Di tích người tiền sử ở Bắc Mê đang rơi vào quên lãng

07:54, 17/09/2018

BHG - Năm 1997, trong đợt khảo sát khảo cổ học dọc bờ sông Gâm, các nhà khảo cổ đã phát hiện hang Đán Cúm và Nà Chảo nằm trên địa phận xã Yên Cường (Bắc Mê). Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ học khẳng định đây chính là những mắt xích có thể thiết lập thuyết phát triển văn hóa tiền sử trên đất Hà Giang: Đán Cúm - Nà Chảo - Khuổi Nấng - Đồi thông và di tích Lò gạch. Đây chính là con đường phát triển của thời đại đồ đá - thời xa xưa nhất trong lịch sử loài người cách ngày nay trên 10 nghìn năm.

Di tích khảo cổ hang Đán Cúm, thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường.
Di tích khảo cổ hang Đán Cúm, thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường.

Hang Đán Cúm thuộc địa phận thôn Tiến Xuân, được chia làm 2 phần, gồm khu hang ngoài và hang trong; phía sâu trong hang có nhiều tảng đá to hàng chục m3 rơi từ trần hang xuống; nền hang phủ lớp phân dơi dày đặc. Đi sâu vào trong, lòng hang được mở rộng và có dòng nước chảy qua, cuối hang có cửa thông với bên ngoài. Qua 2 lần thám sát và khai quật, Đoàn nghiên cứu thu được gần 3 nghìn công cụ với nhiều loại hình mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình và một số công cụ đặc trưng như kỹ thuật bổ cuội, công cụ nạp hầu và kỹ thuật ghè xung quanh hướng tâm.

Hang Nà Chảo, thôn Tà Lùng, xã Yên Cường.
Hang Nà Chảo, thôn Tà Lùng, xã Yên Cường.

Việc phát hiện hang Đán Cúm đã cung cấp cho ngành Khảo cổ một di chỉ khảo cổ học mới, mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Đồng thời, đây cũng là một di chỉ có số lượng hiện vật phong phú so với bất kỳ di tích Hòa Bình nào đã biết ở nước ta. Đám Cúm là địa điểm cư trú lâu dài và đông đúc của cư dân tiền sử, di chỉ văn hóa Hòa Bình đầu tiên được tìm thấy ở tỉnh ta.

Trong đợt khảo cổ này, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện hang Nà Chảo nằm trên địa bàn thôn Tà Lùng, cách hang Đán Cúm hơn 2 km. Hang Nà Chảo tương đối rộng, miệng hình hàm ếch, bên trong chứa đựng nhiều công cụ đá thể hiện rõ kỹ thuật ghè, đẽo của văn hóa Hòa Bình, công cụ đá mài như rìu mài lưỡi và rìu tạo vai thô sơ cùng dấu Bắc Sơn, dấu tích bếp lửa và hơn 2.700 công cụ khác. Qua đó, các nhà khảo cổ giả định: Phải chăng chủ nhân của văn hóa Hòa Bình ở Nà Chảo là một trong số những cộng đồng cư dân đã trực tiếp phát minh ra kỹ thuật mài đá và sáng tạo loại hình dùi có chuôi tra cán, tạo cơ sở đầu tiên cho sự phát triển văn hóa đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7 - 8 nghìn năm.

Các hiện vật khai quật tại hang Đán Cúm, Nà Chảo được trưng bày tại Bảo tảng tỉnh.
Các hiện vật khai quật tại hang Đán Cúm, Nà Chảo được trưng bày tại Bảo tảng tỉnh.

Hang Nà Chảo và Đán Cúm được coi là những di tích nằm ở giai đoạn bản lề của bước chuyển mình mang tính thời đại, từ thời đại đá cũ sang thời đại đá mới, từ thời đại săn bắt, hái lượm sang thời đại trồng trọt và chăn nuôi.

Qua quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu khẳng định: Hang Đán Cúm, Nà Chảo có giá trị quan trọng về lịch sử, khoa học và văn hóa. Qua đó, năm 2001, hang Đán Cúm, Nà Chảo được Nhà nước công nhận di tích khảo cổ Quốc gia. Thế nhưng, cả hai hang trên đều ít người biết đến, ngay cả nhiều người dân sở tại cũng chưa đặt chân tới, chưa hiểu tầm quan trọng của nó. Cùng với đó, địa phương mới chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, không vào hang lấy phân dơi và làm xáo trộn hiện trạng di tích.

Lý giải tình trạng hiu quạnh của hang Đán Cúm và Nà Chảo, đồng chí Lưu Bá Cường, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Mê cho biết: Đán Cúm, Nà Chảo có nhiều ý nghĩa lịch sử và khảo cổ học, tuy nhiên do nằm cách xa trung tâm huyện, lại chưa được đầu tư tôn tạo nên đường vào hang rất khó khăn, chủ yếu đường mòn, kinh phí dành đầu tư, tôn tạo còn hạn chế... nên chưa thu hút được du khách tham quan.

Trước sự hấp dẫn của hai di tích, chúng tôi có buổi khám phá hang động dưới sự chỉ dẫn của cán bộ xã Yên Cường. Con đường sau cơn mưa trơn trượt từ trung tâm xã đến hang Đán Cúm chưa đầy 10 km, nhưng phải mất hơn giờ đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến nơi. Hang nằm trong khu rừng già, trước cửa hang là vách đá to, cao; cửa hang bị cây rừng che lấp, chúng tôi loay hoay mất nửa tiếng mới vào được bên trong. Qua ánh đèn pin, cảnh vật hiện ra trước mắt khiến chúng tôi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nguyên sơ của di tích.

Trái ngược với khó khăn của hang Đán Cúm, hang Nà Chảo nằm ngay ven đường trông như chiếc chảo rộng hướng ra ngoài. Nhìn từ ngoài vào, những viên đá có màu xanh ngọc, nhưng vào bên trong lại có màu vàng; trước cửa hang là cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm.

Những giá trị văn hóa, lịch sử của hang Đán Cúm và Nà Chảo đã được khẳng định, nhưng những di tích này vẫn nằm im dưới vách đá, phủ kín bởi rừng cây... và dần rơi vào quên lãng. Để bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của hang Đán Cúm, Nà Chảo, rất cần những hành động cụ thể, kịp thời của các cấp, ngành nhằm đưa di tích lịch sử này trở thành địa chỉ đỏ trên “cung đường du lịch” của tỉnh.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỳ bí bãi đá cổ Nấm Dẩn

BHG - Bãi đá cổ Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) nằm bên dòng suối Nặm Khoòng được các nhà khảo cổ phát hiện cuối năm 2004. Quần thể di tích gồm những phiến đá với nhiều hoa văn kỳ bí, tới nay vẫn chưa có lời giải đáp về ý nghĩa. Hòa mình giữa quần thể di tích ấy, những người dân tộc Nùng sinh sống từ bao đời, dù chưa một lần khẳng định là hậu duệ của chủ nhân tạo tác các nét vẽ trên đá cổ, nhưng trong sinh hoạt tâm linh của họ có những nghi lễ đặc sắc gắn với di tích.

 

14/09/2018
Đồng hành cùng sự nghiệp "gieo chữ" ở Tiên Nguyên

BHG - Tiên Nguyên là xã vùng 3 của huyện Quang Bình, với dân số gần 5.000 khẩu; số hộ nghèo của xã chiếm 52%. Xã có 14 thôn, bản; mỗi thôn, bản đều có 1 điểm trường, trong đó, có điểm trường cách trung tâm xã tới 25 km. Với đặc điểm chung của các thôn là: Giao thông đi lại rất khó khăn, nên ít nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục của xã. Hưởng ứng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, năm học 2018 – 2019, Công an tỉnh phối hợp với Ngân hàng Techcombank Hà Nội và Nhóm Thiện nguyện "Cùng em tới trường"...

14/09/2018
Khó khăn trong tuyển sinh bậc THPT ở Đồng Văn

BHG - Những năm qua, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của huyện Đồng Văn đã có những bước tiến mới trong việc huy động học sinh bậc Mầm non, Tiểu học và THCS đi học đúng độ tuổi. Tuy nhiên, ở bậc THPT số lượng học sinh theo học lại đang giảm, nhiều năm liền Trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn không tuyển đủ số học sinh theo yêu cầu.

 

13/09/2018
Tổ chức Plan Việt Nam: Hội thảo Hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục Mầm non phù hợp bối cảnh địa phương

BHG - Sáng 12.9, Văn phòng Plan tại Hà Giang đã khai mạc Hội thảo Hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục Mầm non phù hợp bối cảnh địa phương. Tham dự Hội thảo huấn có đại diện Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và cán bộ quản lý 22 trường Mầm non thuộc 9 huyện và thành phố trong tỉnh.

12/09/2018