Hà Giang

Chào mừng Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Hoàng Su Phì lần thứ VI gắn với Tuần Văn hóa du lịch lần thứ II (12 - 14.9.2016)

Hoàng Su Phì 110 năm trưởng thành và phát triển

07:15, 08/09/2016

BHG- Chỉ còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Hoàng Su Phì lần thứ VI gắn với Tuần văn hóa du lịch lần thứ II năm 2016 (kế hoạch tổ chức từ 12-14.9). Đây là dịp để huyện tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của huyện đến với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong dịp này huyện Hoàng Su Phì sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập (1.1.1906-2016) và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Đó là niềm tự hào, cổ vũ động viên rất lớn để Đảng bộ huyện vững bước tiếp tục phấn đấu đi lên trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh huyện Hoàng Su Phì hôm nay.
Toàn cảnh huyện Hoàng Su Phì hôm nay.

Trên chặng đường hơn một thế kỷ thành lập và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh. 110 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn biết phát huy nguồn nội lực, ra sức thi đua lập những thành tích đáng khích lệ trong việc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Huyện Hoàng Su Phì được thành lập ngày 1.1.1906 thuộc Tiểu quân khu Hà Giang, tức tỉnh Hà Giang ngày nay. Sau nhiều lần chia tách địa giới hành chính, đến nay huyện Hoàng Su Phì có tổng số 24 xã và 1 thị trấn với 199 thôn bản, trong đó có 4 xã biên giới với tổng chiều dài đường biên là 39,9 km. Đây là nơi định cư lâu đời của 13.353 hộn với 65.426 nhân khẩu thuộc 12 dân tộc chủ yếu gồm: dân tộc Nùng, Dao, Tày, Mông, La Chí... Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi với những cánh rừng nguyên sinh, sông suối, nương chè shan tuyết cổ thụ, đỉnh Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi cao hơn 2.000 m so với mực nước biển và đặc biệt là Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang. Cùng với đó là những lễ hội đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, đây chính là những tiềm năng to lớn để thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện.

Bước vào thời kỳ đổi mới với tinh thần năng động sáng tạo, nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện: Tổng sản phẩm xã hội năm 2015 (không bao gồm xây dựng và thương mại) đạt 969,8 tỷ đồng, tăng 880 tỷ đồng so với năm 2000, thu ngân sách trên địa bàn đạt 62,88 tỷ đồng. Sản lượng lương thực đạt trên 35.640 tấn, bình quân lương thực đạt 551,6 kg/người/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi được đầu tư, cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, toàn huyện có 23/25 xã, thị trấn có đường bê tông, đường nhựa đến trung tâm, 169/199 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn; 100% số xã có trụ sở làm việc 2 hoặc 3 tầng; 177/199 thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa kiên cố, 100%  xã có trạm y tế kiên cố.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm, chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ. Đến nay, toàn Đảng bộ đã có 74 tổ chức cơ sơ Đảng với trên 5 nghìn đảng viên. Tỷ lệ đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm tăng lên. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cửa, một cửa liên thông; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy... Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng tiếp tục đạt được nhiều thành tích mới. Năm học 2015 – 2016, toàn huyện có tổng số 72 trường học thuộc các cấp học từ Mầm non đến THPT, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98,25%. Các chính sách xã hội, an sinh, phúc lợi được triển khai thực hiện kịp thời, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được nâng lên.

Trong chặng đường mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra 3 khâu đột phá là: Đột phá về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác gắn với tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, phát triển đô thị miền núi, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công vụ. Với 6 chương trình trọng tâm: Phát triển thương mại biên giới và dịch vụ, phát triển cây dược liệu, quy tụ dân cư, xây dựng Nông thôn mới, phát triển văn hóa gắn với du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan đơn vị... Trong đó, giải pháp mà huyện đưa ra để thực hiện đó là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai để phát triển nông nghiệp bền vững toàn diện; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu luân canh cây trồng, thâm canh tăng năng xuất nhằm xây dựng, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững, đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM để tạo thế ổn định, vững chắc cho sự phát triển chung của huyện; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá gắn với khai thác tiềm năng du lịch, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội... Cùng với đó, xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ để bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới, chủ quyền biên giới Quốc gia.

Là một huyện anh hùng, được tôi luyện trong chiến tranh, giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, giàu sức sống, sức sáng tạo; trước thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì sẽ luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quang Bình tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 71 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9

BHG - Tối ngày 30.8, huyện Quang Bình long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 – 19.8.2016) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2016). 

31/08/2016
Thủ khoa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội II

BHG - Bố mất sớm, mẹ với gánh rau quả nuôi ba chị em ăn học, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, cô sinh viên Bùi Thị Hà (quê thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang) đã trở thành Thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II.

31/08/2016
Chợ phiên vùng cao: "Bảo tàng sống" về sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông

BHG- Đồng bào dân tộc Mông góp mặt vào danh mục các dân tộc Việt Nam với nhiều nét văn hóa đặc sắc đã làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc Việt, trong đó, không gian sinh hoạt văn hóa chợ phiên là một trong những điểm nhấn độc đáo làm nên nét riêng biệt của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

07/09/2016
Thác Trắng – điểm đến lý tưởng

BHG- Giữa những ngày Hè nóng nực, được tắm mình dưới dòng suối mát, tận hưởng không khí trong lành giữa núi non hùng vĩ chắc hẳn là mong muốn của hầu hết du khách sau quãng đường trải nghiệm Cao nguyên đá Đồng Văn. Nằm cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc hơn 20 km, Thác Trắng thuộc thôn Lũng Vai, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) có vẻ đẹp nguyên sơ; không chỉ là điểm đến lý tưởng của khách du lịch (DL) mà đây còn được xem là tiềm năng mở ra cơ hội thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" ở địa phương. 

07/09/2016