Hà Giang

Văn hóa đặc sắc của người Giáy ở Yên Minh

09:24, 06/02/2018

BHG - Huyện Yên Minh có 16 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau tạo nên một Yên Minh đa sắc màu văn hóa. Khác với những dân tộc khác, dù trong thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay, nhưng người Giáy (hay thường gọi là người Giấy) vẫn giữ được nhiều văn hóa đặc sắc.

Nghệ nhân Hoàng Văn Sơn (bên trái) giới thiệu những làn điệu hát Phươn - một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy ở Yên Minh.
Nghệ nhân Hoàng Văn Sơn (bên trái) giới thiệu những làn điệu hát Phươn - một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy ở Yên Minh.

Người Giáy ở Yên Minh chủ yếu tập trung ở xã Đông Minh, xã có trên 80% dân số là dân tộc Giáy. Tìm hiểu về văn hóa của người Giáy, theo ông Mùng A Sáng, 78 tuổi, thôn Nà Báng, xã Đông Minh, trước hết phải nói đến các nghi lễ cúng mỗi khi đến các tuổi: Khi thai nhi được 7 tháng, khi 1 tuổi, 33 tuổi, 37 tuổi, 49 tuổi, 61 tuổi và lần cuối cùng là 73 tuổi. Cuộc đời một người dân tộc Giáy (nếu sống trên 73 tuổi) sẽ trải qua 7 lần cúng lễ. Đây là phong tục độc đáo trong văn hóa của người Giáy.

Văn hóa của người Giáy còn được thể hiện rất rõ trong nghi thức đám cưới. Khi hai người nam – nữ muốn lấy nhau, gia đình nhà trai phải chọn ra một người làm mối và người mai mối bắt buộc phải là nam giới. Ông mối phải có 3 lần đến nhà gái để hỏi ý kiến xem gia đình nhà gái có đồng ý cho cưới hay không. Khi đã ưng thuận, nhà trai phải chuẩn bị lễ hỏi (lễ đặt trầu cau) gồm 12 cân gạo, 12 cân rượu, 12 cân thịt (tối thiểu) và một đôi gà. Khi đám cưới phải có đồ lễ là 50 cân rượu, 50 cân gạo nếp và 12 cặp bánh giầy cùng tiền thách cưới. Việc đầu tiên khi cô dâu vào nhà trai trong ngày cưới là múc 2 bát xôi bày mâm lễ cúng tổ tiên sau đó mới được vào buồng cưới. Đến ngày hôm sau, dâu mới phải chuẩn bị nước ấm, khăn mặt mới cho người già trong nhà rửa mặt, trong bữa cơm đầu tiên phải mời rượu ông, bà trong nhà và được nhận tiền mừng chúc phúc… Ông Sáng cho biết: Những phong tục này tuy có được cải tiến hơn so với trước đây, nhưng cơ bản vẫn giữ cho đến ngày nay.

Nói đến văn hóa của mỗi dân tộc, không thể không nói đến văn hóa trong phong tục tổ chức ma chay. Điều đặc biệt trong đám ma của người Giáy là tùy từng dòng họ khác nhau, gia đình có người mất sẽ đeo tang trên đầu hoặc thắt lưng. Nhưng vẫn có điểm chung trong phong tục của họ là con rể và thông gia của người mất phải chuẩn bị lễ viếng gồm 2 con gà và 1 con lợn to, 1 con lợn con (đã thịt) xếp chồng lên nhau, đồng thời phải chuẩn bị ngựa giấy để tiễn đưa linh hồn người chết sang thế giới bên kia. 2 năm sau đám tang, mỗi khi đến Tết Thanh minh, gia chủ phải tổ chức cơm rượu và mời tất cả những gia đình đã cúng lễ như trên đến dự. Đây là điều bắt buộc trong phong tục của người Giáy.

Ngoài ra, hát Phươn của người Giáy ở Yên Minh cũng là một nét văn hóa. Trong bất kỳ nghi lễ, ngày Tết, ngày vui nào của người Giáy đều có những bài hát Phươn như: Hát trong đám cưới, đám ma, hát khi dựng nhà mới, khi mừng thọ, chúc tết hay trong lao động sản xuất, giao duyên… Nghệ nhân người Giáy, Hoàng Văn Sơn cho biết: Mọi người thường nghĩ hát Phươn của người Giáy giống như hát Cọi, hát Then của người Tày nhưng không phải. Hát Phươn dù có đàn đệm hay không đều có làn điệu rõ ràng và khác so với hát Cọi, hát Then. Hát Phươn của người Giáy là văn hóa riêng của dân tộc chúng tôi.

Dân tộc Giáy trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Yên Minh nói riêng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, văn hóa của cộng đồng dân tộc này vẫn giữ được nhiều nét đặc sắc, làm đa dạng và phong phú hơn bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công bố Quyết định thành lập CLB "Văn nghệ - thể thao" và CLB "Phụ nữ khuyết tật"

BHG - Ngày 30.1, Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh đã tổ chức lễ Công bố Quyết định thành lập CLB "Văn nghệ - thể thao" và CLB "Phụ nữ khuyết tật". Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các hội viên Hội NKT tỉnh. 

31/01/2018
Giữ nghề làm khèn Mông ở Sủng Trái

BHG - Cây khèn từ bao đời nay đã trở thành một nhạc cụ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần và góp phần làm đặc sắc văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá. Ngoài tiếng khèn, nghề làm khèn cũng được người dân nơi đây đã và đang gìn giữ. Vì thế, Tổ hợp tác làm khèn Mông xã Sủng Trái (Đồng Văn) được thành lập bước đầu đem lại kết quả khả quan cung như trong thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần giữ gìn nghề làm khèn truyền thống tại địa phương.

30/01/2018
Hoàng Su Phì hướng tới phát triển du lịch bền vững

BHG - Xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã, đang triển khai nhiều hoạt động "kích cầu", đưa lĩnh vực "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế động lực trong phát triển KT-XH, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

30/01/2018
Khai mạc Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS cấp tỉnh lần thứ nhất

BHG - Ngày 29.1, tại Trường THCS Yên Biên (thành phố Hà Giang), Sở GD&ĐT đã tổ chức khai mạc Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS cấp tỉnh lần thứ nhất, năm 2017 – 2018. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT và các thầy, cô giáo đến từ 10 huyện, thành phố. Hội thi sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 29 – 31.1), với 39 giáo viên đến từ các huyện, thành phố...

29/01/2018