Nét đẹp trong lễ cưới của người Dao Áo dài xã Thượng Bình

16:13, 22/06/2018

BHG - Thượng Bình là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Quang với 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 30% dân số.  Dân cư sống thưa thớt, thường quần tụ theo từng dòng họ. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp nên đời sống của nhân dân các dân tộc xã Thượng Bình có nhiều chuyển biến tích cực, những nét đẹp văn hoá của các dân tộc được bảo tồn. Một trong những nét văn hóa đặc sắc nơi đây được gìn giữ và phát huy, đó là lễ cưới của người Dao Áo dài.

Trang phục của người Dao Áo dài xã Thượng Bình (Bắc Quang).
Trang phục của người Dao Áo dài xã Thượng Bình (Bắc Quang).

Lễ cưới của người Dao Áo dài xã Thượng Bình, được tiến hành qua các bước. Bước đầu tiên là lễ so tuổi. Đây là nghi lễ mở đầu và rất quan trọng đối với hôn nhân của người Dao Áo dài. Dù chàng trai và cô gái được tự do tìm hiểu nhưng muốn làm lễ cưới đều phải tổ chức lễ so tuổi. Sau lễ so tuổi, nhà trai thông báo cho nhà gái để hẹn thời gian nhất định tiến hành lễ dạm ngõ. Trong lễ này, sẽ có một người anh em trong dòng họ thay mặt gia đình đến thông báo với nhà gái tuổi của đôi nam nữ và xin được tiến hành hôn lễ. Nhà gái đáp lễ và hẹn thời gian cho nhà trai để tiến hành nghi lễ tiếp theo.

Sau lễ dạm ngõ, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật đến nhà gái để làm lễ ăn hỏi. Ngoài các lễ vật như trầu cau, rượu, gà, gạo nếp, thuốc lào, tiền thách cưới,… nhà trai còn phải mang đến nhà gái một lễ vật có tính tín ngưỡng là gói muối bọc giấy đỏ và kẹp theo hai đồng tiền kẽm buộc chỉ xanh. Hai bên cùng thỏa thuận về lễ cưới. Ngày được lựa chọn để tổ chức lễ cưới sẽ được nhà trai viết trên một tờ giấy đỏ chuyển cho nhà gái.

Khoảng 7 đến 10 ngày trước khi diễn ra đám cưới, nhà trai mời thầy cúng đến nhà làm lễ. Tiếp đó, họ đặt vấn đề với nhà gái nhờ nhà gái tìm hộ nhà nghỉ trọ. Sau đó là việc trang hoàng nhà cửa, tìm người đưa, đón dâu, chuẩn bị trang phục, chuẩn bị lễ vật.

Thời gian tiến hành lễ cưới bắt đầu từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Khi đến đón dâu, đoàn nhà trai phải đứng trước cổng nhà trọ để làm thủ tục, cúng ma làng sau đó lên nhà trọ xin phép chủ nhà được lên nhà gái để đón dâu. Trên đường đi, đoàn phải vượt qua các cửa ải do nhà gái dựng lên. Khi đến cửa nhà gái, đoàn đón dâu phải hát đối đáp với đại diện nhà gái để được lên nhà. Khi lên đến nhà, đoàn đón dâu ngồi vào vị trí gian ngoài, sau đó ông trưởng đoàn nhà trai đứng dậy trao lễ vật cho nhà gái. Khi nhận lễ, nhà gái sẽ cử người hát hỏi xuất xứ của các thứ lễ. Xong mọi thủ tục trình lễ, nhà gái bê mâm cơm lên mời họ nhà trai ăn. Ăn xong, ba ông quan làng nhà gái ngồi ở ba mâm điều khiển. Hai họ cùng hát đối đáp vui vẻ. Họ hát nhiệt tình, say sưa trước sự chứng kiến của anh em, họ hàng, làng xóm đến chia vui. 

  Sáng hôm sau, cô dâu được mẹ dẫn ra khỏi phòng đến trước bàn thờ tổ tiên làm lễ bái tổ, sau đó cô dâu và chú rể ra mắt mọi người trong lễ cưới. Trước khi đón dâu về, nhà trai gửi cho nhà gái một phong bao nhỏ được bọc bằng giấy đỏ để xin phép được đón cô dâu về. Khi đoàn dẫn dâu về đến cổng nhà chưa được bước lên cầu thang ngay mà phải đứng đó để thầy cúng làm phép giải hạn. Đợi đến giờ tốt, cô dâu, chú rể mới được lên nhà. Trước tiên, cô dâu, chú rể tiến đến bàn thờ tổ tiên làm lễ. Tại đây, đôi vợ chồng được nghe từ chủ hôn những lời căn dặn, dạy bảo những điều tốt đẹp. Sau đó, đôi vợ chồng đến mâm thầy cúng để lạy ông bà nội, bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng thân thích theo từng thứ bậc. 

Sau khi kết thúc lễ cưới, trong khoảng thời gian nhất định đã được hai bên gia đình thỏa thuận trước, đôi vợ chồng mới được về nhà ngoại để chào bố mẹ, anh em, họ hàng. Đôi vợ chồng trẻ sẽ nghỉ tại đây. Đến ngày hẹn, ông bà thông gia nhà gái cùng con gái và con rể về nhà trai làm lễ lại mặt. Lễ này diễn ra đơn giản mang ý nghĩa thăm hỏi, cảm ơn của hai bên gia đình với nhau.

Lễ cưới của người Dao Áo dài ở xã Thượng Bình là một nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Những nghi lễ trong lễ cưới đã phản ánh toàn bộ đời sống sinh hoạt của đồng bào trong đó chứa đựng tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục đạo đức, hướng con người đến chân - thiện - mĩ. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm biến động của lịch sử, nhưng lễ cưới của người Dao Áo dài ở xã Thượng Bình,  vẫn còn gìn giữ được cho đến ngày nay.

Bài, ảnh: LƯƠNG ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì tím đỏ mùa mận Máu

BHG - Tháng 6, khi những cơn mưa mùa Hạ trút xuống miền đất Hoàng Su Phì, đó cũng là lúc những vườn mận Máu tại nhiều địa phương trong huyện bắt đầu chín rộ. Tại các xã Chiến Phố, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn và Bản Máy, là vựa mận Máu của huyện. Trái mận máu ở đây trở thành nguồn thu nhập quan trọng của không ít hộ đồng bào Mông, Nùng, La Chí… Những trái mận Máu tím đỏ, chĩu cành như tô điểm cho sắc màu của miền Tây Hà Giang...

22/06/2018
Chiêu Lầu Thi - miền non cao, rừng xanh, lá đỏ

BHG - Đỉnh Chiêu Lầu Thi hay còn được gọi là Kiêu Liều Ti, nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, thực sự khiến cho bất kỳ ai một lần đặt chân đến đều nhớ mãi. Chiêu Lầu Thi theo cắt nghĩa của người dân địa phương là chín bậc thang lên trời. Tương tuyền thời còn cai trị Đông Dương, người Pháp muốn xây dựng căn cứ trên đỉnh Kiêu Liều Ti để tiện quan sát một vùng rộng lớn đất Hà Giang, nên đã cho thợ người Hoa đục chín bậc đá dẫn lên đỉnh núi. Địa danh nhiều huyền thoại ấy, nay là nơi các tay phượt vượt ngàn dặm tìm đến để "săn" mây và ngắm cảnh bình minh...

22/06/2018
Tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Nhằm thực hiện các khuyến nghị của chuyên gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), trong suốt thời gian qua, các ngành liên quan và các huyện trong vùng CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn đã triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ nhằm đáp ứng các tiêu chí của mạng lưới và giữ vững tư cách thành viên của mạng lưới.

 

22/06/2018
Đồng Văn sau hơn 2 năm thực hiện chương trình phát triển du lịch bền vững

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, du lịch là lĩnh vực mũi nhọn. Từ  đó, BCH Đảng bộ huyện đã đề ra chương trình phát triển du lịch bền vững; đây cũng là một trong 5 chương trình trọng tâm huyện "dồn lực" thực hiện. Qua hơn 2 năm triển khai với nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch nơi vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

21/06/2018