"Nốt trầm" Lô Lô Chải trong "Bản tình ca" trên Cao nguyên đá!

17:35, 15/12/2017

BHG - Nằm gọn dưới chân núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú (Đồng Văn), bản Lô Lô Chải như một nốt trầm trong bản tình ca trên Cao nguyên đá. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, mộc mạc, nguyên sơ, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của tộc người Lô Lô nói riêng và đồng bào dân tộc miền núi Hà Giang nói chung. Du khách ghé thăm đều trầm trồ đây là một bản vùng cao “Đáng sống”!

Du khách đến và chụp ảnh lưu niệm với bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô.
Du khách đến và chụp ảnh lưu niệm với bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô.

Thôn Lô Lô Chải có 105 hộ, trong đó 95 hộ là người Lô Lô và 10 hộ người Mông, với những nét văn hóa rất riêng biệt và độc đáo. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt các loại cây rau quả. Ngoài ra, họ còn làm thêm một số nghề thủ công như làm ngói, nghề mộc và thêu thùa trang phục truyền thống. Hiện nay, trang phục của người Lô Lô được coi là một trong những trang phục truyền thống đẹp và độc đáo bậc nhất. Mỗi bộ trang phục đều được làm từ vải bông và thêu tay các hình họa tiết như: Mắt chim, chân chim, cánh chim, hình ruộng bậc thang, hoa Tam giác mạch,.. Nếu đã ghé thăm thôn Lô Lô Chải, chắc chắn bạn sẽ không thể chối từ thử khoác lên mình bộ trang phục tinh xảo này. Đặc biệt, trong văn hóa người Lô Lô, Lễ cúng Thần rừng đã trở thành một nét đẹp rất riêng. Nó chứa đựng mong muốn một cuộc sống bình yên, no ấm, vừa thể hiện đời sống tinh thần tươi đẹp của đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, những cuộc thi bắt lợn, hát đối đáp cũng là những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Đến với Lô Lô Chải, du khách còn có thể cùng đồng bào nơi đây lao động, vui chơi hát, múa, rồi cùng nấu nướng, cùng ăn uống. Ngôi làng nhỏ chia ra các khu riêng biệt để phục vụ du khách như: Khu vui chơi, là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ; khu ăn uống gồm bếp ăn và quán cafe nhỏ; khu ngủ nghỉ chính là các homestay. Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi được cùng những đứa trẻ hái rau, chăn bò và đi nương, cùng trải qua một ngày đầy ý nghĩa ở bản Lô Lô Chải. Mỗi giây phút ở đây trôi qua dường như chậm hơn, tất cả mọi người đều giống như một gia đình thực sự!

Trong 53 dân tộc anh em, người Lô Lô không quá nhiều, tuy nhiên họ lại có nền văn hóa rất nổi bật và mang dấu ấn riêng. Thôn Lô Lô Chải là nơi duy nhất còn lưu giữ được đầy đủ, sống động đời sống vật chất, tinh thần của người Lô Lô ở Cao nguyên đá. Tuy nhiên, trước những thay đổi theo hướng tiêu cực, rất nhiều bản, làng văn hóa của các dân tộc dần dần bị mai một, mất đi giá trị truyền thống. Tỉnh ta đã đưa thôn Lô Lô Chải vào Dự án bảo tồn Làng văn hóa truyền thống và là một trong những dự án khả thi. Thôn cũng có những quy định riêng để thực hiện dự án đó như: Người dân trong thôn phải bảo vệ, giữ gìn nhà truyền thống, trẻ nhỏ phải học các bài múa, hát của dân tộc mình... Theo anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải: 100% trẻ nhỏ trong thôn đều được đến trường và có các tiết học về văn hóa người Lô Lô, bên cạnh các tiết học văn hóa chung. Năm 2015, khi du lịch phát triển, rất nhiều homstay được mở phục vụ du khách. Lường trước những ngôi nhà trình tường có nguy cơ bị mất đi, địa phương đã dùng chính những ngôi nhà truyền thống này làm homestay. Điều đó vừa thu hút khách, lại có thể giữ lại bản sắc văn hóa vốn có. Hiện nay, bằng cách phát triển du lịch từ việc giữ gìn, giới thiệu văn hóa truyền thống cho du khách, đời sống của người dân trong thôn đã có những chuyển biến tích cực: Vừa đảm bảo đưa kinh tế địa phương phát triển, vừa giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống.

Giữa cái lạnh của ngày đầu Đông, dưới gốc đào, những đứa trẻ Lô Lô với đôi mắt trong veo đang hồn nhiên cười đùa. Tiếng cười vang bản, làng thanh tịnh! Có lẽ chúng tôi đã hiểu ra vì sao Lô Lô Chải xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc lại luôn biết cách níu chân du khách và “đáng sống” đến như vậy!

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Cường I chú trọng chất lượng nuôi dưỡng học sinh

BHG - Với phương châm "thầy, cô giáo coi trường là nhà, đồng nghiệp là người thân, học sinh là con, em của mình...", Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Yên Cường I, xã Yên Cường (Bắc Mê) đã nâng cao trách nhiệm của thầy, cô với học sinh và gắn kết hơn tình thầy trò. Trường PTDTBT Tiểu học Yên Cường I có 462 học sinh, 57 cán bộ, giáo viên, có 7 điểm trường. 

30/11/2017
Khí hậu, "đặc sản" của Cao nguyên đá

BHG - Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản lớn, ôm trong mình nhiều giá trị di sản  địa chất, di sản văn hóa… Đến đây, du khách được thưởng thức nhiều đặc sản là những món ăn. Nhưng với chúng tôi, nhiều lần đến đây còn có một thứ "đặc sản", đó là một tiểu vùng khí hậu đặc thù, đem lại nhiều cảm nhận mới lạ về Miền đá. Cao nguyên đá Đồng Văn có  khí hậu khá đặc biệt. Mùa Hè mát hơn nhiều vùng khác thì mùa Đông, đồng bào nơi đây thường phải vất vả trước những đợt rét kéo dài...

30/11/2017
Mê đắm lời Then, điệu Tính Quang Minh

BHG - Xã Quang Minh nằm ở phía Đông Nam của huyện Bắc Quang, gồm 15 dân tộc anh em cùng chung sống, với hơn 90% là dân tộc Tày. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa phong phú và riêng biệt; trong đó điệu hát Then, tiếng đàn Tính từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày ở Quang Minh.

30/11/2017
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Hà Giang với thành phố Hà Nội

BHG - Sáng 29.11, sở Văn hoá TT&DL tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội nhằm tăng cường liên kết, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch giữa tỉnh Hà Giang với thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc, 2 bên đã thống nhất và tổ chức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020  với những nội dung chính như...

29/11/2017