Sử dụng hiệu quả nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ xây dựng trường, lớp học

08:38, 04/02/2017

BHG- 163 nhà lớp học với tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang được các nhà thầu thi công nỗ lực triển khai trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Yên Minh và Xín Mần, sẽ sớm được bàn giao, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng học tập của con em đồng bào các dân tộc vùng cao.

Nhà lớp học mầm non thị trấn Vinh Quang sẽ được đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới 2017-2018.
Nhà lớp học mầm non thị trấn Vinh Quang sẽ được đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới 2017-2018.

Những ngày cuối năm 2016, nhiều công nhân Công ty TNHH Việt Anh, vẫn miệt mài làm việc, mồ hôi thấm ướt lưng áo, nhưng ai cũng hăng say làm việc với quyết tâm sớm hoàn thành nhà lớp học mầm non xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì). Anh Nguyễn Văn Lâm, đội trưởng, phụ trách thi công cho biết, công trình nhà lớp học mầm non xã Tụ Nhân được khởi công từ tháng 9.2016, tổng mức đầu tư trên 3,4 tỷ đồng. Ngay khi trúng thầu thi công, Công ty đã cử đội thợ có tay nghề cao, lên phương án xây dựng phù hợp với thực tế địa hình, tập kết đủ vật liệu nên đến nay toàn bộ các hạng mục chính đã hoàn thành, phấn đấu sớm bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

Đưa chúng tôi đi thăm khu khuôn viên, cô giáo Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tụ Nhân luôn bày tỏ niềm vui khi nhà lớp học mới được đầu tư xây dựng khang trang sắp hoàn thành. Tuy cách không xa trung tâm huyện, nhưng Tụ Nhân vẫn thuộc xã nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ việc dạy và học còn rất nhiều khó khăn. Có thêm phòng học mới sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội để con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã trau rồi kiến thức, phát triển kỹ năng toàn diện - cô Liên chia sẻ. Qua tìm hiểu được biết, hệ thống nhà lớp học mầm non trên địa bàn xã Tụ Nhân còn rất khó khăn, hiện mới chỉ trường chính được xây dựng khang trang, còn lại hầu hết các điểm trường ở thôn, bản, cô trò phải học tập trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, có nơi phải học nhờ trụ sở thôn, học ghép các nhóm tuổi nên chất lượng giáo dục kiến thức, rèn luyện sức khỏe và phát triển kỹ năng của trẻ nhỏ cũng phần nào hạn chế. Được Đảng, Nhà nước quan tâp, xây dựng thêm cơ sở vật chất, các cô, trò, phụ huynh rất vui, luôn biết ơn và cùng nhau hứa sẽ phấn đấu chăm lo tốt cho các con. Có thêm phòng học mới, nhà trường sẽ bố trí thêm các phòng chức năng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc toàn diện cho các cháu.

Ông Hoàng Ngọc Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tụ Nhân cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX xác định, giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ huy động trẻ từ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 55%, 3-5 tuổi vào mẫu giáo đạt 98%... Chỉ tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi mấy năm gần đây, đời sống người dân đang từng bước được cải thiện nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, hàng hóa. Với việc đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, hợp tác xã, các gia trại, trang trại; đến năm 2020, thu nhập bình quân có thể đạt 14 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực trên 557kg/người/năm. Đời sống được nâng cao, bà con quan tâm hơn đến việc học hành của con cái, nhưng một khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chỉ số phát triển giáo dục của địa phương, đó là hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được, nhiều điểm trường các cháu còn phải đi học nhờ. Trong điều kiện nền kinh tế chung của cả nước còn khó khăn, Chính phủ vẫn bố trí được nguồn vốn, hỗ trợ xã có thêm các phòng học cho con em địa phương, đây thực sự là động lực lớn giúp địa phương hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Cùng với xã Tụ Nhân, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) cũng được đầu tư thêm một nhà lớp học mầm non 2 tầng, 6 phòng học. Mấy năm gần đây, nhu cầu học tập, tỷ lệ huy động trẻ đến trường trên địa bàn thị trấn ngày một tăng cao. Trong khi đó, trường mầm non hiện tại diện tích hẹp, nhà lớp học thiếu nên đang dần quá tải. Nhà lớp học mới được đầu tư xây dựng với diện tích quy hoạch rộng hơn, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em đồng bào thị trấn, giảm tải cho khu vực hiện nay. Ông Nguyễn Đình Phong, cán bộ phụ trách thi công của Công ty TNHH Mạnh Toàn cho biết: Công trình nhà lớp học mầm non thị trấn Vinh Quang được khởi công từ tháng 7.2016 với tổng vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng, hiện tại đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng và sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng ngay năm học tới.

Hiện tại, 163 nhà lớp học mầm non trên địa bàn các huyện nghèo như Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Xín Mần đều được khởi công xây dựng, nhiều nơi đã cơ bản hoàn thành, sớm bàn giao, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực cho ngành giáo dục. Những công trình trên được xây dựng từ nguồn vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2012-2015 thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên. Trong đó, huyện Mèo Vạc được đầu tư 2 phòng, Quản Bạ 13 phòng, Hoàng Su Phì 104 phòng, Yên Minh 39 phòng và Xín Mần 5 phòng. Thực hiện chương trình này, từ cuối năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ nguồn vốn thực hiện 163 nhà lớp học với tổng mức đầu tư trên 205 tỷ đồng. Đến đầu năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 163 nhà lớp học với tổng mức đầu tư trên 206 tỷ đồng, trong đó vốn TPCP trên 205 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 11.2016, trong quyết định giao vốn kế hoạch TPCP đợt 3, tổng phòng học không thay đổi, nhưng tổng mức đầu tư được điều chỉnh giảm xuống còn trên 140 tỷ đồng... Kết quả này khẳng định, công tác quản lý, thẩm định giá trị các công trình đầu tư bằng nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh đã thực sự chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm.Các công trình xây dựng nhà lớp học, hiện đang được chủ đầu tư gồm Sở GD-ĐT, UBND các huyện phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, triển khai đúng tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và sẽ đưa vào sử dụng ngay trong năm học mới 2017-2018 để con em đồng bào vùng cao sớm được hưởng thành quả phát triển KT-XH của đất nước.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gìn giữ nghề làm khèn Mông trên cao nguyên đá Hà Giang

Xuân 2017 - Lên cao nguyên đá Đồng Văn vào những ngày đầu năm mới 2017, cái lạnh của mùa Đông vẫn hiện hữu ở trong các bản làng. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của mình. Một trong những nét văn hóa đó chính là đã gìn giữa nghề làm khèn Mông truyền thống. 

31/01/2017
Nơi "Ươm mầm" cho trẻ em ở xã vùng III Thuận Hòa

BHG - Thuận Hòa là xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên, địa hình phức tạp, chia cắt bởi các dãy núi cao, vực sâu nên thiếu đất cánh tác nông nghiệp, đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng vượt qua mọi khó khăn thử thách, với sự vào cuộc đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến nhà trường và toàn xã hội nên chất lượng giáo dục và tỷ lệ duy trì tỷ số học sinh đến trường của xã luôn đạt kết quả cao. 

31/01/2017
Những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn

Xuân 2017 - Hà Giang, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Đến với Hà Giang những ngày đầu Xuân, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những cây hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc mà còn được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện qua những bộ trang phục của những thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn rực rỡ như đàn chim lửa và đặc biệt được hòa mình vào Lễ hội nhảy lửa, Lễ kéo chày và các trò chơi dân gian của dân tộc Pà Thẻn. 

31/01/2017
Du lịch Xín Mần khởi sắc vào Xuân

Xuân 2017 - Xín Mần là huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang, ngoài cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ và điểm nhấn là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trải dài trên địa bàn các xã Thèn phàng, Xín Mần, Nấm Dẩn… tạo nên một bức tranh kỳ vĩ mỗi khi vào mùa vụ. 

31/01/2017