Hà Giang

Dấu xưa thành cổ Lam Kinh

18:03, 27/07/2018

BHG - Hòa trong nắng và gió cùng dòng xe xuôi ngược trên Quốc lộ 47, đầu tháng Bảy, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang có chuyến hành hương về nguồn, thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn; nơi phát tích dòng họ Đế vương có công bình Ngô giữ nước. Nơi đây còn được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt với nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hoá thiêng liêng.

Chính điện Lam Kinh.                                                                                    Ảnh: Duy Tuấn
Chính điện Lam Kinh. Ảnh: Duy Tuấn

Dấu tích xưa còn đó…

Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Theo ghi chép, Lam Kinh là quê hương đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long - Hà Nội lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Để bày tỏ lòng hiếu kính với tiên tổ, vua Lê cho xây dựng trên vùng đất Lam Sơn nhiều điện, miếu, lăng tẩm có quy mô lớn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Đoàn công tác Báo Hà Giang tham quan Khu di tích lịch sử Lam Kinh.   Ảnh: Duy Tuấn
Đoàn công tác Báo Hà Giang tham quan Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: Duy Tuấn

Thành điện Lam Kinh rộng khoảng 30 ha với vị trí đắc địa, đằng sau gối vào núi, trước mặt nhìn ra sông, bốn bề non xanh nước biếc. Theo chân nữ hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi bước qua cầu Bạch, cây cầu có dánh hình vòm cung, khum khum bắc trên sông Ngọc, phía dưới làn nước trong xanh đến mát mắt. Qua cầu Bạch, vào Ngọ môn, hiện ra trước mắt chúng tôi khung cảnh tráng lệ với những thành điện bề thế, hoà quyện với khung cảnh thơ mộng của núi non, cây cỏ. Trải qua năm dài, tháng rộng cùng biết bao biến động của lịch sử đất nước, thành điện Lam Kinh vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ cổ kính, uy nghiêm.

Bước qua cánh cổng gỗ thâm trầm, đi qua sân Rồng, vào Chính điện, chúng tôi ai nấy đều bồi hồi, xúc động trước cảnh quan trầm mặc, uy nghi của điện cổ, thành xưa. Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, theo kiểu kiến trúc hình chữ công, gồm 3 toà nhà lớn là Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh. 6 tòa Thái Miếu được xếp theo hình cánh cung ôm lấy Chính điện Lam Kinh, được phục hồi, tôn tạo theo kiến trúc thời Lê bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch bát giã cổ. Bên trong các Thái miếu đều có bàn thờ, lư đồng và những vật dụng dành cho vua được phục chế lại, tất cả toát lên sự uy nghiêm, cổ kính.

Rời các tòa Thái miếu, chúng tôi men theo con đường nhỏ phía sau dẫn đến nơi an nghỉ của vua Lê Lợi còn được gọi là Vĩnh lăng. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh lăng đơn giản, tự nhiên nhưng toát lên vẻ tôn nghiêm, trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá để trấn trạch. Giữa hai hàng tượng chầu là một lối đi rộng khoảng hơn 2 m. Nhìn toàn cảnh lăng thật giản dị, gần gũi song cũng rất tôn nghiêm và trang trọng. Kính cẩn nghiêng mình, thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, đấng minh Vương đã có công bình Ngô giữ nước, chúng tôi ai nấy đều trào dâng niềm tự hào và hứa cố gắng rèn luyện, phấn đấu, góp sức dựng xây đất nước giàu đẹp, phồn vinh.

Và những giá trị vĩnh hằng!

Qua nhiều cuộc khảo sát, các nhà khoa học xác định, Lam Kinh hiện vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn, đầy đủ kiến trúc của điện cổ, thành xưa. Đặc biệt, Khu di tích Lam Kinh còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt với “cây đa, giếng nước, sân đình” hiếm nơi nào có được. Ngoài các tòa Chính điện, Thái miếu, khu lăng tẩm, còn phải kể đến bia Vĩnh lăng, một công trình điêu khắc đá nghệ thuật quý giá, có ý nghĩa lớn lao trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Bia Vĩnh lăng nằm riêng biệt trên đường đi, được tạc từ một khối đá xanh lớn, đặt trên lưng rùa. Bia được trang trí hình rồng, xen kẽ là hình hoa cúc dây mềm mại. Nội dung văn bia được khắc chìm, tóm tắt ngắn gọn về thân thế, sự nghiệp, công trạng của vua Lê Thái Tổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với câu chuyện Lê Lợi trả gươm cho rùa thần ở hồ Hoàn Kiếm. Bia Vĩnh lăng được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, không chỉ mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê sơ.

Không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa, Lam Kinh còn thu hút du khách bởi cảnh quan sinh thái độc đáo và hấp dẫn. Với một quần thể rộng lớn hàng trăm ha, bao gồm đồi núi, sông hồ, khe suối, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, khu rừng cấm với đầy đủ các loài cây quý thu hút chim muông về sinh sống càng khiến cho thành cổ Lam Kinh vừa có sự cổ kính, uy nghiêm vừa thơ mộng và lôi cuốn đối với du khách.

Đến Lam Kinh vào tháng 8 âm lịch hàng năm, du khách còn được hòa mình vào những nghi thức cổ truyền của Lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn vua Lê Thái Tổ, tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc của xứ Thanh như: Trò xuân phả, trò chiềng, múa rồng, trống hội, ném còn, bắn nỏ…

Trải qua gần 6 thế kỷ, với bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, thành cổ Lam Kinh vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, văn hoá cần được bảo tồn và gìn giữ. Về Lam Kinh để ngược dòng về quá khứ, sống trong không gian lịch sử, tưởng nhớ đến thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông, để rồi đọng lại trong tâm khảm mỗi người con đất Việt niềm tự hào, tự tôn dân tộc!

      Ghi chép: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang

BHG - Ngày 26.7, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp với UBND huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang tổ chức Hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang". Dự Hội thảo có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang...

27/07/2018
Có một Làng Văn hóa du lịch cộng đồng ở Khâu Vai

BHG - Du lịch là một trong những lĩnh vực được huyện Mèo Vạc xác định là "mũi nhọn" trong hướng phát triển KT – XH địa phương. Với việc huy động các nguồn lực và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp cho ngành "công nghiệp không khói" ở mảnh đất biên cương ngày thêm khởi sắc. Để thúc đẩy du lịch, Mèo Vạc đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai – mảnh đất "Chợ tình" huyền thoại.

 

25/07/2018
Bộ CHQS tỉnh tổ chức Chương trình "Quà tặng âm nhạc" tại Trung đoàn 877

BHG - Tối 23.7, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Chi hội Sân khấu – Điện ảnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Chương trình "Quà tặng âm nhạc" tại Trung đoàn 877 (phường Ngọc Hà, TPHG). Tới dự có lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877 và bà con nhân dân trên địa bàn.

24/07/2018
Nhà hàng Xuân Hạc, nét ẩm thực độc đáo miền đá

BHG - Đến với Mèo Vạc, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian miền núi hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng với những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, trập trùng, những cung đường đèo quanh co, uốn lượn giữa lưng trời và cả những điều bí ẩn chưa từng khám phá hết về đời sống văn hóa, những nét ẩm thực dân tộc đậm đà của cộng đồng dân tộc sống trên mảnh đất Mèo Vạc này. Tất cả những hình ảnh đẹp ấy đều có sẵn và trưng bày đầy đủ ở nhà hàng Xuân Hạc (Ảnh bên).  Nhà hàng Xuân Hạc có địa chỉ tại tổ 4, đường Hạnh Phúc, thị trấn Mèo Vạc...

23/07/2018