân rêu phủ.

Tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) - vùng nguyên liệu chè được mệnh danh là “trà mây” thường xuyên có khách du lịch tìm đến để thưởng ngoạn các cây chè cổ và trải nghiệm quy trình sản xuất chè thủ công của bà con dân tộc bản địa. Những câu chuyện về nguồn gốc cây chè, chuyện người trồng, chăm sóc và hưởng lợi từ một loại cây kinh tế “tắm” trong mây trời; khiến cho du khách ưa thích khám phá luôn hứng thú. 

Mới đây, tại xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì), với 8.500 cây chè cổ thụ là vùng nguyên liệu chè Organic lớn của huyện; bà con thôn Nậm Piên đã bắt đầu phát triển sản xuất chè gắn với du lịch khám phá ruộng bậc thang và vùng chè cổ. Ông Hoàng Sùm Seng, chủ nhân của vườn chè rộng 4 ha, với những cây chè cổ thụ tán rộng, thân gần 2 vòng tay người ôm bắt đầu mở dịch vụ phục vụ du khách từ phương xa tới. Ngoài thu hút du khách đến khám phá vùng nguyên liệu, đây còn là cơ hội để bà con trực tiếp giới thiệu sản phẩm chè sạch của mình tới khách hàng.

Công ty Du lịch Hà Giang trẻ là một trong những đơn vị đầu tiên khai thác các tour du lịch gắn với vùng nguyên liệu chè tại Hà Giang. Anh Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty thường xuyên có các tour khám phá vùng chè cho du khách tại các địa danh, như: Nà Thác, Khuổi Mi, xã Phương Độ, Cao Bồ, Hồ Thầu; đa phần du khách có nhu cầu trải nghiệm vùng nguyên liệu chè đến từ nước ngoài và các du khách có niềm yêu thích với loại đồ uống đặc sản này muốn được tìm hiểu sâu về văn hóa trà Shan tuyết miền núi.

Tuy không có những thảo nguyên chè bát ngát, như: Thái Nguyên, Mộc Châu, Sơn La, nhưng các “lão” trà cổ thụ Shan tuyết “tắm” mình trong cảnh sắc hùng vỹ, đại ngàn bao của dãy Tây Côn Lĩnh hoang sơ và kỳ bí luôn là điểm nhấn thu hút du khách đến với mảnh đất địa đầu tổ quốc và để được chinh phục những cung đường uốn lượn dưới mây, ngắm nhìn những “cụ” chè hàng trăm năm tuổi và nhấp chén trà được chế biến từ búp chè cổ thụ và không quên mang về những phần quà là các sản phẩm chè sạch của bà con; đó là một trải nghiệm khó phai của các du khách khi một lần đến với Hà Giang.

Bài, ảnh: Trọng  Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn vừa có Chỉ thị 1216/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

 

28/06/2019
Kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra an toàn, nghiêm túc

BHG - Sáng 27.6, các thí sinh bước vào ngày thi thứ 3 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đây là môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Năm nay, toàn tỉnh có 5.180 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 3.308 thí sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp; 1.686 thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng...

27/06/2019
Hội VHNT thành phố Hà Giang giới thiệu tác giả, tác phẩm mới

BHG - Sáng 26.6, Hội Văn học- Nghệ thuật (VHNT) thành phố Hà Giang tổ chức Chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm mới. Tham dự có đại diện Tạp chí Văn nghệ Hà Giang, Hội VHNT tỉnh; một số ban, ngành thành phố cùng đông đảo các hội viên. Chương trình đã giới thiệu 3 tác phẩm mới thuộc lĩnh vực văn học và âm nhạc. Trong đó, các độc giả được tìm hiểu, thưởng thức 2 tập thơ: "Cao nguyên" gồm 80 bài của tác giả Đỗ Ngọc Kim, sinh năm 1954...

26/06/2019
Quang Bình có 7 thí sinh trên 40 tuổi tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia

BHG - Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, huyện Quang Bình có hơn 360 thí sinh dự thi. Đặc biệt, toàn huyện có 26 thí sinh trên 25 tuổi và 7 thí sinh trên 40 tuổi tham gia dự thi. Đa phần các thí sinh lớn tuổi dự thi đều là người dân tộc thiểu số và làm bí thư, trưởng thôn, cán bộ không chuyên trách thôn, bản tại một số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quang Bình. Trong đó, anh Phượng Chòi Quấy, sinh 1971, nghệ nhân dân gian dân tộc Dao, thôn Nậm Qua, xã Tân Nam là thí sinh lớn tuổi nhất. Các thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT

26/06/2019