Hà Giang

Bắc Quang đẩy mạnh chống tái mù chữ ngay từ gia đình, dòng tộc và cộng đồng

07:34, 05/01/2017

BHG- Theo số liệu điều tra, huyện Bắc Quang còn gần 4.895 người độ tuổi từ 16 – 40 chưa biết chữ. Làm thế nào để xoá mù chữ và chống tái mù cho số người trên khi không còn nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ ?

Lớp học chống tái mù tại thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc được duy trì đều 3 buổi học/tuần vào buổi tối.
Lớp học chống tái mù tại thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc được duy trì đều 3 buổi học/tuần vào buổi tối.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Dương Tiến Son cho biết: Để xoá và chống tái mù cho số người nêu trên chỉ có cách duy nhất là dùng người có đủ trình độ ngay trong mỗi gia đình, dòng tộc để dạy người chưa biết chữ. Trong đó, sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học tại các Trung tâm Học tập cộng đồng để xoá mù chữ cho cộng đồng. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang, Phó Trưởng ban chỉ đạo chống tái mù của huyện, Phạm Hồng Thanh cho rằng: Ngành Giáo dục huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo chính quyền các cấp, các đoàn thể xã hội cùng kết hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền vận động người chưa biết chữ tham gia học tập ngay tại gia đình, dòng họ hoặc đến học tập trực tiếp tại các Trung tâm Học tập cộng đồng. Sự kết hợp giữa: Gia đình – Dòng họ - Cộng đồng sẽ là giải pháp ít tốn kém cả về thời gian, công sức và tiền bạc để xoá và chống tái mù hiệu quả nhất. Anh Thanh khẳng định: Cách làm trên sẽ giúp Bắc Quang hoàn tất công tác chống tái mù chữ mức độ 1 cho toàn bộ số người trong độ tuổi vào năm 2020. Việc đăng ký tham gia trực tiếp dạy xoá mù có thể là những người trong gia đình, dòng họ có trình độ từ Trung cấp Sư phạm đối với giáo viên Mầm non và Tiểu học là có thể đứng ra đảm nhiệm trách nhiệm dạy xoá mù chữ cho người chưa biết chữ ngay tại mỗi gia đình, dòng tộc. Người đứng dạy đó chỉ cần tham gia đăng ký vào bản Hợp đồng giảng dạy và cam kết thực hiện đúng trách nhiệm với chính quyền cơ sở và được sự chấp thuận của cơ quan chức năng là đủ cơ sở để dạy xoá mù. Giải pháp đó được chấp thuận đối với các địa bàn thuộc các xã, thị trấn có đủ điều kiện về kinh tế và cơ sở vật chất để mở và dạy các lớp xoá mù cho người chưa biết chữ.

Còn đối với các xã, thôn bản thuộc các vùng đặc biệt khó khăn thì yêu cầu người đứng ra đảm nhiệm dạy xoá mù đã được công nhận tốt nghiệp THCS trở lên và có đạo đức, lối sống tốt được cộng đồng dân cư công nhận. Bản thân những người đăng ký đảm nhiệm trách nhiệm dạy xoá mù cho những người chưa biết chữ phải xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ, sổ sách theo quy định của Ban chỉ đạo XDXHHT được Sở GD & ĐT trang cấp theo đúng quy định, có lưu trữ hồ sơ. Sau 3 tháng học, Ban chỉ đạo chống tái mù của huyện sẽ trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của từng lớp học, từng học viên của khoá học để công nhận chất lượng đào tạo. Các học viên và người dạy học có thể tranh thủ học vào các buổi tối trong tuần ngay tại nhà, hoặc học tại các Trung tâm Học tập cộng đồng tại xã. Thời gian dạy và học của thầy trò thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục (dành cho các lớp học GDTX).

Khảo sát thực tiễn tại các lớp học chống tái mù ở một số xã Đông Thành, Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Hùng An cho thấy: Toàn bộ sách vở, dầu đèn phục vụ lớp học được Phòng Giáo dục huyện Bắc Quang cung cấp. Tiêu chuẩn cấp cho mỗi lớp học, trong một khoá học 3 tháng là 50.000 đồng tiền dầu đèn thắp sáng. Và mỗi nhóm học (ít nhất 3 người) được hỗ trợ 80.000  đồng/nhóm để mua 1 bộ SGK và trang thiết bị tối thiểu phục vụ học tập/khoá. Ở tất cả các lớp học, các học viên và người giảng dạy đều thực hiện rất nghiêm túc. Các thầy cô trực tiếp giảng dạy cho biết: Các lớp học thường tổ chức vào buổi tối ngay sau thời gian sinh hoạt ăn uống tại gia đình (đối với các nhóm học viên) và các Trung tâm Học tập cộng đồng các xã (các lớp học). Các học viên tâm sự: Sau ít phút thăm hỏi lẫn nhau là thời gian dành cho học tập theo đúng quy định. Các sổ sách, giáo án, bài kiểm tra đều được ghi chép theo đúng quy định về hồ sơ, sổ sách... Các học viên cho rằng, nếu không có các lớp học được tổ chức theo hình thức “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ như cách mở lớp hiện nay thì họ sẽ mãi mù chữ”. Tới các lớp học, ngoài học chữ, họ còn học được ở nhau nhiều điều trong cuộc sống về cách làm ăn, nuôi dạy con cái và sự bình đẳng trong mỗi gia đình.

Trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bắc Quang, Phạm Hồng Thanh được biết: Năm học 2016, Bắc Quang đang thực hiện dạy chống tái mù ở 23 xã, với 1.094 học viên. Dự kiến, quý I.2017 sẽ tiếp tục mở mới theo kế hoạch giảng dạy của năm 2017 là 1.485 học viên. Dự tính, từ nay đến năm 2020 toàn huyện sẽ xoá xong mù chữ cho toàn bộ số người trong độ tuổi (khoảng gần 5.000 người). Nguồn kinh phí hỗ trợ giảng dạy chống tái mù được UBND huyện Bắc Quang tiết kiệm chi để hỗ trợ 1 phần. Phần kinh phí còn lại được Phòng Giáo dục phối kết hợp với Hội Khuyến học ở cơ sở huy động từ nguồn “xã hội hoá”. Tổng hỗ trợ giảng dạy xoá mù cho mỗi học viên khi được công nhận xoá mù Mức độ 1 là 430.000 đ/người/khoá học (trong đó bao gồm: Tiền dầu đèn thắp sáng 50.000 + tiền giấy vở, đồ dùng học tập 80.000 + tiền công giảng dạy cho mỗi học viên là 300.000 đ). Nguồn kinh phí này thấp chỉ bằng ½ so với số tiền ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp cho các chương trình dạy xoá mù chữ trước đây vẫn chi trả là trên 800.000 đ/học viên.

Giải pháp trên thực sự là một lời giải hữu hiệu cho bài toán: Vừa kinh tế lại vừa xã hội rất thiết thực khi nguồn ngân sách Nhà nước không còn hỗ trợ trực tiếp cho công tác chống tái mù. Đồng thời, là giải pháp hữu ích của 1 huyện còn eo hẹp về kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp chống tái mù chữ mà Bắc Quang đang áp dụng hiện nay còn là cách làm mới còn mang lại lợi ích không nhỏ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng một xã hội học tập để phát triển bền vững. Giải pháp này cần được đánh giá thực tiễn và nhân rộng.   

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung đoàn 877, vang "tiếng chim Sơn Ca"

BHG - Cảm xúc bồi hồi, háo hức ngóng trông, chờ đợi được đi tham quan doanh trại bộ đội của các bé Trường Mầm non Sơn Ca (thành phố Hà Giang) như được vỡ oà vào chiều 19.12.2016.

31/12/2016
Chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục – Đào tạo

BHG - Năm 2016 khép lại với nhiều chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT tỉnh nhà, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành đã có nhiều nỗ lực để tạo được những thành quả rõ rệt ở các cấp học, bậc học. 

31/12/2016
Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản tình ca Cao nguyên đá" chào 2017

BHG - Tối 30.12, tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang), Sở VH,TT&DL đã tổ chức Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản tình ca Cao nguyên đá" chào 2017. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo nhân dân. 

31/12/2016
CNN gợi ý hành trình khám phá Việt Nam bằng xe máy

Phượt bằng xe máy là trải nghiệm được đông đảo du khách yêu thích, đặc biệt là người trẻ tuổi. Trang CNN đã chia sẻ hàng loạt điểm đến thú vị bằng xe máy tại Việt Nam, đồng thời đánh giá đây sẽ là một "trào lưu" du lịch hấp dẫn và khó quên.

30/12/2016