Quản Bạ tích cực xã hội hóa xây dựng trường học ở vùng sâu, vùng xa

07:10, 26/09/2017

BHG- Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huyện Quản Bạ đã huy động được 13,47 tỷ đồng xây dựng trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách vở cho học sinh vùng sâu, vùng xa bước vào năm học mới. Qua đây, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các điểm trường vùng cao trong huyện.

Lớp học mới khang trang ở điểm trường Mầm non Cán Hồ, xã Thái An (Quản Bạ).
Lớp học mới khang trang ở điểm trường Mầm non Cán Hồ, xã Thái An (Quản Bạ).

Trên địa bàn huyện Quản Bạ đến hết năm học 2016 - 2017 còn gần 30 thôn chưa có điểm trường hoặc điểm trường không kiên cố. Trong 8 tháng đầu năm, huyện đã thu hút nguồn lực xã hội hoá để đầu tư xây dựng được 9 điểm trường, kinh phí gần 5 tỷ đồng. Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện, tính đến hết năm học vừa qua đã huy động xã hội hóa được 13,47 tỷ đồng, xây dựng 31 phòng học, 13 phòng lưu trú học sinh, 2 phòng lưu trú giáo viên, 15 công trình khác như sân bê - tông, bờ kè, nhà vệ sinh...

Bước vào năm học mới 2017 – 2018 với niềm vui được học trong lớp học mới khang trang, cô giáo Nguyễn Thị Biền, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thái An, cho biết: “Nhà trường có điểm trường ở thôn Cán Hồ mới được đầu tư xây dựng hoàn thành từ tháng 8 năm nay, do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 và các nhà hảo tâm tài trợ hơn 800 triệu đồng. Điểm trường có 3 phòng học, 1 bếp ăn, công trình vệ sinh, bàn ghế, đồ chơi cho các cháu từ 2 – 5 tuổi. Trước đây, Cán Hồ là điểm trường khó khăn, học sinh phải học ở nhà tạm, không có các công trình phụ nên không tổ chức ăn trưa cho trẻ được. Nay các cháu có phòng lớp học khang trang, sạch đẹp, có đồ chơi, nhà vệ sinh sạch sẽ, điều kiện học tập được cải thiện tốt hơn nhiều”.

Cùng chung niềm vui này, cô giáo Nguyễn Thị Lả, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bát Đại Sơn, chia sẻ: “Trước đây, các điểm trường mầm non đều học nhờ ở trường tiểu học, hoặc mượn trụ sở thôn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề. Vừa qua, chúng tôi có điểm trường ở thôn Na Cạn được sử dụng chung với trường tiểu học, có 2 phòng lớp học dành cho hệ Mầm non do các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng. Nhờ có lớp học mới, các cháu có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức ăn trưa tại trường, học 2 buổi trên ngày, nhà trường đã thử nghiệm dạy tăng cường tiếng Việt cho các cháu, do phần lớn học sinh là người dân tộc Dao, dạy chương trình giáo dục mới, đáp ứng được yêu cầu phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ”.

Để có được cơ sở trường lớp khang trang như trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Sèn Thăng Long, cho biết: “Cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở xác định công tác xã hội hoá là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện ngân sách khó khăn. Vì vậy, huyện định hướng trọng tâm trước mắt là xây dựng các điểm trường, xoá bỏ lớp học tạm bợ, tạo môi trường, điều kiện học tập tốt, góp phần thu hút trẻ đến trường. Vấn đề quan trọng nhất là vận động được các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Phải cho họ thấy nhu cầu của địa phương là thực tế, cấp thiết, mang lợi lợi ích thiết thực cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn. Đối với gần 30 thôn chưa có điểm trường kiên cố, huyện đã xây dựng 30 dự án kêu gọi xã hội hoá. Tuỳ điều kiện của từng tổ chức, cá nhân, huyện sẽ lựa chọn dự án, địa điểm hợp lý để 2 bên cùng thống nhất cách thức thực hiện. Bên cạnh đó, còn có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhà trường và phụ huynh học sinh đóng góp công sức lao động, thể hiện trách nhiệm đối với trẻ em và công tác giáo dục tại cơ sở”.

Khó khăn trong công tác vận động là khoảng cách về địa lý, các điểm trường kêu gọi xã hội hoá chủ yếu là ở các thôn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều thôn chưa có điện lưới quốc gia, giao thông không thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu, mặt bằng không có... nên đã có một số đơn vị tài trợ đến khảo sát nhưng không thành công vì điều kiện thực hiện quá khó.

“Để thực hiện thành công việc kêu gọi tài trợ từ các nguồn xã hội hóa, huyện luôn sẵn sàng có tài liệu mô tả điều kiện thực tế ở điểm trường, nhu cầu đầu tư xây dựng. Lãnh đạo huyện phải tham gia cùng nhà tài trợ trước, trong và sau khi dự án hoàn thành. Đồng thời, phải duy trì, củng cố và mở rộng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các Nhóm thiện nguyện trên cả nước. Sau mỗi dự án thành công, cần có sự ghi nhận, cảm ơn kịp thời của cấp uỷ, chính quyền địa phương”, đồng chí Sèn Thăng Long cho biết thêm.

Với sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng trường, lớp học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa đã thành hiện thực; tạo điều kiện học tập tốt hơn cho trẻ em ở vùng khó trên địa bàn huyện.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thị trấn Đồng Văn phát triển thương mại dịch vụ gắn với bảo tồn phố cổ, chợ cổ

BHG- Thâm trầm, tráng lệ, như gợi nhớ về một thời hoàng kim. Phố cổ, chợ cổ Đồng Văn nằm im lìm trong sương sớm cao nguyên đá, như một minh chứng lịch sử của một vùng đất đầy sức cuốn hút nơi miền biên ải, địa đầu Tổ quốc. 

25/09/2017
Xây dựng đời sống văn hóa ở Hoàng Su Phì

BHG- Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) tại huyện Hoàng Su Phì đã và đang được duy trì và phát triển đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các nội dung của phong trào đã được cụ thể hóa và gắn liền với các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN tại địa phương.

23/09/2017
Có một Quảng Nguyên nguyên sơ và yên bình!

BHG- Nằm dọc dưới chân Đèo Gió, xã Quảng Nguyên (Xín Mần) được bao bọc bởi xung quanh là núi. Khi đến đây, du khách có thể khám phá vẻ đẹp nguyên sơ như một bức tranh sơn thủy hữu tình mà thiên nhiên đã ban tặng. Một vùng đất không ồn ào phố thị mà mang đến cho du khách một cảm giác bình yên mỗi khi đặt chân đến vùng đất này. 

23/09/2017
Người phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

BHG- Tôi còn nhớ, trong Đại hội Hội Phụ nữ toàn tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2016-2020, tôi rất chú ý bản báo cáo tham luận điển hình tiên tiến trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của chị Phàn Thị Thủy, dân tộc Dao, thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc. 

23/09/2017