Quản Bạ phát triển nghề dệt lanh truyền thống

10:57, 12/02/2019

BHG - Bao đời nay, dệt lanh không chỉ là hoạt động lao động, mà còn là giá trị văn hóa đã đi vào đời sống tâm hồn của người Mông trên Cao nguyên đá. Vải lanh và trang phục từ cây lanh đã gắn liền với các lễ hội, ngày đặc biệt trong đời sống của dân tộc Mông. Để gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển kinh tế, đưa sản phẩm lanh vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước, huyện Quản Bạ đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua.

Du khách trải nghiệm công đoạn dệt vải lanh tại HTX Lanh Lùng Tám.
Du khách trải nghiệm công đoạn dệt vải lanh tại HTX Lanh Lùng Tám.

Dệt lanh là nghề thủ công có từ rất lâu đời của người Mông; từ những tấm vải lanh, người phụ nữ Mông đã khéo léo may thành khăn, áo, váy và nhiều đồ dùng khác. Vải lanh là chất liệu để các nhà thiết kế thời trang làm thành các sản phẩm độc đáo mang đi biểu diễn ở nước ngoài; các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài nước còn dùng vải lanh để trang trí nội thất. Hàng năm, các hợp tác xã (HTX) lanh ở xã Cán Tỷ, Lùng Tám đều có đơn đặt hàng xuất khẩu sang Pháp, Đức, Anh…

Gian hàng giới thiệu sản phẩm lanh của HTX Lanh Lùng Tám luôn thu hút nhiều du khách tham quan.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm lanh của HTX Lanh Lùng Tám luôn thu hút nhiều du khách tham quan.

Chị Giàng Thị Say, Giám đốc HTX Lanh Cán Tỷ, chia sẻ: “Cách đây 14 năm khi mới thành lập HTX, sản phẩm lanh của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ các cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các lễ hội, hội chợ, khu du lịch… nên sản phẩm lanh của HTX đã có chỗ đứng, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em người Mông, tùy từng công đoạn và độ khéo tay mà tiền công sẽ được trả tương xứng, trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng”.

Đến các xóm, bản người Mông ở huyện Quản Bạ, có thể thấy người con gái Mông nào cũng biết trồng lanh, dệt vải và may váy, áo. Em Giàng Thị Mơ, 17 tuổi, thành viên HTX Lanh xã Lùng Tám, tâm sự: “Em học dệt vải lanh từ năm lớp 6, hiện có thể tự thực hiện tất cả các khâu để làm ra sản phẩm lanh. Em rất vui khi thấy sản phẩm lanh truyền thống của dân tộc Mông được nhiều người yêu thích và đặt mua”. 

Duy trì, phát triển nghề dệt lanh không chỉ có ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Mông, còn góp phần phát triển KT-XH tại địa phương. Nhận thức được điều này, huyện Quản Bạ đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển thành làng nghề. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Sèn Thăng Long, cho biết: “Để phát triển nghề dệt lanh, huyện đã tổ chức Lễ hội nghề thêu, dệt lanh, tạo cơ hội cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, quảng bá sản phẩm; mở rộng làng nghề dệt lanh. Huyện xác định bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch có ý nghĩa rất lớn nên đã xây dựng sản phẩm lanh là một trong những sản phẩm chủ lực trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh. Để tăng tính hấp dẫn cho phát triển du lịch, du khách khi đến với làng nghề dệt lanh sẽ được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn sản xuất sản phẩm. Đây là cầu nối đưa nghề dệt lanh truyền thống vươn xa đến nhiều thị trường hơn”.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những con số "biết nói" ngành Du lịch

Xuân 2019 - 2018 tiếp tục là năm thành công của lĩnh vực Du lịch, khi lượng khách đến tỉnh nhà trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu đạt hơn 1,1 nghìn tỷ đồng; các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, thỏa mãn nhu cầu ngày một cao của du khách. Nhờ cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh...

12/02/2019
Điềm Mặc - địa chỉ đỏ của những người làm báo

Xuân 2019 - Đó là một ngày mùa Thu cách đây gần 10 năm, Đoàn Nhà báo Hà Giang được các bạn đồng nghiệp Báo Thái Nguyên đưa về thăm Khu di tích An toàn khu (ATK) Định Hóa. Xã Điềm Mặc nằm gần như ở giữa của ATK Định Hóa với miên man rừng cọ, đồi chè với những mái nhà sàn nép mình bên sườn đồi, có dòng suối uốn lượn róc rách chảy, chiều đến khói bếp rải nhẹ, bay vờn cùng hương lúa mới, tạo cho chúng tôi cảm giác trù phú, đầm ấm của một bản làng vùng cao Việt Bắc. 

12/02/2019
Xây dựng trường chuẩn Quốc gia nâng tầm chất lượng giáo dục

Xuân 2019 - Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy, học; tỷ lệ học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi các cấp không ngừng tăng; học sinh được trang bị kỹ năng sống, môi trường học tập an toàn, chất lượng… là những kết quả mà các trường đạt chuẩn Quốc gia mang lại; từng bước góp phần nâng chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

 

11/02/2019
Chăm lo nguồn cán bộ rẻo cao

Xuân 2019 - Trong những ngày cuối của học kỳ I, năm học 2018 - 2019, chúng tôi  đến Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh; không khí học tập luôn sôi nổi, thầy và trò nhà trường đang ra sức thi đua dạy tốt - học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng đến trường đạt chuẩn Quốc gia, xứng đáng là nôi tạo nguồn cán bộ rẻo cao.  Cô giáo Đỗ Lệ Hằng Thi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết...

11/02/2019