Hà Giang

"Múa trống" – bản sắc văn hóa độc đáo của người Giáy ở Tát Ngà

07:00, 08/08/2017

BHG- Nằm trong vùng lõi của Công viên ĐCTC - CNĐ Đồng Văn, huyện Mèo Vạc có tới 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài những nét phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa, nơi đây còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống độc đáo. Trong đó, Lễ hội “Múa trống” của người Giáy ở xã Tát Ngà được xem là Lễ hội “độc nhất vô nhị” trên miền cực Bắc.

Điệu “múa trống” có sự tham gia của cả đàn ông và phụ nữ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Điệu “múa trống” có sự tham gia của cả đàn ông và phụ nữ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trong cộng đồng dân tộc ở Mèo Vạc, người Giáy sống tập trung chủ yếu ở thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà, bởi đây là nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nước. Từ những lợi thế về phát triển KT – XH đã giúp người dân từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no. Cùng với đó, đời sống tinh thần cũng ngày một phong phú. Đối với người Giáy ở Tát Ngà, điệu “múa trống” đã phản ánh chân thực đời sống giàu bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Theo những người già kể lại, tại xóm Tát Ngà - nơi tập trung người Giáy đông nhất, từ rất lâu người dân đã xây dựng hai ngôi miếu đặt tên Miếu Ông và Miếu Bà. Đây không chỉ là nơi để người dân đến thắp hương cầu xin những điều tốt lành mà đó còn là nơi để treo hai chiếc trống lớn phục vụ lễ hội. Hàng năm, hai chiếc trống được hạ xuống vào đúng ngày mồng 1 Tết. Trong ngày lễ, Trưởng bản làm nghi thức xin hạ trống; mỗi gia đình làm một mâm cơm canh, quây quần, tập trung tại đây và cùng nhau thắp hương, nhảy múa theo điệu trống để cầu xin đất, trời cho mưa thuận, gió hòa; xin thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm được mạnh khỏe, bình an. Đồng chí Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tát Ngà cho biết: “Múa trống” là hoạt động văn hóa được người Giáy lưu giữ, truyền thụ qua các thế hệ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Bao đời nay, “múa trống” không chỉ được coi là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.

Qua tìm hiểu, Tát Ngà là một trong số ít những xã có điều kiện thuận lợi về khí hậu và đất đai nơi miền “đá khát” Mèo Vạc. Xã có 5 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn 17 xóm với trên 570 hộ dân, trong đó dân tộc Giấy chiếm trên 32%. Những năm qua, với chủ trương phục dựng những lễ hội đã bị mai một, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây không ngừng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dần tạo thành phong trào rộng rãi. Đặc biệt, huyện Mèo Vạc đang triển khai xây dựng thôn Tát Ngà trở thành thôn phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng NTM đã mang đến cho địa phương một hơi thở cuộc sống mới. Từ hệ thống đường giao thông nội thôn đến việc phục dựng các nét văn hóa truyền thống được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư. Qua đó, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Anh Vi Văn Pảo, Trưởng thôn Tát Ngà chia sẻ: “Từ ngày xây dựng thôn trở thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng đã giúp người dân có thêm điều kiện nâng cao đời sống tinh thần. Từ những lợi thế sẵn có, mọi người trong thôn đang quyết tâm xây dựng thôn trở thành điểm thu hút khách du lịch. Đặc biệt, các thành viên trong Hội Nghệ nhân dân gian của xã luôn nhiệt tình tham gia gìn giữ và phát huy nét đẹp của Lễ hội “Múa trống”, không chỉ phục vụ du khách mà còn bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống”.

Được biết, đội “Múa trống” ở xã Tát Ngà hiện có trên 10 thành viên, thường đi biểu diễn phục vụ ở các dịp lễ, hội trong xã, huyện, tỉnh mà còn tham gia lưu diễn ở một số tỉnh bạn. Đó là dịp để các nghệ nhân quảng bá về văn hóa, hình ảnh con người địa phương. Đồng thời, ý nghĩa lớn nhất vẫn là bảo tồn được những tinh hoa văn hóa của dân tộc trên địa bàn; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện cho nhiều người giao lưu, học hỏi lẫn nhau về văn hóa cũng như phát triển kinh tế gia đình. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để người dân trong xã xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và chung tay xây dựng NTM.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở Tát Ngà đang từng bước được cải thiện rõ rệt. Ngoài Lễ hội “Múa trống”, chị em người Giáy ở Tát Ngà còn có điệu “múa nón” đặc sắc. Từ nét văn hóa độc đáo đến phong cảnh hữu tình, nhiều món ăn địa phương độc đáo đang giúp Tát Ngà trở thành điểm du lịch đầy hứa hẹn.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm chuẩn nhiều trường chạm mốc 30

Tính đến cuối giờ chiều 30/7, nhiều trường đại học trong cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Thậm chí điểm chuẩn của một số trường ở mức 30 điểm.

31/07/2017
12 kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phát triển giáo dục STEM

Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có đề cập đến giáo dục STEM. Là người trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Thành Hải, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri, Hoa Kỳ đã có 12 kiến nghị đóng góp gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

28/07/2017
Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch "Hùng vĩ Hà Giang" tại thành phố Hồ Chí Minh

BHG - Sáng 21.7, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch "Hùng vĩ Hà Giang". Dự Hội nghị có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đơn vị doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố trong nước.

21/07/2017
Triển lãm chuyên đề "Uống nước nhớ nguồn – Đạo lý của dân tộc"

BHG- Sáng 21.7, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai trương Triển lãm chuyên đề "Uống nước nhớ nguồn – Đạo lý của dân tộc", hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2017). Dự khai trương triển lãm có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh…

21/07/2017