Hà Giang

Đồng Văn đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào trường học

10:36, 11/04/2017

BHG - Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD - ĐT) trên miền đá Đồng Văn có nhiều bước tiến mới. Điều này không những thể hiện ở việc số lượng học sinh khá, giỏi ngày một tăng ở các cấp, bậc học; tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt cao, mà các em học sinh đã có những kỹ năng sống cơ bản trong giao tiếp ứng xử, tự phục vụ bản thân, biết yêu và gìn giữ nét văn hóa truyền thống (VHTT) của dân tộc mình. Đó chính là kết quả việc triển khai thực hiện chương trình đưa kỹ năng sống và VHTT vào chương trình giảng dạy trong các trường học năm học 2016 - 2017.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ma Lé nhảy sạp trong giờ học ngoại khóa.
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ma Lé nhảy sạp trong giờ học ngoại khóa.

Đồng chí Trần Thị Lâm, Phó phòng GD - ĐT huyện Đồng Văn cho biết: Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa kỹ năng sống và VHTT vào trường học; thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch, triển khai các bước, nội dung thực hiện sát với điều kiện thực tế tại địa phương. Tiến hành thống kê, phân loại và đưa vào danh mục các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn huyện cần được bảo tồn, phục dựng. Cùng đó là lựa chọn, thẩm định những nội dung văn hóa đặc sắc để giới thiệu, đưa vào chương trình giảng dạy. Cụ thể: Đối với văn hóa vật thể, truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống của các dân tộc Mông, Giấy, Tày, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao. Đối với văn hóa phi vật thể, truyền dạy cho học sinh những điệu hát dân ca, trò chơi dân gian, sản xuất và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc; giới thiệu các nghi lễ dân gian như: Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào, Lồng Tồng, Lễ cầu mưa, cúng Tổ tiên, cúng Thần rừng và các nghi lễ liên quan khác. Nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm có nét văn hóa, di tích lịch sử. Để việc đưa VHTT vào giảng dạy ở các trường học mang lại hiệu quả cao, Phòng chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, mời các nghệ nhân dân gian, người am hiểu phong tục tập quán trực tiếp đến nói chuyện chuyên đề, truyền dạy VHTT cho học sinh. Các thầy, cô giáo được phân công giao nhiệm vụ truyền dạy văn hóa cho học sinh tại các trường cũng đã tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét VHTT của từng dân tộc trên địa bàn để có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho các em học sinh thêm phần sinh động, gần gũi, dễ tiếp thu nhất.

Tiết mục múa Khèn Mông của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ma Lé.
Tiết mục múa Khèn Mông của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ma Lé.

Cùng với việc dạy kiến, thức, VHTT, các em học sinh thuộc các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện còn được các thầy, cô giáo truyền dạy các kỹ năng sống vận dụng vào thực tế cuộc sống, nhất là đối với các kỹ năng về giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, tự phục vụ bản thân; phòng, chống thiên tai; kỹ năng phòng, chống ma túy, tai nạn thương tích trong học đường... Nhiều em học sinh bậc Tiểu học, THCS trước đây rất hạn chế về vốn từ tiếng Việt phổ thông thì nay đã nói, viết thành thạo, tự tin hơn trong giao tiếp và sinh hoạt tập thể. 

 Đến thăm trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ma Lé (Đồng Văn) đúng vào dịp các thầy, cô giáo trong trường đang tổ chức cho các em học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, chơi các trò chơi dân gian truyền thống. Nhìn các em thể hiện thành thạo, đẹp mắt các tiết mục văn nghệ, trò chơi như nhảy sạp, ném còn, chơi ô ăn quan, hát phươn, thổi khèn lá, đánh yến. Thăm khu nội trú của các em học sinh thấy quần áo, chăn màn được treo, gấp gọn gàng, sạch sẽ khiến chúng tôi thực sự bất ngờ. Cô giáo Dương Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Ma Lé chia sẻ: Để các em có được các kỹ năng này là sự nỗ lực lớn của các thầy, cô giáo trong trường. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi nấu ăn, làm bánh, đan lát, thêu và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh, giúp học sinh thêm yêu trường, bám lớp; đó là mục tiêu mà ngành GD - ĐT huyện Đồng Văn đang hướng tới.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bạo lực học đường - không còn là chuyện của con trẻ

BHG - Liên tiếp nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xẩy ra trong cả nước thời gian qua không chỉ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của học sinh (HS) mà thực sự gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức, lối sống, tình yêu thương con người, tình bạn... của HS, thế hệ tương lại của đất nước.

29/03/2017
Không bảo tồn sẽ không thể xây dựng và phát triển Công viên đá

BHG - Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) là bởi những giá trị địa chất, địa mạo và những kiến tạo độc đáo của địa chất nơi đây. Vì thế, nó như một bảo tàng về địa chất của nhân loại và chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, trở thành sinh kế cho người dân. Bảo vệ di sản trong điều kiện Công viên có hàng vạn người dân đang sinh sống và việc phải hài hòa với nhu cầu xây dựng và phát triển của các địa phương là một điều không dễ dàng. 

29/03/2017
Quản Bạ nỗ lực xây dựng hệ thốngtrường học kiểu mẫu

BHG - Xây dựng hệ thống trường học kiểu mẫu nhằm nâng cao kỹ năng sống cho học sinh hướng tới phát triển giáo dục toàn diện là chủ trương của BTV Huyện ủy Quản Bạ và đang được huyện triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn huyện. 

28/03/2017
Kế hoạch tổ chức Lễ hội "Chợ tình Khâu Vai" năm 2017

BHG - Ngày 24.3, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội "Chợ tình Khâu Vai" năm 2017. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn Kế hoạch này.

27/03/2017