Thiên Hương - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn trên Cao nguyên đá

07:08, 16/07/2016

BHG- Đồng Văn là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây hấp dẫn du khách thập phương bởi nhiều điểm đến thú vị như: Dinh thự nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng, Phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú...  Nhưng có một điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn mà ít nhiều du khách “lãng quên” đó là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương (thị trấn Đồng Văn) với nhiều nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vẻ đẹp nên thơ, bình dị với những ngôi nhà trình tường cổ kính của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương.
Vẻ đẹp nên thơ, bình dị với những ngôi nhà trình tường cổ kính của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5 km về phía Đông bắc. Thôn là nơi cư trú của 43 hộ dân tộc Tày, Nùng, Giấy; trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với trên 200 khẩu. Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Lương Đình Ninh, thì cộng đồng người Tày, Nùng đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Hiện nay, các gia đình vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc mình, thể hiện trong các Lễ hội, trang phục, ẩm thực cũng như tập quán sinh hoạt hàng ngày.

Đến Thiên Hương, du khách sẽ có ấn tượng bởi một không gian xanh giữa bốn bề núi đá, mà nổi bật trong đó là quần thể cây đa cổ thụ có niên đại trên 100 tuổi nằm ngay đầu thôn. Tháng 5.2015, 4 cây đa trong quần thể được công nhận là cây di sản, có tuổi đời từ 700 – 750 năm tuổi. Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, nhưng khi vừa đặt chân đến nơi đây không khí bỗng dịu mát hẳn, những bon chen, xô bồ của cuộc sống ngoài kia dường như đã được bỏ lại phía sau. Ẩn mình giữa quần thể cây đa là Miếu thờ thần Lâm của người dân địa phương. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, khi những cây ngô, cây lúa đã lên xanh ngoài đồng ruộng, bà con dân bản trong làng lại nô nức chuẩn bị để cúng thần Lâm. Lễ vật cúng bao gồm nhiều sản vật địa phương và những món ăn truyền thống như thịt lợn đen, thịt gà địa phương, xôi nếp nương và các loại bánh do bàn tay khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Tày, Nùng làm ra.

Vào ngày chính lễ, gái, trai, người già, người trẻ ai nấy đều dậy từ rất sớm, sửa soạn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, trên tay mang theo lễ vật đến khu vực miếu thờ. Lễ cúng Thần Lâm được diễn ra hết sức trang trọng, mang đậm những nét nguyên bản của một Lễ hội tâm linh của đồng bào nơi đây nhằm cầu cho bản làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, người người mạnh khỏe. Sau khi thầy cúng hoàn thành phần nghi lễ, bà con dân dân bản sẽ thưởng thức ẩm thực ngay tại miếu thờ. Du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân nơi đây, uống chén rượu ngô men lá Thiên Hương thơm lừng và hòa mình vào những làn điệu Then, Cọi, hát đối giao duyên mượt mà, sâu lắng.

Quần thể cây đa di sản nằm ngay đầu thôn Thiên Hương.
Quần thể cây đa di sản nằm ngay đầu thôn Thiên Hương.

Bước chân qua cửa ngõ Thiên Hương, đường vào các hộ nay đã được bê – tông sạch sẽ với những ngôi nhà trình tường ấm áp xen lẫn giữa màu xanh của ngô, lúa và khung cảnh núi rừng hùng vĩ, nên thơ. Nhà trình tường là một nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của Thiên Hương. Những ngôi nhà trình tường ở đây hầu hết đều là nhà cổ trên 100 năm, được dựng trên nền đất bằng phẳng, có thế tựa vào núi, tường nhà làm bằng đất nện, lợp mái ngói âm dương, các vì kèo và cửa được làm bằng gỗ. Nhà có 3 gian chính và 2 cửa ra vào. Xung quanh nhà có hàng rào đá chắc chắn và trồng nhiều cây như đào, mận, lê, tạo nên kiến trúc nhà ở độc đáo của đồng bào trên Cao nguyên đá. Thôn hiện có 11 hộ làm dịch vụ phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ của du khách ngay tại những ngôi nhà trình tường cổ kính của mình. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ dân gian độc đáo do đội văn nghệ của thôn biểu diễn; cùng tham gia các trò chơi truyền thống và thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng của đồng bào nơi đây như: Thịt treo gác bếp, thịt hun khói, cá suối nấu măng chua, xôi nếp nương, cơm lam, bánh “thảm bẻ”... Những món ăn đặc trưng cùng với mùi thơm của các loại gia vị, hòa quện trong khung cảnh hùng vĩ, nên thơ của  miền Cao nguyên đá chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Đến Thiên Hương để hòa mình vào nhịp sống thanh bình, yên ả của rẻo cao. Bước chân lên những ngôi nhà trình tường ấm áp nằm nép mình dưới chân núi Pố Lổ, bên bếp lửa ấm cúng cùng gia chủ thưởng thức những sản vật thôn quê bình dị và uống chén rượu ngô men lá thơm lừng, chắc chắn sẽ làm vương vấn bước chân du khách khi đã một lần đến với Thiên Hương... 

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đường Hạnh Phúc, con đường dẫn đến "trái tim" của đá

BHG- Trên trái đất, chỗ nào có những bước chân con người, chỗ đó có đường. Con đường trở nên bình dị, nó là sản phẩm của một quá trình phát triển của xã hội. Nhưng, ở Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), con đường lại trở thành một di sản, di sản của quá trình chinh phục đá bằng tinh thần đoàn kết, bằng ý chí của con người. Để từ đó, tạo ra một con đường dẫn đến "trái tim" của đá – đường Hạnh Phúc trên CNĐĐV.

30/06/2016
Quang Bình đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch

BHG- Nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 279, huyện Quang Bình nối liền với các điểm du lịch nổi tiếng như Bảo Yên, Bắc Hà, Sa Pa của tỉnh Lào Cai; khu du lịch Panhou của huyện Hoàng Su Phì và các làng du lịch cộng đồng của huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 

30/06/2016
"Start up" ở Bản Tùy

BHG - "Start up" nghĩa là sự khởi nghiệp, một phong trào đang nở rộ hiện nay. Nói đến "start up" là nói đến sự khởi đầu từ đôi bàn tay, khối óc và khát vọng làm giàu. Đến Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang những ngày Hè này, có thể cảm nhận được quyết tâm của anh Triệu Quang Lý, người nông dân đang quyết tâm "start up" từ hồ sen giữa chốn sơn thủy hữu tình.

13/07/2016
Hội thảo "Các nhà văn khu vực Sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống"

BHG - Ngày 12.7, Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn sông Chảy và Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Các nhà văn khu vực Sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống". Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì hội thảo. Đến dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo hội viên.

12/07/2016