Chợ huyện Đồng Văn - sắc màu văn hóa vùng cao

09:42, 20/01/2018

BHG - Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, ở Hà Giang còn có các chợ phiên vô cùng độc đáo, những phiên chợ từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao.

Với sắc màu văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, những phiên chợ vùng biên cương đã tạo nên sự hấp dẫn và sức sống trường tồn bởi chợ phiên không đơn thuần là nơi mua bán, là thước đo giàu nghèo của một vùng, mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất Hà Giang. Chợ huyện Đồng Văn là một trong số các chợ phiên đầy sức cuốn hút đó.

Từ thành phố Hà Giang, theo Quốc lộ 4C ngược lên phía Đông Bắc 165km, sẽ tới chợ phiên Đồng Văn, nơi giao thương của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Hoa, Dao… Chợ nằm dưới chân núi Đồn Cao, ngay bên cạnh khu phố cổ Đồng Văn, họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Toàn khu chợ được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc Việt – Hoa, là sự giao thoa tinh tế kết hợp với phong thủy miền cao nguyên: Những dãy cột đá hai ba người ôm được ghép bằng những khối đá lớn, tường bằng gạch nung khổ lớn vàng ươm, mái bằng đá đen và nền bằng đá tảng lớn. Kết cấu hình chữ U thâm trầm được xây dựng theo lối kiến trúc trên đá khiến cho khu chợ thật tráng lệ, bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng Cao nguyên Đồng Văn như một nét chấm phá đầy ấn tượng. Không ai biết chợ cổ Đồng Văn có từ bao giờ, nhưng cứ Chủ nhật hàng tuần, dân quanh vùng, những người Mông, Dao, Tày, Bố Y... lại đến đây để trao đổi, mua bán, hoặc chỉ để vui chơi, giao lưu, và họ đã tạo nên một phiên chợ sầm uất trên cao nguyên.

Chợ phiên Đồng Văn luôn bắt đầu trong sương mờ se se lạnh và ẩm ướt. Ở thị trấn Đồng Văn, dù ngay giữa mùa Hè thì lúc 5h sáng trời vẫn mờ tối và đầy hơi sương. Mỗi Chủ nhật, từ sáng sớm, trên những con đường vào thị trấn Đồng Văn, từng đoàn người trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu đã dồn bước hướng về phía chợ. Du khách có thể bắt gặp những bà mẹ cùng các con dắt díu nhau đi trong sương sớm, người mẹ gùi nặng trên vai, phía trước lại địu một em bé đang say sưa ngủ, đôi chân trần mũm mĩm thò ra ngoài địu. Bước líu ríu bên người mẹ là những em bé mũi thò lò cứ thấy người lạ là tò mò nhìn theo. Đôi khi, du khách có thể gặp những chàng thanh niên người Mông hay người Dao đi một mình, ôm ngang ngực một con gà để mang ra chợ bán và quãng đường đến chợ của họ có thể tới hàng chục km. Gần đây, cùng với mức sống ngày một nâng cao, một số người dân đã có xe máy, họ cưỡi xe máy chở vợ con cùng những chiếc quẩy tấu đựng đầy nông sản đến chợ.

Không khí ngày họp chợ Đồng Văn càng náo nhiệt đông vui hơn khi đến gần chợ. Ngay từ ngoài cổng, người bán, kẻ mua vui vẻ trao đổi hàng hoá với nhau bằng ngôn ngữ riêng của từng dân tộc. Bên trong chợ bày bán đủ các mặt hàng được sắp xếp thành từng dãy cho tiện phục vụ nhu cầu khách mua. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là các loại rau quả, gia vị, dược liệu, lương thực, sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, vật dụng gia đình, các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà... Giống như các phiên chợ vùng cao khác, chợ phiên Đồng Văn cũng phục vụ các món ẩm thực quen thuộc của người dân vùng cao như thắng cố, bánh bột Tam giác mạch, rượu ngô, xôi ngũ sắc...

Hiện nay, chợ Đồng Văn được chuyển ra họp ở nơi rộng rãi hơn trong thị trấn. Khu chợ cũ tráng lệ có từ bao đời với những cây cột đá lớn dựng trên nền bằng đá tảng giờ bị “bỏ quên”. Chợ Đồng Văn mới được xây bằng bê-tông, rộng hơn nhưng không đẹp như chợ cũ, và chợ mới cũng thiếu vắng những ụ bếp đắp đất và những chảo thắng cố to đại.

Cổng chợ huyện Đồng Văn giờ đã được kiên cố hóa, chẳng khác gì chợ dưới xuôi nhưng nhà cửa, mái che không thể thay thế được những chiếc ô của bà con các dân tộc vùng cao. Thịt lợn, thịt bò trong chợ được xiên cả nửa con treo lủng lẳng trên những chiếc móc to. Vào giữa chợ, những gian hàng thắng cố được đặt sau khu bán thực phẩm, bên cạnh là dãy hàng rượu ngô thơm lừng. Rượu được đựng trong những chiếc can nhựa to hay vò sành mà những con ngựa đã miệt mài cõng xuống núi từ đêm hôm trước, hay từ sớm tinh mơ. Một thế giới rượu thật phong phú, chan hòa hương vị của men lá nồng nàn.

Thắng cố là món ăn ưa thích, tạo nên văn hóa ẩm thực của người dân vùng cao, đã trở thành mặt hàng không thể thiếu của chợ phiên Đồng Văn. Theo người dân ở thị trấn Đồng Văn, tiếng Mông gọi “thắng cố” là “khấu tha” có nghĩa là “canh thịt”, món ăn được chế biến bằng lục phủ ngũ tạng của bò, trâu hoặc dê, nhưng thắng cố bò là ngon nhất. Lục phủ ngũ tạng và bốn chi của con bò được rửa sạch rồi chặt thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay, ướp mắm muối, hạt tiêu, hạt dổi, sả, gừng, đợi đun nước sôi mới thả thịt vào ninh cho đến khi chín đều, ăn còn cái giòn giòn của miếng thịt thì cắt tiết đã được đánh đông thành những miếng vuông nhỏ đổ vào, đảo đều đến khi tiết chín là món thắng cố đã hoàn thành và đưa hương thơm lừng.

Khi xuống chợ, đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, một món ăn làm bằng bột ngô, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè vui chung. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muỗng gỗ, bên cạnh bao giờ cũng có bát muối dầm ớt tươi thật cay. Một muôi thắng cố nóng với chút muối ớt sẽ rất đậm đà. Ăn thắng cố nhất thiết phải có bạn để hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chúc nhau sức khỏe và cười vang chợ. Uống rượu đến độ ngà ngà say sẽ hát và thổi khèn. Đàn ông, đàn bà, con trai con gái đều có thể say rượu bên bàn thắng cố giữa khung cảnh đông vui nhộn nhịp của buổi chợ phiên.

Ở đầu dãy hàng thắng cố, mấy cô gái người Mông cất giọng hát rằng: “Tay em biết cầm kim khâu áo, anh không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”, “Tay em biết cầm sợi se lanh, anh không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm...”. Tiếng hát của người có men rượu và say tình thật mượt mà, đằm thắm. Những anh chàng người Mông trẻ tuổi đắm đuối hát gọi bạn tình, các thiếu nữ có chút men rượu má đỏ hồng như bông hoa rừng hát đáp lại. Những hẹn hò được gửi qua tiếng khèn, lời ca…

Hoạt động mua, bán đã tan từ lâu, nhưng dãy hàng thắng cố càng lúc càng đông vui, nhộn nhịp. Khi chợ tan là lúc đã qua chiều, hội khèn, hội hát cũng đã tan, chỉ còn những bàn thắng cố đang được thu dọn. Người đi chợ lục tục về bản trên các con đường quanh co bên sườn núi, những người đàn ông say rượu nắm đuôi ngựa ngật ngưỡng vượt dốc, phụ nữ dắt ngựa hoặc cầm ô theo sau, đây đó vọng lại tiếng khèn, tiếng hát của đám thanh niên trong sương chiều.

Phiên chợ đơn giản và bình dị như chính cuộc sống của những bà con dân tộc vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc còn nhiều gian khó. Trò chuyện với chúng tôi, rất thân thiện cởi mở, bà Lý Trung Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đồng Văn, một người con của dân tộc Mông, sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên Cao nguyên đá Đồng Văn nói rằng, áo có thể chưa đủ ấm, tiền có thể chưa có nhiều, nhưng bà con không thể vắng mặt trong các phiên chợ, bởi chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân Đồng Văn.

Chợ phiên Đồng Văn không chỉ là phiên chợ không thể thiếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Đồng Văn mà còn có sức cuốn hút rất mạnh mẽ với những ai ưa khám phá. Chẳng thế mà cách Hà Nội ngót nghét 500km, ai muốn tham dự phiên chợ độc đáo này phải khởi hành từ ít nhất một ngày trước đó. Và rồi, ở chợ phiên Đồng Văn người ta gặp những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười hân hoan không chỉ du khách từ Thủ đô mà còn ở tận thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều “khách Tây” nữa.

Đi chợ phiên mùa Xuân, khi hoa Đào bung nở thắm đỏ trên những chặng đường, tôi lại se sắt nhớ vùng cao Hà Giang và muốn tới chợ phiên Đồng Văn làm sao!

Đỗ Hằng  (Hà Nội)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn phát triển du lịch

BHG - Nét nổi bật khiến Hà Giang luôn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài nước chính là sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống, đặc sắc, đậm chất bản địa của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… Và những di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Quốc gia như: Phố cổ Đồng Văn, Khu di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); di tích cách mạng Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Căng Bắc Mê (Bắc Mê); bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần); danh thắng Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn... 

20/01/2018
Liên hoan Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Bắc Mê lần thứ I trong học sinh Tiểu học và THCS

BHG - Ngày 17.1, Huyện đoàn Bắc Mê phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, tổ chức Liên hoan văn hóa truyền thống các dân tộc lần thứ I trong học sinh Tiểu học và THCS, năm học 2017-2018. Hội thi có sự tham gia của 27 đội đến từ các trường học Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Mỗi đội thi có phần trình diễn thể hiện trong thời gian 8 phút trên sân khấu, thông qua các hình thức như: diễn kịch, hát múa, kể chuyện thể hiện các nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương nơi các em đang học tập, sinh sống. 

18/01/2018
Thác Nặm Tạu, xã Đức Xuân (Bắc Quang) được công nhận là di tích cấp Quốc gia

BHG - Ngày 29.12.2017, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định số: 5384/QĐ-BVHTTDL công nhận 23 di tích và danh lam thắng cảnh là di tích cấp quốc gia. Trong số các di tích và danh thắng được công nhận dịp này, tỉnh Hà Giang có danh lam thắng cảnh Thác Nặm Tạu, tại xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang.

16/01/2018
Sở Giáo dục và đào tạo sơ kết học kỳ I

BHG - Sáng 16.1, tại Trường cao đẳng Sư phạm Hà Giang, Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội nghị Sơ kết học kỳ I, năm học 2017 – 2018. Tới dự có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng tỉnh, Hội khuyến học tỉnh, các trường, đơn vị trực thuộc sở và Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố.

16/01/2018