Hà Giang

Linh Hồ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

17:47, 02/12/2016

BHG- Xã Linh Hồ (Vị Xuyên) có 16 thôn, bản, dân cư đông đúc với trên 8.000 khẩu và 12 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm phần đa, còn lại là các dân tộc: Mông, Dao, Kinh... với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng cần được gìn giữ và phát huy. Được thành lập từ năm 2012 đến nay, Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) xã Linh Hồ đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, qua đó thúc đẩy phát triển KT – XH, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.

Các học viên biểu diễn tiết mục hát Cọi tại Lễ bế mạc lớp dạy hát Then, Cọi được Hội NNDG xã tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Ảnh: CTV
Các học viên biểu diễn tiết mục hát Cọi tại Lễ bế mạc lớp dạy hát Then, Cọi được Hội NNDG xã tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Ảnh: CTV

12 dân tộc anh em trên địa bàn xã Linh Hồ có rất nhiều phong tục, lễ hội, nghề truyền thống cần được gìn giữ và phát huy. Nếu như người Tày, Nùng có lễ hội Lồng Tông đặc sắc cùng những làn điệu Then, Cọi dìu dặt, mê đắm lòng người thì dân tộc Mông lại có những làn điệu hát giao duyên mượt mà, sâu lắng cùng tiếng khèn trầm bổng vang xa; đồng bào Dao có Lễ Cấp sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Tuy nhiên, qua thời gian cùng với sự phát triển của xã hội và tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn các di sản văn hóa, các nghề truyền thống ở địa phương; nhiều văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán tốt đẹp đang có nguy cơ mai một.

Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, xã Linh Hồ đã thành lập và phát triển hoạt động của Hội NNDG. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã thực sự trở thành cầu nối trong việc bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa dân tộc tại địa phương. Hội NNDG xã Linh Hồ hiện có 76 hội viên, sinh hoạt ở 11 chi hội. Hội hoạt động theo 3 nhóm chính: Nhóm tín ngưỡng dân gian gồm 12 hội viên (bói, cúng, xem ngày tốt xấu...); nhóm văn nghệ dân gian, lưu giữ bản sắc văn hóa thông qua các làn điệu hát, múa, văn nghệ dân gian với 65 hội viên; nhóm truyền dạy nghề truyền thống (rèn, đan lát, thêu) có 6 hội viên. Các chi hội sinh hoạt vào ngày 15 hàng tháng, Hội họp định kỳ theo quý (3 tháng/lần) tại xã để nghe báo cáo kết quả hoạt động của các chi hội và hội viên.

Những năm qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn bản. Từ đầu năm đến nay, Hội đã mở 1 lớp dạy hát Cọi, Then cho 35 học viên là con em địa phương. Sau khi kết thúc khóa học, 100% học viên hoàn thành nội dung và biết hát một số làn điệu Then, Cọi truyền thống của dân tộc. Trước đó, năm 2015, Hội cũng đã phối hợp với 2 trường tiểu học trên địa bàn mở lớp dạy hát Then, đàn Tính ngay tại trường và thu hút hơn 30 em học sinh tham gia. Với nghề rèn và thêu truyền thống của địa phương, hiện gặp nhiều khó khăn trong truyền dạy nghề bởi theo nghệ nhân Giàng Seo Phừ, thôn Nà Khà thì hiện nay thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống, Hội lại không có kinh phí để mua sắm, trang bị vật dụng phục vụ cho việc dạy nghề. Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hội NNDG xã Linh Hồ cho biết: “Các nghệ nhân của Hội hiện nay chủ yếu hoạt động vì chữ “Tâm”, nhiều người rất tâm huyết với văn hóa truyền thống và muốn truyền nghề cho lớp trẻ nhưng tuổi ngày càng cao, trong khi kinh phí hoạt động thì không có. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là mong muốn các cấp, các ngành có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, có những cơ chế hỗ trợ nhất định để hoạt động của Hội ngày càng phát huy được hiệu quả...”.

Rời xã Linh Hồ, chúng tôi mang theo những làn điệu Then, Cọi mượt mà cùng tiếng đàn Tính trầm bổng ngân vang từ những nếp nhà sàn nhỏ xinh và mang theo cả trăn trở của những nghệ nhân thực sự tâm huyết với văn hóa truyền thống: “Mong sao cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi phát huy tâm huyết của mình, truyền dạy lại cho con cháu những làn điệu dân ca, những nghề truyền thống; để thế hệ mai sau vẫn luôn biết và tự hào là “con Lạc, cháu Hồng” – Nghệ nhân Hoàng Xuân Và, thôn Nà Pồng ngậm ngùi chia sẻ.

HÀ PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành GD&ĐT Xín Mần đẩy mạnh việc "học tập" và "làm theo" Bác

BHG- Mặc dù ở trên địa bàn còn nhiều khó khăn như huyện Xín Mần, song những năm qua, chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được nâng cao; số lượng học sinh tốt nghiệp cấp 3 và đi học chuyên nghiệp của huyện là khá cao.

30/11/2016
Báo chí địa phương tích cực tuyên truyền về Công viên đá

BHG - Công viên Địa chất toàn cầu-Cao nguyên đá (CVĐCTC – CNĐ) Đồng Văn là CVĐC duy nhất của nước ta và thứ 2 của Đông Nam á. Nếu như các địa phương khác có sự phát triển về kinh tế như: Ninh Bình tự hào về Tràng An, Quảng Ninh tự hào về Vịnh Hạ Long, Hải Phòng tự hào về Cát Bà thì Hà Giang chúng ta vinh dự và tự hào có Công viên đá. 

29/11/2016
Thường trực Hội VHNT Hà Giang làm việc tại các huyện phía Tây, phía Nam của tỉnh

BHG- Vừa qua, Thường trực Hội VHNT tỉnh do đồng chí Hoàng Trung Luyến, Chủ tịch Hội VHNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy, UBND, Hội, Chi hội VHNT các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình và Bắc Quang.

28/11/2016
Hội nghị tổng kết trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Giang lần thứ 10 năm 2016

BHG - Chiều 25.11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (TTN NĐ) tỉnh Hà Giang lần thứ 10 năm 2016 và phát động Cuộc thi lần thứ 11 (2016-2017). Dự có đồng chí Đàm Xuân Lan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh, Báo Hà Giang; đại diện một số trường học và đông đảo các em học sinh đoạt giải trong Cuộc thi…

26/11/2016