Vượt qua bệnh tật, miệt mài "gieo chữ" trên bản Khâu Làng

08:04, 20/11/2018

BHG - Đó là cô giáo Đỗ Hồng Tám (sinh năm 1978), đã hơn 20 năm lặng lẽ đi về, âm thầm giữa nơi bạt ngàn gió núi mây trời, vượt qua nỗi đau bệnh tật để “cõng” từng con chữ đến với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc điểm trường thôn Khâu Làng, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tân Nam, xã Tân Nam, huyện Quang Bình.

Cô giáo Đỗ Hồng Tám hướng dẫn học sinh từng nét chữ.
Cô giáo Đỗ Hồng Tám hướng dẫn học sinh từng nét chữ.

Trong gió lạnh đầu Đông ùa về, mang theo những cơn mưa nặng hạt, tôi băng qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu tìm đến điểm trường Khâu Làng, nơi cô giáo Đỗ Hồng Tám đang lên lớp. Đúng dự cảm ban đầu, ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp cô Tám là ánh mắt hiền dịu nhưng cũng đầy suy tư, trăn trở. Sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm, tháng 2.1997, cô Tám bắt đầu đi dạy và nhận công tác về xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần. Sau 2 năm, cô được điều chuyển về điểm trường Khâu Làng và gắn bó với mảnh đất này cho đến tận hôm nay.

Cô giáo Đỗ Hồng Tám tâm sự: “Ngày trước, điểm trường không đầy đủ, xây dựng kiên cố như hiện nay mà nằm chênh vênh trên đồi cao, đường đi không có, cơ sở vật chất thiếu thốn, lớp học ghép tạm vách nứa, chưa kể sự bất đồng về ngôn ngữ; nhưng ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, các thầy, cô giáo sẵn sàng hy sinh tất cả để mang ánh sáng, ước mơ cho trẻ em vùng cao. Khi kỳ nghỉ Hè đến, hầu hết đội ngũ giáo viên còn tham gia dạy lớp xóa mù chữ cho người dân, tranh thủ học thêm tiếng Dao, Mông, Pà Thẻn để thuận tiện giao tiếp. Thời gian cứ thế trôi qua, cả năm trời tôi mới trở về thăm nhà một lần, lúc nhớ bố mẹ quá thì chỉ biết viết thư tay hoặc vùi đầu trong chăn mà khóc. Đôi lúc nản lòng, nhưng nghĩ đến những khuôn mặt thơ ngây của học trò, tình cảm mộc mạc, chân thành của bà con đã tiếp thêm ngọn lửa để tôi vững tâm bám trụ trường, lớp”.

Thấm thoát hơn 20 năm làm người “lái đò” chở biết bao thế hệ con em thôn Khâu Làng  cập bến bờ, cô Tám không thể nhớ hết những kỷ niệm vui, buồn. Bước vào năm học mới, các cô cùng cấp ủy, chính quyền xã phải trèo đèo, lội suối, đến từng nhà vận động học sinh đến lớp, giải thích cho phụ huynh hiểu rõ quyền lợi của các em. Những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô san sẻ đồng tiền lương mua đồ dùng học tập, hỗ trợ sách vở tặng học sinh của mình. Vinh dự hơn cả, những lứa học trò nhút nhát ngày nào, nay đã đều trưởng thành; nhiều em trở thành cán bộ năng động, tài giỏi đóng góp tích cực cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Đằng sau hình ảnh người giáo viên tận tụy, ít ai biết rằng, 4 năm trở lại đây, cô Tám đang phải từng ngày chiến đấu với căn bệnh teo cơ khó chữa, khiến một bên chân không thể đi lại như những người bình thường. Năm học 2018 - 2019, điểm trường Khâu Làng có 11 học sinh lớp 1, với ước nguyện sau này các em có cuộc sống tốt hơn nên những ngày thứ 7, chủ Nhật, cô lại đón những em có học lực yếu kém ở lớp về nhà dạy học miễn phí. Ông Làn Văn Nguyên, người dân thôn Khâu Làng, chia sẻ: “Với dân bản, cô Tám như là người thân, rất yêu thương chăm lo cho học sinh.  Dù chân đau, đi lại vất vả nhưng cuối tuần nào cô giáo cũng đưa 2 đứa cháu tôi về nhà dạy kèm, bây giờ bọn trẻ biết đọc, biết viết rồi nên gia đình vui lắm”. 

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tân Nam cho biết: “Mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng cô Tám là giáo viên luôn lạc quan, tích cực trong các hoạt động nhà trường, có phương pháp dạy học sáng tạo để học sinh tiếp thu bài nhanh nhất; năm nào cũng đạt Lao động Tiên tiến. Ở đời sống thường ngày, cô là người sống chan hòa, giản dị, đoàn kết với tập thể. Noi gương sáng cô Tám, một số giáo viên đưa học sinh về dạy miễn phí nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Chia sẻ trước hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, mái ấm Công đoàn của huyện hỗ trợ, giúp cô Tám 30 triệu đồng để làm ngôi nhà cấp 4, tạo nơi ăn chốn ở ổn định, yên tâm công tác”.

Khi chia tay trở về, tôi nhớ mãi câu nói đầy xúc động của cô Tám: “Nếu như một ngày chân không thể đi được nữa tôi vẫn nhận học sinh về nhà dạy miễn phí”. Trong âm thanh vang vọng từ lớp học, tôi tin rằng mai đây, Khâu Làng sẽ có nhiều đứa trẻ trưởng thành, nhân thêm những mầm tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường THCS Yên Biên tổ chức Lễ tri ân các thầy cô

BHG - Sáng 19.11, Kỷ niệm 36 ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11.2018) trường THCS Yên Biên đã long trọng tổ chức Lễ tri ân các thầy cô. Tới dự có lãnh đạo Phòng Giáo dục&Đào tạo thành phố, lãnh đạo phường Trần Phú, các cựu giáo chức cùng đông đảo thầy cô giáo và hơn 700 em học sinh của nhà trường. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đội ngũ các nhà giáo Hà Giang, các thầy cô giáo trường THCS Yên Biên đã không ngừng nâng cao trách nhiệm, tư tưởng, trau dồi đạo đức lối sống trong việc dạy và học, trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. 

19/11/2018
Trao giải Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

BHG - Tối 18.11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các trường THCS. Tới dự có lãnh đạo 2 sở; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Phòng GD&ĐT 11 huyện, thành phố và các em học sinh. Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các trường THCS được tổ chức từ 1 đến 30.10.2018 nhằm giúp các em học sinh khối THCS trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu...

19/11/2018
Trường CĐSP Hà Giang Khai giảng năm học 2018 – 2019 và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

BHG - Sáng 19.11, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hà Giang tổ chức Khai giảng năm học 2018 – 2019 và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Đến dự Khai giảng có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh, nguyên lãnh đạo trường CĐSP Hà Giang qua các thời kỳ cùng các thầy, cô giáo và hơn 300 sinh viên của trường.

19/11/2018
Bắc Quang đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào trường học

BHG - Huyện Bắc Quang có 17 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có nền văn hóa đặc trưng như: Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn, Ngạn… Lối sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc tự thân kết hợp, tạo nên "bức tranh" văn hóa đa sắc, phong phú. Tuy nhiên, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của lối sống hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của tỉnh về việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy tại các nhà trường...

19/11/2018