Một đại gia đình 3 lần hiến đất xây trường học và Nhà Văn hóa thôn trên cao nguyên đá Đồng Văn

15:00, 23/08/2016

BHG - Là một trong những gia đình còn khó khăn ở thôn Thào Lủng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc), gia đình ông Vàng Nhìa Pó đông con, cháu. Cả đại gia đình gồm 3 thế hệ (bố, con và cháu) được bà con nhân dân trong thôn biết ơn và cấp ủy chính quyền địa phương ghi công vì đã 3 lần tự nguyện hiến tổng số  400 m2/1.000 m2 đất canh tác của gia đình mình để làm nhà lớp học và nhà văn hóa thôn. Điều đáng nêu ở đây là đại gia đình ông Vàng Nhìa Pó sinh sống ở nơi đá nhiều hơn đất, toàn thôn có tới 90% là đá, đất sản xuất hết sức khan hiếm. Để có đất sản xuất, gia đình ông Pó cũng như bao gia đình khác ở đây phải gùi từng quẩy tấu đất lên núi đổ vào các hốc đá để trồng ngô, duy trì sự sống ở nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt và cực kỳ khó khăn này.

Điểm trường Mầm non Thào Lủng (Pải Lủng, Mèo Vạc) được xây dựng trên diện tích đất hiến tặng của đại gia đình ông Vàng Nhìa Pó được khánh thành kịp thời sử dụng trong năm học 2016 - 2017.
Điểm trường Mầm non Thào Lủng (Pải Lủng, Mèo Vạc) được xây dựng trên diện tích đất hiến tặng của đại gia đình ông Vàng Nhìa Pó được khánh thành kịp thời sử dụng trong năm học 2016 - 2017.

1.000 m2 đất sản xuất của gia đình ông Vàng Nhìa Pó được khai phá từ nhiều đời nay đã nuôi sống cả ba thế hệ của gia đình trong nhiều năm qua. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng việc học hành của các cháu học sinh nơi đây còn khó khăn hơn. Để đến được lớp học, con em của các hộ đồng bào Mông ở thôn Thào Lủng hàng ngày phải đi bộ vượt qua các sườn núi cheo leo với chặng đường gần 4 km. Ngày nắng đã vậy, nhất là những hôm trời mưa, hay cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa Đông nơi Cao nguyên đá thì các em lại càng vất vả hơn gấp bội phần. Để giúp vơi đi những khó khăn của đông đảo các cháu học sinh Tiểu học của thôn Thào Lủng, năm 2003 được sự quan tâm của nhà nước đã có chủ trương đầu tư xây dựng một nhà lớp học cho học sinh Tiểu học thôn. Nhưng khó khăn nhất trong việc để xây dựng trường học thì thôn lại không có quỹ đất. Qua rà soát lại quỹ đất, cấp ủy, chính quyền xã  Pải Lủng đã vận động bà con trong thôn nhượng lại đất cho địa phương để xây dựng trường học cho các cháu. Thấy được sự khó khăn vất vả trong việc đi lại của các cháu học sinh Tiểu học của thôn, là một người con dân tộc Mông ông Vàng Nhìa Pó càng thấu hiểu điều đó và ông đã gương mẫu đi đầu. Chính vì vậy, sau khi bàn bạc và được gia đình ủng hộ, ông đã hiến trên 100 m2 đất để xây dựng trường học cho các cháu trong thôn Thào Lủng. Sau một thời gian xây dựng, ngày các cháu học sinh tiểu học ở thôn Thào Lủng được đi học trong ngôi trường mới, ông Vàng Nhìa Pó vui lắm. Nhìn các cháu không phải đi học xa, súng sính trong bộ quần áo mới đến trường vui như ngày hội và lại được học tập ở ngay trong thôn, người dân thôn Thào Lủng nói riêng và xã Pải Lủng nói chung càng cảm phục tấm lòng nhân ái của ông Vàng Nhìa Pó, đã hy sinh lợi ích cá nhân của gia đình mình vì lợi ích tương lai con em trong thôn.

42 cháu học sinh mầm non được học trong điểm trường mới
42 cháu học sinh mầm non được học trong điểm trường mới

Không dừng lại ở đây, ông Vàng Nhìa Pó còn là người luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Năm 2008, khi huyện Mèo Vạc có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa, giúp bà con nhân dân thôn Thảo Lủng có nơi sinh hoạt cộng đồng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Làm thế nào để có đất xây dựng Nhà Văn hóa lại là những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Pải Lủng. Trên thực tế, tại thôn Thào Lủng chỉ có mỗi gia đình ông Vàng Nhìa Pó là có quỹ đất mặt bằng phù hợp với xây dựng Nhà văn hóa, chính vì vậy cấp ủy, chính quyền xã Pải Lủng tiếp tục vận động gia đình ông bán lại cho xã một phần đất để xây dựng Nhà văn hóa. Thay vì bán đất, ông Vàng Nhìa Pó đã động viên người con trai của mình là anh Vàng Chứ Sò hiến 100 m2 đất để xây dựng Nhà Văn hóa thôn Thào Lủng.

Đầu năm 2016, trong chuyến công tác và thực tế tại thôn của Lãnh đạo Báo Hà Giang, thấy 42 cháu học sinh mầm non của thôn Thào Lủng chưa có lớp học mà phải đi học nhờ ở Nhà văn hóa thôn nhiều năm qua. Tòa soạn Báo Hà Giang l đã kêu gọi Đoàn từ thiện Hải Phòng đầu tư xây dựng cho các cháu học sinh mầm non nơi đây 2 phòng học cùng với đầy đủ các trang thiết bị dạy học và thiết bị vui chơi giải trí. Lại thêm một một lần nữa, ông Vàng Nhìa Pó động viên người cháu nội của mình là anh Vàng Mí Sử hiến tặng hơn 100 m2 đất cho chính quyền địa phương xây dựng điểm trường Mầm non. Không dừng lại ở đó, ông Vàng Nhìa Pó còn tích cực vận động bà con nhân dân trong thôn đóng góp hàng trăm ngày công để san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng và nước để xây dựng điểm trường. Đến thời điểm này, 42 cháu học sinh mầm non của thôn Thào Lủng đã có ngôi trường mới khang trang cùng đủ các trang thiết bị phục vụ học tập, vui chơi giải trí, kịp thời đón các cháu vào năm học mới 2016 - 2017.

Ông Vàng Nhìa Pó chia sẻ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Trước thực trạng trên địa bàn thôn chưa có điểm trường Tiểu học cũng như điểm trường Mầm non, các cháu ở thôn phải đi học rất xa, một phần lại phải học nhờ ở Nhà văn hóa. Trong khi đó Nhà nước đang có chương trình đầu tư xây dựng trường học, xây dựng Nhà văn hóa nên gia đình tôi đã quyết định hiến một phần đất xây trường để cho các cháu nhỏ trong thôn có chỗ học tập, vui chơi, giải trí trong lòng tôi vui lắm. Mặc dù Gia đình tôi chưa làm được gì nhiều, nhưng mới đóng góp một phần tài sản, công sức vào sự nghiệp giáo dục vì tương lai con em của đồng bào thiểu số nơi biên cương của tổ quốc.

Nhờ sự giúp đỡ của đại gia đình ông Vàng Nhìa Pó nên đến nay 100% các cháu học sinh trong độ tuổi của thôn Thào Lủng được đến trường. Các cháu học sinh Tiểu học hay Mầm non ở thôn Thào Lủng luôn được các cô giao và các bậc phụ huynh nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của đại gia đình ông Vàng Nhìa Pó. Khi quỹ đất ở những nơi khó khăn khắc nhiệt này ngày càng bị thu hẹp thì việc làm hiến đất xây trường của gia đình ông Vàng Nhìa Pó càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ông Trần Văn Trấn, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và tấm lòng nhân ái của ông Vàng Nhìa Pó và các anh Vàng Chứ Sò, Vàng Mí Sử - ba thế hệ trong một gia đình đã tình nguyện hiến đất xây dựng trường học, xây dựng nhà văn hóa, vì một ý nguyện tốt đẹp chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của bà con nhân dân các dân tộc thôn Thào Lủng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc). Việc làm cảu Đại gia đình ông Vàng Nhìa Pó thực sự là tấm gương tấm gương sáng, trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cần được nhân rộng trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung./.

BÌNH MINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xét tuyển ĐH đợt 1: Hệ số dôi dư đủ, vẫn thiếu nguồn tuyển

Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học (ĐH), nhiều trường ở tốp trên công bố thiếu nguồn tuyển và tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Nhiều dự báo cho rằng câu chuyện thiếu nguồn tuyển sẽ tái diễn vào năm sau với một số trường.

23/08/2016
Yên Minh tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc Cờ Lao năm 2016

BHG- Ngày 21.8, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Yên Minh tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc Cờ Lao năm 2016 tại xã Mậu Duệ. Ông Đặng Đình Nhiêu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh làm Trưởng BTC Lễ hội.

22/08/2016
Chi hội khuyến học đồng hương Thanh Hóa vinh danh và trao thưởng học sinh đạt thành tích cao năm học 2015 – 2016

BHG- Ngày 21.8, Chi hội khuyến học đồng hương Thanh Hóa tại Hà Giang tổ chức Lễ vinh danh và trao thưởng cho các cháu học sinh đạt thành tích cao trong năm học 2015 – 2016.

22/08/2016
Sôi động thị trường Sách giáo khoa năm học mới

BHG - Gần đến năm học mới là thời điểm các bậc phụ huynh gấp rút mua sách giáo khoa (SGK) cũng như đồ dùng học tập cho con em. Tuy nhiên, không phải đến gần ngày tựu trường mà thị trường sách đã được hâm nóng ngay từ tháng 6 do tâm lý của các bậc cha mẹ mua sách để cho con học hè và tự tìm hiểu. So với những năm trước, thị trường SGK, đồ dùng học tập năm nay tương đối ổn định về giá cả cũng như chất lượng.

20/08/2016