Du lịch Hà Giang: Sức hút từ các lễ hội

10:03, 12/01/2017

BHG - Trên 800 ngàn lượt du khách đến với Hà Giang trong năm 2016, trong đó,  riêng Lễ hội Chợ tình Khau vai thu hút trên 18.000 lượt, Lễ hội Hoa Tam giác mạch trên 22.000 lượt; những con số ấn tượng ấy đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của các lễ hội đặc sắc nơi miền cực Bắc Tổ quốc, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho du lịch tỉnh nhà.

Hà Giang, mảnh đất tột cùng núi, tột cùng mây không chỉ làm mê đắm du khách bằng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc được phản ánh rõ nét qua các lễ hội truyền thống.

Khách du lịch đến Hà Giang trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch.
Khách du lịch đến Hà Giang trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch.

Thực tế, du lịch lễ hội là loại hình du lịch đã được nhiều địa phương trong cả nước tổ chức thành công, đặc biệt là những lễ hội mang đặc trưng riêng có vùng miền. Hiện, tỉnh ta có trên 20 lễ hội được tổ chức thường niên thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, tiêu biểu là: Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Gầu Tào của ngời Mông, Lễ hội Lồng tông của người Tày, Lễ hội khèn Mông, Lễ hội Đền, Lễ hội đường phố, các lễ hội chọi trâu, chọi dê, chọi bò, đấu ngựa, đua thuyền, đua mảng...

Với sự đa dạng, phong phú và cách tổ chức ngày càng quy mô, thiết thực, hiệu quả với nhiều nội dung hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống, niêm yết và cam kết giá dịch vụ, đảm bảo vệ sinh ATTP, không xảy ra tình trạng lộn xộn, ô nhiễm môi trường, trộm cắp, lợi dụng tín ngưỡng và các hoạt động thương mại hóa... Các lễ hội đã góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, lễ hội chưa trở thành một sản phẩm du lịch thực sự, chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nguyên nhân do các địa phương chưa chú trọng việc quảng bá hình ảnh các lễ hội, duy chỉ có Lễ hội Hoa Tam giác mạch được quảng bá rộng rãi; cách tổ chức chưa chuyên nghiệp, các điều kiện về cơ sở vật chất dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2016, rất nhiều lần khách du lịch bị tắc đường nhiều giờ liền trên Cao nguyên đá ảnh hưởng đến thời gian lịch trình; nguyên nhân một phần do lượng du khách quá đông, một phần lực lượng chức năng chưa thực hiện tốt việc phân luồng, điều tiết giao thông, nhất là những đoạn đèo dốc hay những đoạn đường đang sửa chữa; chất lượng các dịch vụ ăn uống, lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, công tác tổ chức và quản lý lễ hội chưa hợp lý, nhiều lễ hội xuất hiện theo kiểu “làm theo” như: Lễ hội Chọi trâu truyền thống xã Trung Thành (Vị Xuyên) nay đã xuất hiện ở Quang Bình, Bắc Quang; TP Hà Giang; Lễ hội Chọi dê xuất phát từ các huyện phía Tây, thì nay các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Bắc Mê, Bắc Quang,... đều tổ chức. Các lễ hội này phần lớn dồn dập diễn ra vào dịp đầu Xuân gây nên sự nhàm chán, manh mún, không tạo được dấu ấn riêng, không mang nét đặc trưng vùng miền; phạm vi tổ chức nhỏ, sức lan tỏa không lớn, chưa hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Ngành chức năng và các địa phương cần có giải pháp hiệu quả trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội để “Nâng tầm” lễ hội, tạo điểm nhấn riêng có độc đáo của Hà Giang để thu hút du khách nhưng không phá vỡ bản sắc nguyên bản sẵn có của lễ hội.

Hà Giang đang nỗ lực hết mình để làm hài lòng du khách khi đến với miền cực Bắc, tuy nhiên, khách du lịch cũng rất cần có hành động đẹp. Mới đây, trên các trang mạng xã hội, xuất hiện đoạn Video ghi lại cảnh du khách ngồi trên xe ô-tô ném bánh kẹo qua cửa sổ cho các em bé vùng cao trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch, hành động này không chỉ vô cùng phản cảm mà còn rất nguy hiểm khi các em chạy theo xe ô-tô giữa đường đèo dốc; một số bạn trẻ vô tư leo trèo lên các điểm di tích để chụp hình, vui đùa giữa nương Tam giác mạch mà không để ý người dân đã để sẵn những lối đi giữa các ruộng hoa; nhiều du khách lên Hà Giang với đường đèo hiểm trở, khi hậu khắc nghiệt nhưng lại không có kỹ năng về du lịch phượt nên ảnh hướng đến sức khỏe...

Mùa Xuân mới sắp về, mùa của những lễ hội đầy sôi động và đặc sắc. Hà Giang chào đón du khách gần xa một lần lên với miền đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc, để tự hào dưới lá cờ khẳng định chủ quyền trên đỉnh trời Lũng Cú, ngắm dòng Nho Quế trong xanh từ đỉnh Mã Pí Lèng hùng vĩ và đặc biệt để khám phá, cảm nhận, hòa cùng đời sống văn hóa của người vùng cao trong các lễ hội.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản tình ca Cao nguyên đá" chào 2017

BHG - Tối 30.12, tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang), Sở VH,TT&DL đã tổ chức Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản tình ca Cao nguyên đá" chào 2017. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo nhân dân. 

31/12/2016
Chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục – Đào tạo

BHG - Năm 2016 khép lại với nhiều chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT tỉnh nhà, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành đã có nhiều nỗ lực để tạo được những thành quả rõ rệt ở các cấp học, bậc học. 

31/12/2016
Trung đoàn 877, vang "tiếng chim Sơn Ca"

BHG - Cảm xúc bồi hồi, háo hức ngóng trông, chờ đợi được đi tham quan doanh trại bộ đội của các bé Trường Mầm non Sơn Ca (thành phố Hà Giang) như được vỡ oà vào chiều 19.12.2016.

31/12/2016
CNN gợi ý hành trình khám phá Việt Nam bằng xe máy

Phượt bằng xe máy là trải nghiệm được đông đảo du khách yêu thích, đặc biệt là người trẻ tuổi. Trang CNN đã chia sẻ hàng loạt điểm đến thú vị bằng xe máy tại Việt Nam, đồng thời đánh giá đây sẽ là một "trào lưu" du lịch hấp dẫn và khó quên.

30/12/2016