Bắc Quang đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào trường học

11:01, 19/11/2018

BHG - Huyện Bắc Quang có 17 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có nền văn hóa đặc trưng như: Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn, Ngạn… Lối sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc tự thân kết hợp, tạo nên “bức tranh” văn hóa đa sắc, phong phú. Tuy nhiên, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của lối sống hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của tỉnh về việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy tại các nhà trường, huyện Bắc Quang xác định đó là phương thức quan trọng trong các hoạt động bảo tồn, nhắm vào giới trẻ là con, em đồng bào các dân tộc, là chủ thể của các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi tổ chức Hội chợ quê giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và món ăn truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi tổ chức Hội chợ quê giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và món ăn truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan khẩn trương sưu tầm, biên soạn tài liệu giới thiệu khá đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc, lịch sử hình thành, thói quen sinh hoạt, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Pà Thẻn… để làm tài liệu, cơ sở cho các đơn vị trường học tổ chức truyền dạy. Phương thức và thời gian tổ chức truyền dạy không bó hẹp, cứng nhắc mà để các đơn vị chủ động, linh hoạt, nhằm khơi dậy sức sáng tạo từ cơ sở. Với chủ trương đó, các đơn vị trường học trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp thực tiễn, điều kiện từng địa phương, huy động sự vào cuộc, phối hợp của cán bộ, giáo viên, các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Ngoài việc lựa chọn truyền dạy về kiến thức tổng thể, các trường còn chủ động mời các nghệ nhân, người có uy tín am tường về văn hóa từng dân tộc phối hợp truyền dạy, từ các tiết mục dân ca, dân vũ, dệt vải, đan sợi… đến cách chế biến món ăn truyền thống, thiết kế trang phục, nhà ở, các trò chơi dân gian… Đồng thời học sinh được đi thực tế, trải nghiệm tại các nhà văn hóa, các gia đình còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét văn hóa tiêu biểu ngay trên bản làng, quê hương mình. Ở một số trường, các em được học, trực tiếp chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình và giới thiệu tại “Hội chợ quê” do Liên đội nhà trường tổ chức.

 Tiết mục hát Then của các em học sinh.
Tiết mục hát Then của các em học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tiến Son, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Huyện đang tập trung triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng việc lựa chọn đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các nhà trường là phương thức hiệu quả nhất, bởi các em chính là chủ thể, là tương lai của các dân tộc trên địa bàn; môi trường học tập, độ tuổi của các em cũng là điều kiện tốt để tiếp thu các kiến thức, kỹ năng về văn hóa truyền thống. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn liên quan phối hợp, đẩy mạnh hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào hệ thống các nhà trường…

Cô giáo Trần Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi chia sẻ: “Đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy tại các nhà trường là chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân. Nếu như trước đây nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số còn tự ti, ngại ngùng về nguồn gốc xuất thân của mình thì giờ đây nhận thức đó đã thay đổi. Các em tự tin mặc trang phục truyền thống, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa dân tộc mình cho bạn bè; thông qua tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ cùng sở thích, các trò chơi dân gian… rèn cho các em sự tự tin, kỹ năng sống tốt hơn”.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào quan tâm, phục dựng, thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nơi đó sẽ thành công trong việc tạo ra nguồn lực lao động có chất lượng toàn diện, tạo nội lực cho sự phát triển và thực hiện hiệu quả các chính sách KT - XH. Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn hẹp, huyện Bắc Quang đã lựa chọn những phương thức phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả, cần ít nguồn kinh phí đầu tư hơn để ưu tiên làm trước, khi các nghệ nhân, các già làng, người có uy tín - những người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn đang ngày càng ít dần.

Bài, ảnh: Nguyễn Doãn Thiện (Văn phòng HĐND và UBND Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hang Khố Mỷ, vẻ đẹp tiềm ẩn

BHG - Những nhũ đá đẹp lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt; những cột thạch nhũ cao sừng sững; những dòng thạch trắng được hình thành qua hàng trăm, hàng ngàn năm đẹp độc đáo như cung điện... Tất cả những điều đó khiến mọi du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng mà tạo hóa ban tặng cho hang Khố Mỷ. Hang Khố Mỷ, lấy theo tên thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài (Quản Bạ). 

19/11/2018
Xã Thanh Vân tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực

BHG - Sáng 17.11, UBND xã Thanh Vân (Quản Bạ) đã tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực, nhằm giới thiệu, tôn vinh và bảo tồn những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong tục đặc trưng của người dân tộc địa phương. Dự lễ hội có đồng chí Hoàng Đình Phới, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các du khách thập phương...

17/11/2018
Quản Bạ an toàn và thân thiện

BHG - Mùa Lễ hội Hoa Tam giác mạch diễn ra trong tháng 11 đến tháng 12 năm nay, hứa hẹn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của loài hoa độc đáo này. Là huyện "cửa ngõ" Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Quản Bạ đã chuẩn bị chu đáo cho một mùa lễ hội an toàn và thân thiện để mọi du khách đều cảm nhận được sự mến khách của người dân vùng đá. Trong những năm gần đây, Quản Bạ dần có tên trên Bản đồ du lịch và trở thành một trong những địa chỉ được du khách xa gần biết đến. Đặc biệt là các bạn trẻ, những người thích xê dịch, đi "phượt" thường "up" ảnh...

16/11/2018
Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn phát triển du lịch

BHG - Làng nghề truyền thống (LNTT) là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển các sản phẩm du lịch (DL) độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy lợi thế này, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung bảo tồn, phát triển các LNTT gắn với phát triển DL; thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm.

 

16/11/2018