Phương thức canh tác của người Mông: Sự thích ứng và hòa hợp giữa con người với thiên nhiên

10:29, 01/01/2017

BHG - Với địa hình bị chia cắt mạnh, những dải núi đá tai mèo sắc nhọn xen những khe núi sâu, hẹp và những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi hình kim tự  tháp... đã gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của người dân trên Cao nguyên đá. Nhưng để sinh tồn và thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, người dân nơi đây đã sáng tạo ra tri thức canh tác hốc đá độc đáo.

Theo nhiều tài liệu còn ghi lại, lịch sử người Mông di cư về Việt Nam cách đây khoảng trên 300 năm. Khi đó, các vùng đất ở đồng bằng và trung du đã có các dân tộc khác sinh sống nên người Mông chọn sống trên những đỉnh núi cao. Với địa hình đồi núi khó khăn, đất dốc, nên công việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng những nương đá tai mèo sắc nhọn kia không làm khó được đôi tay khéo léo và óc sáng tạo và ý chí của người Mông. Phụ nữ Mông chịu khó gùi đất từ chân núi đổ vào các hốc đá, xếp đá thành nương để trỉa bắp, trồng rau. Đàn ông Mông khéo léo chế tác ra chiếc lưỡi cày độc đáo có dáng nhỏ, mũi cong, bền, sắc bén, cứng và có thể lướt dễ dàng trên những nương đá mà không bị sứt mẻ gì. Từ đây, “Cày trên nương đá” trở thành một trong những hình ảnh đẹp về sự sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên của người Mông trên Cao nguyên đá và tri thức canh tác hốc đá của cư dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) Quốc gia năm 2014 với loại hình tri thức dân gian. Bên cạnh đó, vì thiếu đất sản xuất nên kỹ thuật thâm canh, xen canh của người dân khá cao, những nương ngô đều được họ trồng xen nhiều loại cây trồng khác như: Dưa, bí, đậu tương, rau cải... cùng với kỹ năng chọn lọc và duy trì các loại giống cây trồng để gieo trồng các vụ sau.

Cày trên nương đá, nỗ lực chinh phục tự nhiên của người Mông.
Cày trên nương đá, nỗ lực chinh phục tự nhiên của người Mông.

Có thể thấy, tri thức canh tác hốc đá là một trong những tri thức bản địa có giá trị thể hiện sự thích ứng và hòa hợp của cuộc sống con người với thiên nhiên, là tổng hòa của nhiều yếu tố tạo thành bao gồm: Nhận thức tộc người, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, chế tác nông cụ và văn hóa canh tác được chắt lọc qua nhiều thế hệ trong suốt quá trình phát triển của cộng đồng.

Còn nhớ trong Hội nghị tư vấn xây dựng hồ sơ “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang” trình UNESCO vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại do UBND tỉnh tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, trong đó, tập trung làm nổi bật mối liên hệ giữa tri thức thổ canh hốc đá với việc ứng xử của con người hòa vào thiên nhiên, vũ trụ để tồn tại gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội. Còn trong Hội thảo tư vấn xây dựng hệ thống di sản nông nghiệp có tầm quan trọng toàn cầu cho canh tác nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng văn, do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức đã khẳng định: Qua nhiều thế kỷ đấu tranh để tồn tại và đối phó với các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, người nông dân đã xây dựng và phát triển được những hệ thống canh tác nông nghiệp truyền thống bản địa đảm bảo nhu cầu sinh sống ổn định, bền vững, phát triển những kinh nghiệm sản xuất thực tiễn, những sản phẩm nông nghiệp độc đáo. Bảo tồn tri thức canh tác hốc đá là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn biến đối khí hậu và suy thoái môi trường sống diễn ra nghiêm trọng như hiện nay. Vì vậy, lối canh tác truyền thống này không chỉ đảm bảo sinh kế cho người dân mà còn có đóng góp lớn trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản văn hóa truyền thống.

Ông Sùng Mí Sèo, xã Ma Lé (Đồng Văn) chia sẻ: Canh tác trên hốc đá là truyền thống canh tác lâu đời của người Mông, ở một nơi mà mở mắt là thấy đá thế này, cuộc sống vô cùng khó khăn đã tạo cho người Mông ý chí kiên cường để vươn lên. Chinh phục những mỏm đá tai mèo không chỉ để sản suất nông nghiệp, đảm bảo lương thực mà là cách để người Mông bám trụ và gìn giữ biên cương của Tổ quốc.

Được biết, Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất duy nhất trên thế giới có quần thể cư dân sinh sống với hệ thống canh tác trên nương đá rất độc đáo.

Phương thức canh tác ấy đã khẳng định ý chí, nỗ lực chinh phục tự nhiên của đồng bào người Mông nơi cực Bắc Tổ quốc.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung đoàn 877, vang "tiếng chim Sơn Ca"

BHG - Cảm xúc bồi hồi, háo hức ngóng trông, chờ đợi được đi tham quan doanh trại bộ đội của các bé Trường Mầm non Sơn Ca (thành phố Hà Giang) như được vỡ oà vào chiều 19.12.2016.

31/12/2016
Chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục – Đào tạo

BHG - Năm 2016 khép lại với nhiều chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT tỉnh nhà, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành đã có nhiều nỗ lực để tạo được những thành quả rõ rệt ở các cấp học, bậc học. 

31/12/2016
Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản tình ca Cao nguyên đá" chào 2017

BHG - Tối 30.12, tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang), Sở VH,TT&DL đã tổ chức Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản tình ca Cao nguyên đá" chào 2017. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo nhân dân. 

31/12/2016
CNN gợi ý hành trình khám phá Việt Nam bằng xe máy

Phượt bằng xe máy là trải nghiệm được đông đảo du khách yêu thích, đặc biệt là người trẻ tuổi. Trang CNN đã chia sẻ hàng loạt điểm đến thú vị bằng xe máy tại Việt Nam, đồng thời đánh giá đây sẽ là một "trào lưu" du lịch hấp dẫn và khó quên.

30/12/2016