Những người sống mãi

07:09, 27/07/2016

BHG- Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa 37 năm. Nhưng câu chuyện về những con người đã hy sinh vì cuộc chiến ấy chúng ta không bao giờ được quên, bởi trong mỗi tấc đất biên cương, họ đã hiến dâng xương máu, cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ, giữ gìn.

Minh họa: PHƯƠNG THẢO
Minh họa: PHƯƠNG THẢO

Những ngày đầu tháng 7 này, anh em cựu chiến binh chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa - nơi đã từng diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt của bộ đội ta chống lại xâm lấn biên giới của địch tại Mặt trận huyện Vị Xuyên, những năm 1979 - 1989, để được thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đồng đội, và cũng là lòng tri ân các anh đã lấy thân mình che chở chúng tôi, các anh đã hóa thành những cột mốc đường biên cho đất nước này mãi mãi bình yên. Con đường từ thành phố Hà Giang lên Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy dài 20 km nay đã rộng mở, trải nhựa áp phan, xe bon bon nhộn nhịp. Hai bên đường là một màu xanh trù phú của rừng, của những thửa ruộng lúa, ngô... Trong những năm 79, 80 của thế kỷ trước, tuyến đường này cày lên đất đá, gập gềnh những vết đạn pháo của kẻ thù; chỉ có những chuyến xe chở hàng, xe quân sự chở đạn, lương thực, thực phẩm, những đoàn dân công đi trong đêm phục vụ cho chiến trường Vị Xuyên với những địa danh khói lửa: Làng Pinh, Hang Dơi, Cóoc Nghè, Đồi Đài, Đồi Cô Ích, Pa Hán...

Từ ngã ba Thanh Thủy ngược lên phía Bắc khoảng hơn 20 cây số là đến các xã biên giới rẻo cao Xín Chải, Lao Chải, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày... sinh sống và một số thôn biên giới của xã biên giới Thanh Thủy...; trong thời kỳ chiến tranh biên giới chỉ là đường mòn, hay những đoạn đường mở vội, đường cụt, nay đã được mở mới, trải nhựa hoặc bê-tông đi lại thuận lợi. Trên đường, chúng tôi gặp những người dân đi lại bằng xe máy vượt dốc, cua đèo rất tự tin... Cảm nhận về sự đổi mới của một vùng cao biên giới Vị Xuyên sau hơn 30 năm chiến tranh, lòng chúng tôi thật bồi hồi xúc động!

 Cùng đi với chúng tôi có Thượng tá Nguyễn Đình Tác, Trưởng Ban khoa học quân sự, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, kiêm hướng dẫn viên. Vượt qua những đoạn đường nhựa ngoằn nghèo, chênh vênh, hẹp, thỉnh thoảng có chỗ mặt đường bị vỡ, đọng lại đất bùn do mưa lũ xói lở, xe ô tô vẫn đến được chân cao điểm 468, điểm tiếp giáp với các cao điểm 772, 685, 1509 - nơi đây bộ đội ta làm điểm tập kết, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến công địch lấn chiếm biên giới. Đứng trên cao điểm 468 có thể quan sát được cả một khoảng không gian rộng lớn của các cao điểm trên đường biên giới - nơi đã diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt, ngoan cường, dũng cảm của bộ đội ta chống quân địch lấn chiếm sâu vào biên giới từ những năm 1979 đến năm 1989.

Đây rồi! Vẫn địa hình năm xưa. Vẫn những ngọn núi cao mây bao phủ. Vẫn miệng hàm hổ dằn dữ phía điểm cao 772, những dãy núi giống cánh tay chỉ ngang trời như phân định bờ cõi. Vẫn con suối Nặm Ngặt của người Dao, chảy từ đỉnh 1509 biên giới, nhẩn nha xuôi về cuối xã Thanh Thủy để đổ ra Sông Lô về xuôi. Vẫn còn đây những hầm bê-tông chữ A, cốt sắt hở ra hoen rỉ, một thời là mái nhà cho tổ ba người, tiểu đội, trung đội sống chung, họ đã làm điểm tựa để vượt lên những trận mưa pháo, đạn của quân địch và những trận đánh phản kích, tiến công của đồng đội tôi bảo vệ biên giới... Sự khốc liệt của chiến tranh tàn phá, mà hơn 30 năm sau, quanh các cao điểm, độ xanh của đồi núi cũng chưa phủ được là bao, bởi bom, mìn của ta, địch gài trong chiến đấu quá dầy đặc, cây cỏ, dây leo mọc um tùm, đường đi lối lại, khe suối cũng biến đổi, sơ đồ thất lạc... nên cũng gặp nhiều khó khăn cho các đợn vị bộ đội dò gỡ mìn, giải phóng đất cho đồng bào các dân tộc sản xuất và trồng rừng. 

Theo chỉ dẫn của anh Tác, chúng tôi lên thắp hương tại Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, được dựng trên đỉnh điểm cao 468 thuộc xã biên giới Thanh Thủy, Vị Xuyên, do Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên khởi xướng từ tấm lòng đóng góp xây dựng của các cựu chiến binh Sư đoàn 356, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên và nhiều cơ quan, đoàn thể, đơn vị, các nhà hảo tâm trong cả nước, tỉnh Hà Giang, ủng hộ kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Trước khi xây dựng Nhà tưởng niệm này, thể theo nguyện vọng của các cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng, tại chân điểm cao 468 đã xây dựng một Đài hương để tưởng niệm các các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại các điểm cao trong chiến đấu. Hiện nay Đài hương vẫn được đặt nguyên tại vị trí cũ.

Nhà Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên được cắt băng khánh thành sáng 25.6 2016. Ngôi nhà thiết kế 3 gian, có điện thờ chính giữa và các gian thờ cạnh... với tổng kinh phí trị giá trên 6 tỷ đồng. Ngôi nhà mang đậm nét văn hóa đền, chùa tâm linh truyền thống Việt Nam; lưng tựa vào núi, thế tả long, hữu hổ... Đây là công trình thể hiện lòng khát khao của đồng đội và nhân dân, xin được tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương để bảo vệ biên cương Tổ quốc; đồng thời cũng là nơi để hương hồn các liệt sĩ “hội tụ” theo tâm linh, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam và đồng bào cả nước đến dâng hương.

Thật ngẫu nhiên, chúng tôi được gặp chị Lê Thị Hải Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn - đầu tư - xây dựng Giang Phú, thành phố Hà Giang, đơn vị thi công Nhà tưởng niệm, cho biết: Nhà tưởng niệm có được là nhờ tình cảm cảm động của các cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng, do ông Đỗ Văn Nghiêm, Trưởng Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên, hiện ở Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đứng ra tổ chức, vận động, sau chuyến thăm, gặp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 356 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2014. Hưởng ứng nghĩa cử này, ông Nguyễn Công Chiến, cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng đã ủng hộ 1,4 tỷ đồng. Tiếp theo là rất nhiều tập thể, cá nhân là cựu quân nhân, cán bộ, nhân dân trong cả nước và tỉnh Hà Giang quyên góp ủng hộ xây dựng, để kịp hoàn thành nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  27.7. Với uy tín và trách nhiệm cao trong xây dựng một số công trình có ý nghĩa văn hóa tâm linh, Giám đốc Lê Thị Hải Châu đã lăn lộn với nhiệm vụ được giao, chị coi đây là niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm, với quyết tâm rất cao để tổ chức thi công đúng thời gian, bảo đảm chất lượng tốt. Được mục sở thị, chúng tôi mới thấy công việc thi công Nhà tưởng niệm gian nan, vất vả như thế nào. Phải tạo mặt bằng Nhà từ một cao điểm độ cao 468 mét so mặt nước biển, đường vận chuyển cát xây, đá hộc, gạch, xi-măng, sắt thép, gỗ đường kính lớn, có những phiến đá nặng hàng tấn lên vv..., trong khi đó đường ô-tô mở đến cao điểm hẹp, dốc cao, cua nhiều, bên ta-luy dựng đứng, bên vực sâu... Nhưng với tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, giám đốc Lê Thị Hải Châu đã ngày đêm bám công việc, liên hệ cùng với các cấp, ngành, cơ quan; đặc biệt là đại tá Đoàn Quốc Việt, Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang rất quan tâm, chỉ đạo tích cực bộ đội công binh đến cao điểm dò gỡ mìn để kịp thi công và còn ủng hộ công trình tri ân 500 triệu đồng. Những người tham gia thi công công trình đã không quản ngày đêm, mưa lạnh, thời tiết không thuận lợi để hoàn thành công việc. Đặc biệt là  ban đầu thi công chủ yếu bằng phương pháp thủ công, như : Khoan phá đá, vận chuyển vật liệu đều bằng tay... vì cao điểm không thể đưa cơ giới lên được... Chỉ trong vòng 3 tháng thi công, công trình Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên có diện tích 1.500 m2 đã được cắt băng hoàn thành đúng thời gian, chất lượng được đánh giá tốt, đẹp, trong sự vui mừng, chứng kiến của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, một số đơn vị bộ đội tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên và nhân dân trong vùng; đã thắp lên niềm tin, lòng biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú không tiếc tuổi thanh xuân của mình bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Thật may mắn trong chuyến đi, chúng tôi được hòa vào tình cảm của những cựu chiến binh, cán bộ của Đoàn đại biểu UBND tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu và Đoàn đại biểu của UBND tỉnh Hà Giang, do đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đến dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7. Những bó hoa cúc vàng, cúc trắng được đặt trang trọng trên bàn thờ, gợi lại cho chúng tôi một liên tưởng đầy cảm động: Ngày ấy các anh ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương chỉ ở tuổi mười tám, đôi mươi, tâm hồn trong trắng, vơi bao ước mơ khát vọng của tuổi trẻ, như những bông hoa cúc kia... Giờ các anh đã hòa vào mảnh đất này thành những màu xanh của cỏ cây, hoa lá, những nương lúa, nương ngô vàng ngọt che chở, nuôi sống đồng bào... Cảm động biết bao khi chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Đình Tác kể về những trận đánh lịch sử, anh dũng, kiên cường của bộ đội ta giai đoạn 1979-1989, đặc biệt những năm 1984-1985 tại các điển cao 1509, 772, 685... Mặt trận Vị Xuyên, với sự tham gia của con em hơn 50 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó có nhiều con em tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng vv... đã ngã xuống, đến nay còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nhà nước, gia đình, đồng đội... nhiều năm nay đi tìm các anh, nhưng núi cao, vực sâu, rừng rậm, khe suối chênh vênh, bom mìn... cài lại dày đăc. Với sự quyết tâm rất lớn của Nhà nước, cơ quan, đơn vị và đồng đội, nhiều liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên.

Hôm khánh thành Nhà tưởng niệm, có một cụ bà đã trên 80 tuổi, quê Vĩnh Phúc, lên Mặt trận Vị Xuyên để đến tận nơi con mình hy sinh, nay chưa tìm được hài cốt; phòng khi cụ về với tổ tiên thì cũng an lòng. Nhưng điều mong mỏi khát khao đó của cụ rất tiếc anh em đồng đội của con trai cụ và bộ đội Hà Giang không thực hiện được, vì vị trí ấy cao điểm 685, 772 hiện nay còn hàng ngàn quả mìn cũ gài lại đang tiếp tục phá. Cụ đã đứng lặng, từ Nhà tưởng niệm nhìn sang ngọn núi cao điểm 685 sương đang giăng, mây trắng bay vần vũ.  Nước mắt cụ chảy dài... Mọi người bên cụ không ai cầm được nước mắt... Không biết có phải tâm linh hay không, trời đang sáng bỗng đổ mưa, những hạt mưa nhè nhẹ đọng lại trên mái tóc bạc của cụ như sự chia sẻ tình cảm của người con với mẹ mình...

Từ Nhà tưởng niệm phóng tầm mắt nhìn ra phía trước là các cao điểm 1509 mây phủ mịt mù, bên dưới là bình độ 600; phía trên bên phải là bình độ 1300, 1200, thấp theo hình cánh cung là các cao điểm 772, 685... thuộc xã biên giới Thanh Thủy... Nơi đây đã diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt, ngoan cường và dũng cảm của quân ta với quân xâm lược, ngày 12.7.1984, bộ đội ta giành giật lại từng góc chiến hào, từng tấc đất của Tổ quốc, và kéo dài gần 10 năm (1979 – 1989), với nhiều sư đoàn tham gia như: Sư đoàn 313, Sư đoàn 316 ; Sư đoàn 356, Sư đoàn 322, 314... các Trung đoàn, lữ đoàn độc lập... Đặc biệt điểm cao 772, 685, 1509 bộ đội ta đã đánh tiến công, phòng ngự hàng trăm trận, tiêu diệt rất nhiều sinh lực, vũ khí, trang thiết bị của địch, làm cho quân địch vô cùng hoảng sợ, hoang mang một thời gian dài... Hai cao điểm 772, 685 đã có 2 cá nhân và 1 tập thể được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại...

Chúng tôi được biết, ngày khánh thành Nhà tưởng niệm tại cao điểm 468, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, nhiều tướng lĩnh, quan chức các tỉnh, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, văn nghệ sĩ trong nước, nhà hoạt động xã hội, nhà sư vv... đã đến đây thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên và tặng quà. Đặc biệt ngày khánh thành Nhà tưởng niệm, anh thương binh tên Khôi, cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng, bị thương tại Mặt trận Vị Xuyên, mù cả hai mắt, cụt một chân, vẫn vượt hàng trăm cây số lên đây để thắp hương tri ân nghĩa tình đồng đội... Ông Lê Chí Hiệp, năm nay trên 70 tuổi, nguyên là nhà giáo, quê gốc xã Đông A, Đông Hưng, Thái Bình, đã lập nghiệp ở Hà Giang hàng chục năm nay; là bố của Giám đốc Lê Thị Hải Châu - đơn vị thi công Nhà tưởng niệm, ông tâm sự: Tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân nói bao nhiêu cũng chưa đủ. Làm một việc gì dù nhỏ nhất nếu được để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ thì hãy làm. Bản thân tôi thấy con gái nhận thi công công trình có ý nghĩa này, tôi nói với con cho tôi lên công trình đã 3 tháng nay để giúp anh em lo công việc hàng ngày đón khách đến, quét dọn nhà cửa, hương khói Nhà tưởng niệm... Ông kể cho chúng tôi câu chuyện về tình đồng đội của 8 chiến sĩ Sư đoàn 356, hôm lên khánh thành Nhà tưởng niệm, được biết liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng của mình đã hy sinh tại cao điểm 772, nay chưa được đưa về quê hương do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; anh em đã lo chu tất việc đưa hài cốt Thủ trưởng của mình về quê hương Quảng Bình vv... Kể hết sao được những tình cảm, tấm lòng, sự tri ân của tình đồng đội, tình nghĩa quân dân, tình cảm kính trọng những người con ưu tú đã chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình để bảo vệ biên cương Tổ quốc, cho đất nước mãi mùa xuân. Trong tâm khảm chúng ta, họ là những người sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân Việt Nam.

Tạm biệt đồng đội! Tạm biệt các anh hùng liệt sĩ trên Mặt trận biên giới Vị Xuyên, chúng tôi ra về khi trời bắt đầu buông màn sương từ từ phủ lên các cao điểm, giống như tấm chăn đời thường hàng ngày khi còn sống các anh vẫn đắp. Nhìn các cao điểm mờ dần rồi khuất hẳn trong sương mây, ấy là lúc các anh - đồng đội của chúng tôi vào giấc ngủ. Các anh hãy yên giấc ngủ! Biên giới giờ đã phân định có sách trời chứng giám. Chúng tôi, những đồng đội của các anh và nhân dân, luôn luôn ở bên cạnh các anh. Chúng tôi biết nếu kẻ thù bội ước sách trời sẽ không tha. Tổ quốc ta sẽ không tha. Nhân dân ta sẽ không tha. Và lời thề đánh giặc bảo vệ biên giới Tổ quốc sẽ vang lên: “Sống bám đá - chết hóa đá - bất tử”*!

Vị Xuyên, tháng 7. 2016* Lời khắc vào báng súng AK trên điểm cao 685 của liệt sĩ, AHLLVT nhân dân - Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, 3 lần bị thương vẫn chỉ huy chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên.

Bút ký: Đặng Quang Vượng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ Giáo dục chuyên nghiệp năm học 2016-2017

BHG- Sáng 26.7, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ giáo dục chuyên nghiệp năm học 2016-2017. 

26/07/2016
Lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch phát triển du lịch Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn và TPHG đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

BHG - Chiều 25.7, tại Hà Nội, UBND tỉnh và Công ty Mckinsey&Company Việt Nam tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch phát triển du lịch Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn và TPHG đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Trưởng BCĐ Tây Bắc; Hoàng Bình Quân, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư; Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang; lãnh đạo Văn phòng T.Ư Đảng. Phía Công ty Mckinsey&Company có ông Marco Breu, Tổng Giám đốc Công ty. 

26/07/2016
Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình 6 tháng đầu năm

BHG- Ngày 22.7, Sở VH,TT&DL tổ chức hội nghị sơ kết công tác VHTT&DL và gia đình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng một số sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố tham dự hội nghị. 

22/07/2016
Huyện Bắc Quang tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý trường học

BHG- Từ ngày 12 đến 20.7, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang, Hội đồng thi tuyển và Sát hạch chức danh cán bộ quản lý trường học huyện Bắc Quang đã tổ chức đợt thi thứ 3, bổ nhiệm các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó tại các cấp học trên địa bàn huyện.

22/07/2016