Hà Giang

Phụ nữ dân tộc thiểu số học và nói tiếng phổ thông

17:40, 18/05/2018

BHG - Huyện Đồng Văn có đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trên 50% phụ nữ các thôn, bản không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Từ thực trạng trên, Hội Phụ nữ (HPN) huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, thị trấn mở lớp học dành cho hội viên, phụ nữ mù chữ, tái mù chữ. Quá trình thực hiện đã cho hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện.

Lớp học xóa mù chữ tại thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn.
Lớp học xóa mù chữ tại thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”, năm 2015, HPN huyện chủ trương thí điểm mở lớp xóa mù chữ đầu tiên trên địa bàn thị trấn Đồng Văn, sau đó mở rộng trên toàn huyện. Bằng nhiều hình thức như: Chồng dạy vợ, con dạy mẹ, chị dạy em, học thông qua giao tiếp… đã khuyến khích chị em học tiếng, học chữ tích cực và hiệu quả hơn. Năm 2017, HPN huyện mở được 32 lớp xóa mù chữ, với 773 hội viên, phụ nữ tham gia; thành lập được 681 nhóm học với 1.357 người tham gia, trong đó có 213 nhóm học chữ, 386 nhóm học tiếng. Trong năm nay, Hội tiếp tục phối hợp, duy trì các lớp chưa hoàn thành khóa học và mở lớp mới tại mỗi xã. Thông qua những lớp dạy tiếng, dạy chữ đã giúp chị em tiếp thu được nhiều kiến thức từ cuộc sống hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, họp thôn, sinh hoạt câu lạc bộ... từng bước giúp chị em tự tin hơn trong giao tiếp.

Chị Hà Thị Bạch, Chủ tịch HPN thị trấn Đồng Văn cho biết: Hiện nay, rất nhiều chị em tình nguyện xin đi học các lớp xóa mù chữ do HPN mở. Trong thời gian học từ 2 – 3 tháng, hầu hết chị em đều viết và nói được những câu cơ bản. Từ đầu năm đến nay, thị trấn Đồng Văn đã lập được 8 nhóm học với gần 100 học viên ở 2 lớp học chữ và viết. Chị Bạch chia sẻ thêm, để tạo sự gần gũi, cũng như dễ tiếp cận với chị em, các lớp sẽ lựa chọn giáo viên người địa phương biết tiếng phổ thông. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao, học viên cởi mở với giáo viên và tiếp cận nhanh hơn. Chị Hầu Thị Say, 33 tuổi, học viên của lớp xóa mù chữ thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn chia sẻ: Trước đây, chỉ nghe, nói được vài câu nhưng chưa biết viết. Nhờ có lớp xóa mù chữ nên chị đã ký được tên, đọc hiểu văn bản. Về nhà chị còn dạy chồng và các chị em trong nhà biết đọc, biết viết.

Chị Vương Thị Xuyến, Chủ tịch HPN huyện Đồng Văn cho biết: Trên địa bàn huyện, phần lớn chị em mù chữ là người cao tuổi nên ngại đi học, một số do hoàn cảnh khó khăn, bản thân là lao động chính nên không có thời gian. Bằng nhiều hình thức, chúng tôi đã nỗ lực để chị em phụ nữ trên địa bàn biết nói hoặc viết tiếng phổ thông. Tại một số xã có chợ phiên như Sà Phìn, Phố Cáo, cán bộ phụ nữ xã đều trực tiếp tuyên truyền, vận động chị em để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc học nói, học viết tiếng phổ thông, tham gia vào các lớp xóa mù chữ. Đối với mỗi xã, chúng tôi cũng họp bàn, giao chỉ tiêu, mỗi xã mở ít nhất 1 lớp dạy nói và viết cho chị em. Hàng năm đều tiến hành rà soát toàn bộ số chị em mù chữ, tái mù chữ để kịp thời cho đi học lại.

Việc dạy chữ và tiếng phổ thông cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Đồng Văn đã giúp họ tự tin hơn trong giao tiếp, từ đó có nhiều cơ hội tiếp cận với các chính sách, mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng để vươn lên thoát nghèo; dần khẳng định và nâng cao vị thế người phụ nữ.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quan tâm chăm lo học sinh bán trú ở xã Cao Bồ

BHG - Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Cao Bồ (xã Cao Bồ, Vị Xuyên) luôn thực hiện tốt công tác chăm lo cho học sinh bán trú; tạo điều kiện cho các em được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt nhất. Năm học 2017 – 2018, nhà trường có 593 học sinh (HS); trong đó, bậc Tiểu học 399 em, THCS 194 em. Thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với HS bán trú....

17/05/2018
Quản Bạ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các xã biên giới

BHG - Nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện các chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng Nông thôn mới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quản Bạ cùng một số ban, ngành trên địa bàn huyện xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các xã biên giới trên địa bàn.

17/05/2018
Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh: "Cam kết giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp"

BHG - "Cam kết với học sinh (HS), sinh viên (SV) sau tốt nghiệp sẽ được nhà trường tạo điều kiện, giải quyết việc làm..." - đó là lời khẳng định của Thạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ khi trao đổi về công tác tuyển sinh của nhà trường năm 2018. Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2018, nhà trường đã phân công các tổ tuyển sinh xuống các địa phương và các trường trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh (HS) về công tác đào tạo, học nghề và việc làm. 

16/05/2018
Trường THPT Chuyên "sân khấu hóa" hoạt động ngoại khóa và giáo dục hướng nghiệp

BHG - Căn cứ khung phân phối chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp (GDNGLL) và giáo dục hướng nghiệp (GDHN) của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Trường THPT Chuyên đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động bằng hình thức "sân khấu hóa" với những nội dung, chủ đề bổ ích. Đặc biệt, mỗi chương trình đều lồng ghép nội dung kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

16/05/2018