Đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào trường học ở Hoàng Su Phì

09:47, 22/01/2019

BHG - Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về việc đưa kỹ năng sống (KNS) và văn hóa truyền thống (VHTT) các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các nhà trường; cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn huyện Hoàng Su Phì đã nghiêm túc triển khai, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Chiến Phố học nghề thêu.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Chiến Phố học nghề thêu.

Huyện Hoàng Su Phì có các dân tộc: Dao, Nùng, Tày, Mông, La chí, Cờ lao... cư trú lâu đời. Năm học 2018 – 2019, trên địa bàn huyện có 14 trường Tiểu học, 12 trường liên cấp Tiểu học - THCS với 358 lớp, 7.309 học sinh. Với đặc điểm học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đa số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao lưu KT - XH và KNS còn khó khăn; nhiều em còn nhỏ, lần đầu xa gia đình nên không khỏi bỡ ngỡ. Vì vậy, việc giáo dục KNS và VHTT cho các em là rất cần thiết. Được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện lên kế hoạch, thực hiện ở tất cả các trường học dưới hình thức lồng ghép các tiết sinh hoạt dưới Cờ hàng tuần, hoạt động ngoại khóa...

Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Bản Máy chơi trò kéo co trong giờ ngoại khóa.
Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Bản Máy chơi trò kéo co trong giờ ngoại khóa.

Ông Nguyễn Hải Vịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Ngay từ đầu năm học, các em được thầy, cô dạy cách biết tự quản lý tài sản cá nhân, tập thể dục buổi sáng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung trường, lớp… Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn các hoạt động giữ gìn nề nếp, sinh hoạt nội vụ cho 100% học sinh các trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú. Hướng dẫn, giáo dục các kỹ năng tự phục vụ, như: Cách qua suối an toàn, dạy bơi, chăn nuôi lợn, gia cầm; trồng và chăm sóc vườn rau xanh. Hiện nay, hầu hết các trường học đều có vườn rau xanh, nuôi từ 2 – 10 con lợn để giáo dục kỹ năng lao động và cải thiện bữa ăn cho học sinh. Việc giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử, cùng chung sống với bạn bè cũng được Ban Giám hiệu các trường quan tâm; giáo dục KNS và VHTT có mối quan hệ mật thiết, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp; có tinh thần tự hào, quý trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thực tế ở một số trường học trên địa bàn huyện vào các giờ ngoại khóa, chúng tôi cảm nhận bầu không khí tươi vui, rộn ràng. Với đặc điểm đồng bào dân tộc ở huyện, nội dung được lựa chọn giảng dạy cho các em là phong tục tập quán của người dân bản địa, như: Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; múa ngựa giấy, hát sli của dân tộc Nùng; múa Gậy đồng xu, múa khèn của dân tộc Mông hay Lễ hội Tết Khu Cù Tê của dân tộc La chí; đàn Tính, hát Then của dân tộc Tày; dạy các nghề đan lát, thêu thủ công và các trò chơi dân gian... Bên cạnh VHTT, các em còn được dạy những môn âm nhạc, thể thao và các điệu nhảy hiện đại... Được dự giờ ngoại khóa của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Bản Máy và Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Chiến Phố; đây gần như một “lễ hội đa dân tộc”. Học sinh biểu diễn các tiết mục múa ngựa giấy, múa Gậy đồng xu, múa khèn cùng với tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh yến, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, kéo co; các nghề thủ công truyền thống như làm bông, thêu thổ cẩm, đan lồng gà, quẩy tấu bằng tre... rộn ràng cả sân trường. Em Lù Tiến Đạt, học sinh lớp 7A, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Chiến Phố cho biết: Em rất vui, tự hào khi được giới thiệu về văn hóa, trò chơi dân gian của dân tộc Nùng cho các bạn cùng lớp trong giờ ngoại khóa.

Việc giáo dục KNS và đưa VHTT vào giảng dạy luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Đặc biệt, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các thành viên Hội Nghệ nhân dân gian của huyện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU cũng gặp không ít khó khăn về khâu kiểm tra, giám sát thực hiện; kinh phí đầu tư cho hoạt động giảng dạy eo hẹp; một số địa phương chưa thực sự mặn mà với công tác giáo dục KNS và đưa VHTT vào giảng dạy nên chỉ thực hiện mang tính hình thức. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các ngành, cấp cùng với sự chung tay của toàn thể cộng đồng.

Bài, ảnh: Đại Tâm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang

BHG - Quảng bá hình ảnh du lịch (DL) là hoạt động cần được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt và cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị trong tỉnh; nhằm giới thiệu hình ảnh thiên nhiên và con người Hà Giang đến với du khách trong, ngoài nước. Xác định tầm quan trọng đó, cứ mỗi dịp đầu Xuân, năm mới; Sở Văn hóa, Thề thao và Du lịch (VH-TT&DL) đều tổ chức Lễ đón những vị khách DL đầu tiên đến với tỉnh, mở đầu cho chuỗi các sự kiện xúc tiến DL.

 

22/01/2019
Nghề dệt vải truyền thống của người Pà Thẻn

BHG - Từ xưa, người Pà Thẻn quan niệm, bài học của các cô gái được bắt đầu bên chiếc khung cửi; họ không chỉ được các bà, các mẹ dạy dệt vải, thêu hoa, ghép vải để tạo ra bộ trang phục truyền thống mà còn truyền đạt kinh nghiệm sống, cách ứng xử, sự hiểu biết về con người, thiên nhiên... Người Pà Thẻn định cư lâu đời và sinh sống nhiều nhất ở các xã Tân Trịnh, Tân Bắc (Quang Bình). Trang phục người Pà Thẻn có những nét đặc trưng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu… để hoàn thành một bộ trang phục có khi kéo dài cả năm và đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo...

21/01/2019
Độc đáo Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao trắng huyện Quản Bạ

BHG - Huyện Quản Bạ được biết đến là mảnh đất lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, nhiều nghi lễ tâm linh vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Trong đó, có thể kể đến Lễ Cấp sắc của người Dao trắng thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn. Lễ Cấp sắc rất quan trọng, đánh dấu mốc trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Trong những ngày diễn ra Lễ Cấp sắc, người thụ lễ không được nói tục, không được sát sinh và phải ăn chay.

 

21/01/2019
Đặc sắc Tết cổ truyền của người La Chí

BHG - Dân tộc La Chí là một trong những dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh; người La Chí sống tập trung tại các huyện Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì với những phong tục, tập quán mang nét truyền thống riêng; đặc biệt, phong tục trong ngày Tết của người La Chí rất đặc sắc. Người La Chí xã Vĩ Thượng (Quang Bình), từ ngày 26 tháng Chạp, mọi nhà sẽ dọn dẹp nhà cửa, bày đồ dùng mới với mong muốn đón được nhiều may mắn và tốt đẹp trong năm mới.

21/01/2019