Ký ức về rừng

10:01, 09/12/2017

Hồi bé, tôi từng theo chân Chu Văn Tích, cậu bạn người Dao ở thôn Cây Vải, đi xem những khu “Rừng dân tộc”. Gia đình tôi là người Kinh từ dưới xuôi lên khai hoang, định cư cùng xã với Tích. Cái tên “Rừng dân tộc” là do người khai hoang đặt ra để gọi những khu rừng gần nhà của các hộ người Dao tự khoanh nuôi, bảo vệ.

Mỗi lần theo Tích vào đó tôi rất thích ngắm những cây gỗ to cỡ người ôm, xen với các búi nứa mọc đều như so đũa, cùng những khóm luồng, tre mai, tre mốc thẳng tắp, thuôn thuôn như kết bè. Xâm tán trong rừng là những cây vầu mọc thưa, tua tủa măng. Dưới tán rừng có rất nhiều loại cây thân thảo vừa làm rau, vừa làm thuốc, vừa làm gia vị... Đi chơi trong khu “Rừng dân tộc” thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những con chồn, nhím, gà rừng, bìm bịp, chim chóc... nhởn nhơ như thể vật nuôi trong nhà. Tích bảo: “Người Dao chúng tớ cái gì cũng trông chờ vào rừng, lấy ở rừng. Vì thế người Dao rất yêu rừng và không bao giờ phá rừng”.

Đó là những ký ức của tôi về “Rừng dân tộc”. 

*  

Tôi đi thoát ly, làm phóng viên báo ở tỉnh. Tích học hết cấp II, ở nhà lấy vợ, làm anh nông dân như đa số thanh niên lúc bấy giờ. Thời gian cứ vùn vụt trôi, loáng cái đã hết quá nửa đời người! Những năm trước thỉnh thoảng tôi có về quê, nhưng lần nào cũng vội vì việc nọ, việc kia, chẳng còn thời gian đâu mà để ý đến rừng.

Lần này về quê tôi gặp lại Tích, khi cả tôi và anh đều đã lên ông. Tích trách tôi: “Cậu làm nhà báo sao không viết bài nào về nạn phá rừng ở quê mình là sao? Tan hoang hết rồi!” Tôi giật mình nhìn theo cánh tay Tích chỉ, và thấy đúng như lời cậu ấy nói, rừng ở xã tôi đã cạn kiệt nhanh chóng, kể cả những khu “Rừng dân tộc”. Bây giờ cả thôn Cây Vải của người Dao chỉ còn vài gia đình giữ được khu rừng của riêng mình, nhưng diện tích đã bị thu hẹp đáng kể. Tôi bảo Tích dẫn đi thăm rừng. Tích bảo: “Còn gì nữa mà thăm!” Nhưng rồi nể tôi, Tích vẫn dắt tôi vào khu rừng riêng của nhà mình. Tôi nhận thấy những cây gỗ to, gỗ quý đã bị chặt gần hết để lấy gỗ làm nhà, làm đồ gia dụng, hoặc để bán. Tre nứa, luồng, vầu chỉ còn loáng thoáng. Chồn cáo, nhím, don, lợn lòi, chim chóc đi đâu hết sạch! Tôi nhìn xa hơn, tới những khu rừng nguyên sinh chạy dọc theo dãy núi Đồng Tình, trước đây rợp bóng cổ thụ, những ngày giở giời thú hoang ra tận bìa rừng phơi nắng, vậy mà nay chỉ còn là những khu rừng ót khô cằn, các loài vật hoang dã hầu như mất dạng! Tích xót xa bảo: “Hàng chục năm qua người ta thi nhau phá rừng lấy lâm sản và lấy đất để trồng lúa nương, trồng ngô, sắn, trồng chè, trồng sả và những cây ăn quả bản địa. Rất may là những năm gần đây đã có phong trào trồng cây gây rừng, đa phần là trồng cây keo, ít nhiều lấy lại được mầu xanh cho những khu rừng tái sinh, nhưng vẫn còn rất nhiều đồi trọc, nương ót. Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, thậm chí hàng trăm năm sau, mới có thể phục hồi lại được những khu rừng nguyên sinh như trước đây!”

Xa quê mấy chục năm trở về, tôi không khỏi buồn lòng khi thấy rừng quê tôi cạn kiệt, tan hoang đến không ngờ. Những con suối đầy ắp nước trong vắt, vô vàn cá tôm ngày xưa giờ chỉ còn là những dòng suối nhỏ, cạn trơ đáy, đánh bắt cả ngày chẳng được mấy lạng cá, tôm! Nước suối không đủ sâu cho trâu đằm, không còn sạch cho trẻ con tắm táp, lặn ngụp thỏa thích như hồi tôi và Tích còn là những cậu bé con chỉ khoái tắm truồng! Khắp mặt suối đầy rẫy những túi ni lông, rác rưởi, có cả xác các loại súc vật nổi lều phều, trương phình, tràn ngập mùi xú uế!...

Một lần tôi hỏi Tích, rằng tại sao người Dao không giữ lấy những khu “Rừng dân tộc”? Tích buồn rầu bảo: “Muốn giữ lắm, nhưng không giữ được, vì người phá nhiều hơn người giữ. Người ngày càng đông, đất trồng cấy thì có hạn, muốn có đủ cái ăn thì phải phá rừng chứ biết làm sao?” Tôi hỏi Tích: “Liệu có phải tại cái chính sách “giao đất, giao rừng” gây nên thế không?” Tích lắc đầu: “Không hẳn thế, mặc dù đó là tác nhân không nhỏ gây nên thảm cảnh này. Giá như cái chính sách ấy được làm kỹ càng hơn, lường trước được mọi hậu quả, được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn thì chắc chắn sẽ hạn chế được nạn phá rừng. Nhưng nguyên nhân chính, theo tôi, là do đời sống người dân miền rừng còn nhiều khó khăn, không tìm được hướng đi nào hiệu quả và nhanh hơn là phá rừng nên phải tự mình chặt tay mình thôi!”. “Thế bọn lâm tặc thì sao?” - Tôi hỏi. “Tất nhiên chúng là những thủ phạm chính. Nhưng bọn lâm tặc sẽ không làm gì được nếu như không có sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và sự tiếp tay của chính người dân mình”. “Sao lại thế?”. “Vì không ít cán bộ bị bọn lâm tặc mua chuộc, ăn chia lợi ích, thậm chí là đe dọa; dân mình làm không đủ ăn thì phải đi chặt gỗ thuê, chở gỗ lậu cho bọn lâm tặc!”                                                           

Tạm gác lại nỗi buồn, tôi kể cho Tích nghe chuyện về khu Rừng Cấm và tập tục cúng rừng của người Pu Péo ở huyện Đồng Văn. Tộc người Pu Péo hiện chỉ có khoảng vài trăm người, chủ yếu định cư ở thôn Củng Chá, xã Phố Là, từ xa xưa có tập tục cúng Thần Rừng để cầu may vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch hằng năm. Cùng với tục cúng rừng là lời hứa trước thần linh sẽ cùng nhau giữ lấy một khu rừng trong thôn bản mình. Khu rừng ấy gọi là Rừng Cấm, không ai được tự tiện động vào. Khi nào cần chặt gỗ, lấy tre nứa, hay bất cứ thứ gì trong khu rừng này đều phải xin phép Thần Rừng thông qua thầy cúng, bằng một lễ nghi rất nghiêm ngặt của người Pu Péo. Lâm sản lấy từ Rừng Cấm thường được dùng vào việc chung của thôn bản. Những gia đình Pu Péo nào cần lấy gỗ và các nguyên liệu trong Rừng Cấm để sửa chữa nhà cửa bị dột nát hoặc làm nhà mới cho con cái ra ở riêng thì phải nói chuyện với già làng, với trưởng thôn, rồi phải làm đơn trình bày trước thôn bản, phải trình báo và xin phép chính quyền địa phương, đồng thời phải sắm lễ vật để thầy cúng làm lễ tạ, xin phép Thần Rừng mới được khai thác. Người Pu Péo tin rằng, ai vi phạm vào những lời thầy cúng thay mặt dân làng đã hứa trước Thần Rừng thì sẽ bị thần linh trừng phạt rất nặng. Chính đức tin ấy đã giúp cho khu Rừng Cấm ở thôn Củng Chá, rộng cả chục héc ta, còn gần như nguyên trạng của một khu rừng nguyên sinh, giống như một “Ốc đảo xanh” giữa miền đá xám trơ trọi.

Nghe tôi kể xong, Tích khẽ thở dài, nói như tâm tình: “Ước gì cái tập tục cúng rừng và giữ rừng của người Pu Péo lan rộng đến tất cả mọi nơi thì hay biết mấy! Chúng tôi cũng đã từng có những khu rừng na ná như vậy, nhưng bây giờ chúng sắp báo tiêu hết rồi! Đau quá!”

Bất giác tôi và Tích cùng nhìn về khoảnh rừng nguyên sinh ít ỏi còn sót lại ở thôn Cây Vải. Hình ảnh khu “Rừng dân tộc” của một thời quá vãng chợt hiện về trong tôi. Và tôi bỗng ước đến một ngày nào đó các khu “Rừng dân tộc” lại được tái sinh, lan rộng đến tất cả mọi thôn bản quê mình!

Nhìn vào đôi mắt Tích, tôi tin rằng bạn tôi cũng có một ước nguyện như vậy.

Tản văn của Nguyễn Trần Bé


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Cường I chú trọng chất lượng nuôi dưỡng học sinh

BHG - Với phương châm "thầy, cô giáo coi trường là nhà, đồng nghiệp là người thân, học sinh là con, em của mình...", Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Yên Cường I, xã Yên Cường (Bắc Mê) đã nâng cao trách nhiệm của thầy, cô với học sinh và gắn kết hơn tình thầy trò. Trường PTDTBT Tiểu học Yên Cường I có 462 học sinh, 57 cán bộ, giáo viên, có 7 điểm trường. 

30/11/2017
Khí hậu, "đặc sản" của Cao nguyên đá

BHG - Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản lớn, ôm trong mình nhiều giá trị di sản  địa chất, di sản văn hóa… Đến đây, du khách được thưởng thức nhiều đặc sản là những món ăn. Nhưng với chúng tôi, nhiều lần đến đây còn có một thứ "đặc sản", đó là một tiểu vùng khí hậu đặc thù, đem lại nhiều cảm nhận mới lạ về Miền đá. Cao nguyên đá Đồng Văn có  khí hậu khá đặc biệt. Mùa Hè mát hơn nhiều vùng khác thì mùa Đông, đồng bào nơi đây thường phải vất vả trước những đợt rét kéo dài...

30/11/2017
Mê đắm lời Then, điệu Tính Quang Minh

BHG - Xã Quang Minh nằm ở phía Đông Nam của huyện Bắc Quang, gồm 15 dân tộc anh em cùng chung sống, với hơn 90% là dân tộc Tày. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa phong phú và riêng biệt; trong đó điệu hát Then, tiếng đàn Tính từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày ở Quang Minh.

30/11/2017
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Hà Giang với thành phố Hà Nội

BHG - Sáng 29.11, sở Văn hoá TT&DL tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội nhằm tăng cường liên kết, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch giữa tỉnh Hà Giang với thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc, 2 bên đã thống nhất và tổ chức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020  với những nội dung chính như...

29/11/2017