Tự hào với truyền thống quê hương ra sức xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu đẹp

14:08, 16/04/2018

Nhân dịp tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018 của tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, xin đồng chí giới thiệu khái quát về quê hương Ninh Bình và vai trò của Đinh Bộ Lĩnh trong việc thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X?

Đồng chí Đinh Văn Điến: Ninh Bình là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Cố đô Hoa Lư vừa là kinh đô, vừa là pháo đài bất khả xâm phạm chống giặc ngoại xâm thời Đinh; là căn cứ phòng bị, rèn quân chống Nguyên Mông thời Trần; là chiến lũy, tập kết quân đội chống quân Thanh, giải phóng Thăng Long của Nguyễn Huệ - Quang Trung; là căn cứ kháng chiến, hậu phương vững chắc cho chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp; là đầu mối quân sự, điểm xuất phát của các lực lượng chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa, có Cố đô Hoa Lư và đồng thời sở hữu 2 khu vực là Tràng An và Vân Long, Ninh Bình hiện là một trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng. Hiện nay, các nhà khoa học đang tổ chức khảo cổ, củng cố các chứng cứ về việc người Việt cổ sinh sống ở vùng Ninh Bình hơn 30 nghìn năm trước với những giá trị nổi bật về sự thích nghi của con người với môi trường trong quá trình biển tiến, biển lùi.

Vào thế kỷ thứ X, Ninh Bình gọi là châu Đại Hoàng và khi đó cửa biển còn ở ngay thành phố Ninh Bình; chưa có vùng đất của huyện Yên Khánh và Kim Sơn như hiện nay. Thế núi, hình sông của vùng đất “địa linh” quê hương Ninh Bình đã sinh ra “nhân kiệt” là người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh. Ông là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất đã hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao phó là dẹp loạn 12 sứ quân và thống nhất đất nước. Trong thời gian khoảng hai năm (966-967), bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo như liên kết, hàng phục; kết hợp với các biện pháp quân sự cứng rắn như tấn công, chinh phạt, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc “nội loạn” ở giữa thế kỷ thứ X, thu non sông về một mối. Năm 968, sau khi thống nhất được đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức là nước Việt to lớn), lấy niên hiệu là Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Như vậy, Đinh Tiên Hoàng là người có công củng cố nền độc lập và chủ quyền dân tộc, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên trong lịch sử nước ta; có bộ máy quản lý hành chính, luật pháp, tổ chức quân đội. Đặc biệt là phát hành đồng tiền Thái Bình hưng bảo, đồng tiền đầu tiên, góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa...

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử của dân tộc?

Đồng chí Đinh Văn Điến: Nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc. Mặc dù chỉ kéo dài 12 năm (968 - 980), trải qua 2 đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng việc tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh đã có những đóng góp lớn lao về mọi mặt, giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài, mà “loạn 12 sứ quân” chỉ là một hiện tượng điển hình; cùng với đó, quốc gia dân tộc được thống nhất với lãnh thổ riêng. Sự xuất hiện của Đinh Bộ Lĩnh với vai trò dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh ra đời đã chặn đứng mọi âm mưu chia rẽ đất nước của các thế lực phân tán tồn tại dai dẳng từ trước, hướng tới thống nhất, tập quyền, phù hợp với yêu cầu của lịch sử. Đồng thời, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng các giáp, xã… thể hiện sự đoàn kết, tập hợp các lực lượng vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất. Đây là thành tựu được các sử gia nhìn nhận và đánh giá rất cao. Thậm chí, đối với các sử gia phong kiến, vấn đề “thống nhất quốc gia” còn là một tiêu chí để xem xét tính “chính thống” của một triều đại. Chính vì vậy, sự kiện thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt được coi là mở nền chính thống- “chính thống thuỷ”- cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã thiết lập triều đình riêng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, xưng Hoàng đế và định niên hiệu là Thái Bình. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước vừa mới được khôi phục sau một thiên niên kỷ lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc, đồng thời một lần nữa khẳng định sự tự tin vào sức mạnh dân tộc, khát vọng về một đất nước thái bình, hưng thịnh. Đối với Việt Nam, một nước nhỏ bé ở bên cạnh một đế chế hùng mạnh, rộng lớn như Trung Hoa, thì việc đặt tên nước, xưng đế hiệu, định niên hiệu mang một ý nghĩa lớn về ý thức tự tôn, tự cường dân tộc.

Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) ra đời, tuy tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại còn sơ khai nhưng đã mở ra một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ lâu dài với sự nối tiếp nhau của các nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền. Đó là dấu mốc khép lại thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ với việc ra đời nhà nước xây dựng quốc gia phong kiến thống nhất đầu tiên ở Việt Nam. Như vậy, kể từ thế kỷ X, trên hành trình lịch sử Đại Cồ Việt - Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam, Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) mãi mãi xứng đáng với vị trí mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc.

           Núi Non Nước

Núi Non Nước

Phóng viên: Tỉnh Ninh Bình sẽ có các hoạt động gì nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018?

Đồng chí Đinh Văn Điến: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng (khóa XII), tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư với quy mô cấp tỉnh nhằm tuyên truyền đậm nét về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt; qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Thông qua các hoạt động kỷ niệm và lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây còn là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế- xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm thu hút đầu tư, khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Ninh Bình… 

Với mục đích như thế nên trong dịp này, tỉnh Ninh Bình tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm kết hợp với lễ hội, đảm bảo phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, ấn tượng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cả trước, trong và sau lễ kỷ niệm và lễ hội. Từ đầu năm 2018, các ngành chức năng đã có các hoạt động đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sự kiện 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư. Tỉnh sẽ phối hợp với một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Vị trí và vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc”. Tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt có cả phần lễ và phần hội được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH Ninh Bình và Đài PTTH một số tỉnh. Lễ hội Hoa Lư cũng được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, thời gian trong 4 ngày từ 24/4 đến 27/4 (từ 9/3 đến 12/3 năm Mậu Tuất) tại khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên- Hoa Lư). Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt đồng thời với khai mạc lễ hội Hoa Lư. Nhiều nội dung của lễ hội truyền thống được tổ chức công phu như: lễ mở cửa đền, lễ dâng hương; lễ rước nước; lễ mộc dục; lễ tiến phẩm; lễ rước kiệu; tế cửu khúc; tế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan; lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng; lễ tạ. Phần hội gồm có các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian...

Xuyên suốt cả năm 2018 là các chương trình, sự kiện gắn với chủ đề kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt với quy mô lớn, diễn ra liên tục, khơi gợi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương, trong nước và du khách quốc tế như Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch cấp Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh tổ chức; lễ hội cổ truyền các địa phương như Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội Tràng An, Lễ tế trời, lên ngôi Hoàng đế, cầu quốc thái dân an...; Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc”; Chương trình giao lưu nghệ thuật giữa các vùng Cố đô, các tỉnh, thành phố giao lưu kết nghĩa trong và ngoài nước với Ninh Bình; Liên hoan các Câu lạc bộ Chèo không chuyên; Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; Giải Việt dã Tiền phong, Giải bóng chuyền Cúp Hoa Lư, Giải Gold các câu lạc bộ; Cuộc thi quốc tế ABU Robocon năm 2018...

Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí có thể đánh giá khái quát bức tranh kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình hiện nay và chúng ta sẽ làm gì trong những năm tới để phát huy truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư?

Đồng chí Đinh Văn Điến: Phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của vùng đất Cố đô Hoa Lư, nơi ra đời và là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X, trong những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh Ninh Bình nhiều năm liên tục có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, năm 2017, GRDP tăng 7,95% (mức tăng cao so với bình quân chung của cả nước trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn). Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như lắp ráp ô tô, kính xây dựng, thiết bị điện tử có mức tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn của thiên tai, bão lũ, giữ vững tốc độ tăng trưởng. Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả nổi bật. Trong năm 2017 đã có thêm 20 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 80 xã (chiếm 67,2% tổng số xã). 

Đến nay, tỉnh đã có huyện Hoa Lư và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Các ngành dịch vụ phát triển khá, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hoạt động du lịch đạt kết quả tích cực; số khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7 triệu lượt khách, tăng 8,8% so với năm trước, doanh thu đạt trên 2.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.154 triệu USD, tăng 22% so với năm trước và vượt 5% kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 8.745 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), tăng 20,4% so với năm 2016, vượt 46,1% kế hoạch. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển tương đối đồng bộ. Văn hóa- xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực...

Có thể nói, vùng đất Kinh đô Hoa Lư xưa, tỉnh Ninh Bình hiện nay đang vươn lên mạnh mẽ và có sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực. Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta vô cùng tự hào, phấn khởi tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, đồng thời vui mừng trước những thành quả to lớn đã làm lên một dáng vóc Ninh Bình như ngày hôm nay. Tuy vậy, Ninh Bình vẫn còn những vấn đề hạn chế cần khắc phục. Đó là: quy mô nền kinh tế còn nhỏ, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn…

Trong những năm tới, phát huy truyền thống yêu nước và ý chí độc lập tự chủ của các thế hệ ông, cha, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình càng ý thức sâu sắc trách nhiệm là quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng, là đất kinh đô Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt thuở trước; từ đó càng nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, thách thức; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc; tập trung trí tuệ, nguồn lực giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển mạnh mẽ không gian văn hoá đặc sắc của vùng đất Cố đô xưa; không ngừng chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương; mở rộng công tác đối ngoại; củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Theo Báo Ninh Bình


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tư vấn trực tuyến về công tác thi, tuyển sinh năm 2018

BHG - Ngày 15.4. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tư vấn trực tuyến với các huyện, thành phố về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; đại diện Trường Đại học Thái Nguyên, các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh và đông đảo các em học sinh.

 

16/04/2018
Độc đáo Lễ hội bắt cá và Văn hóa truyền thống dân tộc Dao thôn Nặm Đăm

BHG - Cứ đến dịp tết Thanh minh (ngày 3.3 âm lịch), đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) lại nô nức tổ chức lễ hội bắt cá. Trong lễ hội, diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức thi bắt cá bằng tay tại một con suối trong thôn, số cá bắt được sẽ được phân chia đều cho các gia đình. Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều trò chơi, văn nghệ dân gian hấp dẫn như: Múa lễ cấp Sắc của dân tộc Dao; thi đồ xôi ngũ sắc và chế biến các món ăn truyền thống; thi đẩy gậy, kéo co…

15/04/2018
Đại hội Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Giang khóa III, nhiệm kỳ 2018 – 2023

BHG - Sáng 13.4, tại Hội trường UBND thành phố Hà Giang (TPHG), Hội cựu giáo chức TPHG đã long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Cựu giáo chức TPHG khóa III, nhiệm kỳ 2018 – 2023. Dự có lãnh đạo TPHG;  các phòng, ban thành phố cùng 155 đại biểu đại diện 528 hội viên Hội Cựu giáo chức thành phố.

 

13/04/2018
Lan tỏa phong trào dân vũ flashmob trong đoàn viên, thanh niên

BHG - Thời gian gần đây, Tỉnh đoàn Hà Giang đã đưa dân vũ (DV) flashmob vào trường học và phát triển thành một phong trào sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Với những lợi ích thiết thực từ DV mang lại, Ban Chấp hành Đoàn các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển và trở thành hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút ĐVTN tham gia.

 

13/04/2018