Hà Giang

Hát Quan làng, nét đẹp văn hóa trong Lễ cưới của người Tày xã Tùng Bá

15:42, 05/05/2018

BHG - Trong lễ cưới truyền thống của người Tày nói chung và xã Tùng Bá (Vị Xuyên) nói riêng, diễn ra nhiều nghi thức, trong đó tục hát Quan làng là một nghi lễ không thể thiếu.

Hát Quan làng trong đám cưới của người Tày xã Tùng Bá.
Hát Quan làng trong đám cưới của người Tày xã Tùng Bá.

Hát Quan làng được coi là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đám cưới người Tày xã Tùng Bá. Hát Quan làng có nơi gọi là “nai lùa”, có nơi gọi là “văn ví” quan làng… dùng lối hát ví von, lời hay ý đẹp để thách đố tài ứng xử của ông, bà Quan làng bên nhà trai hay ông, bà Quan làng bên nhà gái khi đoàn nhà trai đi đón dâu hoặc đoàn nhà gái đi đưa dâu sang nhà trai. Hát Quan làng còn gọi là “thơ lẩu” của dân tộc Tày. Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể. Những người hát Quan làng (tiếng Tày gọi là Pú Quan làng) là những người làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về.

Trong đám cưới của người Tày ở xã Tùng Bá, lễ vật cưới gồm: 40 kg thịt lợn, rượu 40 lít, 40 kg gạo nếp, chè thuốc... Các lễ như: Lễ cho họ hàng, lễ cho ông, bà ngoại cô dâu, lễ cho chị gái. Trong đó, đoàn đón dâu nhà trai cũng như đoàn nhà gái gồm: Hai ông, hai bà Quan làng (một chánh, một phó), chú rể, phù rể và những người bạn, người em của chú rể (những người gánh lễ vật). Quan làng là người đại diện cao nhất của họ nhà trai (nhà gái), thay mặt bố, mẹ và họ hàng ứng xử mọi việc. Vì vậy, Quan làng phải là người đứng tuổi, đức độ, có uy tín, phong thái đĩnh đạc, người có vợ con, gia đình êm ấm, hạnh phúc, có tài ứng khẩu thành thơ… Nhưng quan trọng là phải biết hát Quan làng.

Các bài Quan làng hát có nội dung chủ yếu là chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống, mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Quan làng phải là người thông minh, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình. Vậy nên, trước khi đám cưới, nhà trai thường rất cẩn trọng trong việc tìm quan làng để đón dâu; nhà gái cũng hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn người để đưa con gái mình về nhà chồng. Trong một đám cưới truyền thống của người Tày, hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Khi thực hiện các nghi lễ để đón, rước dâu, người hát Quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Trong hát Quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông Quan làng.

Lễ cưới của người Tày xã Tùng Bá có nhiều tục gồm: Căng dây chặn đường; xin nước rửa chân; giữ cửa; xin trải chiếu; hát mời nước, mời trầu; lễ trình tổ nộp gánh; lễ dâng tiền và tấm vải khô (rằm khấu); lễ xin đón dâu; đến nhà trai. Mỗi tục, hát Quan làng được thể hiện một cách khác nhau. Ví như, tục căng dây chặn đường (hát để xưng danh, chào hỏi) là tục đầu tiên trong một lễ cưới. Khi đoàn đón dâu của nhà trai đến ngõ nhà gái, nhà gái cho chăng dây qua đường, có nơi đóng cổng hoặc chăng dải vải rồi hỏi, chất vấn một số vấn đề liên quan đến họ nhà trai. Bên nhà trai phải hát đối cho hợp ý, hợp cảnh mới được nhà gái cho dỡ dây đi qua. Trong khi đó, lễ xin đón dâu là nghi lễ trang trọng cuối cùng tại nhà gái. Thông thường việc đón dâu được đoàn nhà trai tính toán sao cho đoàn đón dâu về đến nhà đúng giờ đã định. Vị Quan làng nhà trai trịnh trọng hát bài cảm ơn sự chu đáo của nhà gái, rồi xin ông bà, cha mẹ và họ hàng nhà gái cho phép nhà trai được đưa cô dâu về nhà. Bài hát xin dâu được ông Quan làng hát gọi là “So lùa lồng lang”...

Ông Mã Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Tùng Bá cho biết: Hát Quan làng trong đám cưới truyền thống của dân tộc Tày xã Tùng Bá mang tính nhân văn, lòng nhân ái và là hình thức giao lưu, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng dân cư. Nét văn hóa đặc sắc này cần được lưu truyền và giữ gìn, góp phần làm phong phú kho tàng dân ca đám cưới của các dân tộc Việt Nam nói chung và của người Tày xã Tùng Bá nói riêng.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo sinh kế cho người dân từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Hoàng Su Phì – mảnh đất miền Tây đầy nắng, gió của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ngoài danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ, nơi đây còn có những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những đỉnh núi cao trên 2 nghìn m so với mực nước biển và nhiều cung đường hiểm trở, thuận tiện cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Những yếu tố đó đã, đang trở thành lợi thế riêng, giúp địa phương mở hướng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo sinh kế cho người dân.

 

30/04/2018
Khai mạc Lễ hội Khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ V, năm 2018

BHG - Tối 29.4, huyện Đồng Văn đã tổ chức Lễ hội khèn Mông lần thứ V, năm 2018. Dự buổi lễ có các  đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Đồng Văn cùng đông đảo người dân và du khách.

30/04/2018
Tổng Bí thư dự Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

Tối 24/4, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, diễn ra lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2018 với chủ đề "Rực sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt". Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đại biểu các Bộ, Ban ngành ở trung ương, tỉnh Ninh Bình, cùng hàng ngàn người dân địa phương. 

27/04/2018
Các huyện tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày giải phóng miền Nam 30.4 và Ngày Quốc tế Lao động 1.5.

BHG - *Tối 26.4, tại sân vận động huyện Yên Minh, Trung tâm VH,TT&DL huyện phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30.4.1975-30.4.2018) và Ngày Quốc tế Lao động 1.5. Đến dự có đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND; các ban, ngành, đoàn thể; đoàn viên, thanh niên và đông đảo nhân dân trên địa bàn. Chương trình có sự tham gia của các nam, nữ diễn viên, đoàn viên, thanh niên các Chi đoàn trực thuộc. Với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ngày đại thắng 30.4, về người cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam… 

27/04/2018