"Kéo vợ" - văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông

08:23, 17/12/2018

BHG - Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét đẹp trong cách sinh hoạt cũng như phong tục, tập quán riêng được lưu giữ đến ngày nay, đặc biệt là phong tục “kéo vợ” của dân tộc Mông, song những nét đẹp truyền thống ấy đang dần bị mai một.

Khi ánh mắt của chàng trai, cô gái dân tộc Mông đã tìm được nhau, chàng trai sẽ kéo tay cô gái về nhà.  Trong ảnh: Tục “kéo vợ” của dân tộc Mông tại huyện Mèo Vạc.                                    Ảnh: HOÀNG TUYẾN
Khi ánh mắt của chàng trai, cô gái dân tộc Mông đã tìm được nhau, chàng trai sẽ kéo tay cô gái về nhà. Trong ảnh: Tục “kéo vợ” của dân tộc Mông tại huyện Mèo Vạc. Ảnh: HOÀNG TUYẾN

Trước kia, khi đến tuổi trưởng thành, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các chàng trai, cô gái dân tộc Mông không hẹn mà nô nức kéo đến các khu đất trống, khoảng sân rộng hay trên các đoạn đường giao thông chạy qua thôn, bản để cùng vui chơi, gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Họ thường đi thành tốp nữ, tốp nam, cùng với những lời thăm hỏi rồi đưa mắt chọn lựa đối tượng cho riêng mình. Khi những ánh mắt đã tìm gặp được nhau, cô gái sẽ e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi chàng trai của mình, khi đó chàng trai lập tức đến bên cô gái và dùng tay vỗ vào mông cô gái, nếu cô gái ưng thuận thì vỗ nhẹ lại vào mông chàng trai. Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi chơi hội vừa vỗ mông qua lại, trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ “9 cặp” tức là hai bên đã chấp thuận nhau. Nếu cả 2 bên đã thực lòng ưng thuận, thì dù ngày hôm trước chưa vỗ đủ “chín cặp” thì họ lại hẹn nhau chờ đến ngày hôm sau lại tìm gặp nhau để tâm sự và vỗ tiếp cho đủ. Nếu vỗ không đủ “9 cặp” hay hôm trước vỗ dở nhưng hôm sau không có cơ duyên gặp lại nhau nữa thì nghĩa là họ không thể thành đôi, mỗi người lại tiếp tục đi tìm người khác có duyên hợp với mình. Còn khi hai người quyết định sẽ đến bên nhau trọn đời, trọn kiếp thì cô gái sẽ hẹn chàng trai đến một nơi nhất định để chờ chàng trai kéo tay về nhà ra mắt bố mẹ. Trong 3 ngày ở nhà chàng trai, cô gái sẽ được ở một phòng riêng trong nhà và được tiếp đón như một người khách và không được quan hệ vợ chồng trước hôn nhân. Qua 3 ngày ở nhà chàng trai, cô gái vẫn không thay đổi ý định thì nhà trai sẽ mang sính lễ đến nhà cô gái chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới cho 2 người.

 “Kéo vợ” là một nét đẹp, một bản sắc truyền thống của dân tộc Mông được lưu giữ đến ngày nay. “Kéo vợ” là thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc. Song dần dần nét đẹp đó bị phai mờ, biến tướng, nhất là trong giới trẻ hiện nay, khiến nét đẹp truyền thống dường như trở thành một hủ tục – “bắt vợ”.

Đi trên các cung đường trên Cao nguyên đá vào những dịp lễ, Tết, hình ảnh các chàng trai, cô gái dân tộc Mông cùng nhau ném pao, thổi khèn, đứng trò chuyện với nhau... không còn xa lạ đối với du khách, tạo cảm giác thân thiện, hạnh phúc và tái hiện bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Nhưng đâu đó có một một số chàng trai ép buộc cô gái lên xe máy mà không có sự đồng ý của cô gái; 3, 4 thanh niên lôi kéo 1 cô gái lê lết theo đường khi họ không muốn, hoặc còn lạm dụng sàm sỡ các cô gái ngay chỗ đông người... Những hình ảnh đó rất phản cảm. Chị Lê Thị Duyên, du khách Hà Nội, chia sẻ: Lần đầu tiên lên Hà Giang, tôi rất thích khám phá và tìm hiểu những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, nhất là phong tục “kéo vơ”. Nhưng tôi thất vọng rất nhiều, khi những gì tôi thấy lại không giống như tôi nghe, đọc qua sách báo về phong tục “kéo vợ” của người Mông. Cái tôi thấy lúc đó là 4, 5 chàng trai người Mông cũng chừng 16 - 18 tuổi, bắt ép, kéo 1 em nữ người Mông lên xe, mặc cho bạn nữ ấy khóc, chân tay chảy máu mà các chàng trai vẫn cứ thế kéo đi, mặc cho cô gái van xin... khiến tôi cảm thấy lo sợ thay các em nữ nơi miền sơn cước này.

Nét đẹp “kéo vợ” nếu không được gìn giữ sẽ trở thành hủ tục – “bắt vợ” gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống như: Tình trạng hôn nhân cận huyết; ép buộc quan hệ trước vị thành niên; trẻ em bỏ học vì phải lập gia đình; dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người…

Đồng chí Trần Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số toàn huyện. Hiện nay, hình ảnh “kéo vợ” mang tính chất ép buộc, phản cảm vẫn xảy ra nhưng để xử lý theo pháp luật là rất khó vì đó là phong tục, tập quán riêng của mỗi dân tộc. Nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống “kéo vợ” của dân tộc Mông không bị mai một, biến tướng trở thành những hình ảnh xấu, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, hiểu được thế nào là phong tục, thế nào là hủ tục; tiếp tục triển khai, thực hiện các Đề án gìn giữ và bảo bảo tồn văn hóa dân tộc Mông; vận động các nghệ nhân dân gian, người có uy tín truyên truyền người dân xây dựng đời sống văn minh…

Nét đẹp truyền thống, nếu chúng ta biết giữ gìn thì sẽ đẹp mãi đến muôn đời, hình ảnh đó sẽ truyền đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn. Nhưng nếu chúng ta lưu giữ, bảo tồn không đúng thì sẽ dễ bị biến tướng, lạm dụng, dần trở thành hủ tục.

Hoàng Thị Hiếu (Trường Chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dấu ấn những mùa hoa Tam giác mạch

BHG - Đêm khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IV đã thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn vô vùng sâu sắc trong lòng du khách. 4 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trên vùng Cao nguyên đá; hoa Tam giác mạch đã, đang trở thành biểu tượng, thương hiệu du lịch Hà Giang. Với nhiều hoạt động trải dài từ tháng 10 đến hết tháng 12 tại 4 huyện vùng cao, Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thực tế thú vị với sự hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. 

30/11/2018
Gìn giữ kiến trúc truyền thống vùng Cao nguyên đá

BHG - Những năm gần đây, vùng Cao nguyên đá có sự đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh thành quả đổi thay của đời sống KT – XH, có những giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một, đó là kiến trúc truyền thống. Biểu hiện đầu tiên là chất lợp truyền thống - ngói âm dương ở các làng bản dần được thay thế bằng Phi - bờ - rô xi - măng hoặc những mái tôn xanh, đỏ. Những ngôi nhà trước đây trình tường, bờ rào đá nay dần được thay thế bởi chất liệu gạch làm từ bột đá…

 

30/11/2018
Nét đẹp truyền thống trong đám cưới của dân tộc Pà Thẻn

BHG - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chính vì vậy, có rất nhiều phong tục, tập quán cũng như những nét đặc sắc trong văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, tại xã Tân Bắc (Quang Bình) vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo trong Lễ cưới của người Pà Thẻn. Xã Tân Bắc hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Pà Thẻn chiếm 46%. Tìm hiểu về Lễ cưới của người Pà Thẻn, chúng tôi có dịp về Tân Bắc nhân Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua. 

30/11/2018
Lễ hội Văn hóa dân tộc Nùng huyện Xín Mần

BHG - Ngày 28.11, tại xã Cốc Rế, UBND huyện Xín Mần tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian dân tộc Nùng cụm xã lần thứ nhất năm 2018. Đến dự có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; đại diện các ban, ngành, đơn vị trường học của huyện; lãnh đạo và người dân 6 xã trong cụm gồm: Cốc Rế, Thu Tà, Tả Nhìu, Nấm Dẩn, Ngán Chiên, Trung Thịnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra Hội thi văn hóa dân gian như: Hát lướn, múa ngựa giấy, kéo đàn nhị, chà bóng vải đen, thi người đẹp trang phục dân tộc Nùng, thêu trang phục, trình diễn lễ hội cúng rừng dân tộc Nùng.

29/11/2018