Giới thiệu sách mới:

THẠCH TRỤ HUYẾT (*)

17:36, 08/07/2016

 

BHG - Mới đây, Nhà văn Nguyễn Trần Bé, Hội VHNT tỉnh Hà Giang, vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Thạch Trụ Huyết, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, dày 300 trang. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn, đoạt giải Ba “Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ Tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011 - 2015)”.

  Tiểu thuyết được hình thành từ một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, kể về bạo chúa Sùng Chứ Đa (còn gọi là Sùng Chúa Đà) và cái cột đá treo người do hắn dựng lên, cách đây đã hàng trăm năm, ở xã Đường Thượng (ngày xưa gọi là thung lũng Sủng Pả), huyện Yên Minh. Chuyện kể rằng: Sùng Chứ Đa là thủ lĩnh quyền lực và giầu có nhất vùng, nhưng cũng man rợ, độc ác nhất vùng. Hắn nghĩ ra kiểu hành hình hết sức dã man đối với những người mà hắn quy là có tội bằng cách treo họ lên cột đá (giống như ôm cột) cho đến lúc chết trong tận cùng đau đớn. Nhưng kết cục thì cái ác cũng bị triệt tiêu. Sùng Chứ Đa đã bị đánh đổ cùng với cái cột đá khủng khiếp kia!

   Đã có khá nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa… đến Đường Thượng để nghe chuyện, nghiên cứu và nhìn tận mắt, sờ tận tay cái cột đá, rồi từ đấy viết ra những bài báo, bài nghiên cứu và các tác phẩm văn học về bạo chúa Sùng Chứ Đa cùng cái cột đá hãi hùng ấy. Nhà văn Nguyễn Trần Bé là người đã đến Đường Thượng nhiều lần để “mục sở thị” cái “cột đá tử thần” đó và nghe người già kể những câu chuyện kinh hồn về bạo chúa Sùng Chứ Đa.

  Thạch Trụ Huyết nghĩa là Cột Đá Máu - biểu hiện của sự chết chóc, bi thương, khiếp đảm, dã man do một tên bạo chúa ở cái thời mông muội gây ra.

  Thạch Trụ Huyết là cuốn tiểu thuyết viết về câu chuyện trên, theo quy luật Nhân - Quả, trên cơ sở khai thác tất cả mọi khía cạnh cuộc sống của tộc người Mông trên Cao nguyên đá từ hàng thế kỷ trước cho đến ngày hôm nay, với những nét văn hóa độc đáo, những hủ tục kỳ bí, những tập quán không dễ gì gạt bỏ…

  Tiểu thuyết Thạch Trụ Huyết chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và hư cấu nghệ thuật mặc dù nó được lấy một phần chất liệu từ câu chuyện có tính truyền thuyết nêu trên.

  Nhưng Cột Đá Máu và bạo chúa Sùng Chứ Đa cũng chỉ là cái cớ để người viết nêu lên một thông điệp: Cái ác luôn tồn tại trong đời sống con người, ở trong mỗi chúng ta. Vì vậy hãy luôn cảnh giác với cái ác; hãy đấu tranh chống lại cái ác khi nó mới manh nha; đồng thời phải biết bao dung, độ lượng với những con người đã từng làm điều ác, để qua đó cải tạo cái ác. Hãy lấy cái thiện để chế ngự, hóa giải cái ác chứ đừng bao giờ lấy cái ác để chống lại cái ác, vì như vậy cái ác sẽ ngày càng chồng chất, khốc liệt và nặng nề thêm. Tất cả không gian, bối cảnh, tình huống, diễn biến, nhân vật… trong tiểu thuyết Thạch Trụ Huyết đều nhằm chuyển tải thông điệp đó.

  Đọc xong cuốn sách, người đọc có thể tiếp tục nghĩ về những điều được tác giả gửi gắm và tự tìm ra cái kết cho riêng mình./.

                                                                             Người đọc sách

 (*) Bạn đọc có nhu cầu mua sách xin liên hệ trực tiếp với tác giả theo một trong hai số điện thoại: 0912606062 - 0986606464.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch

BHG- Nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 279, huyện Quang Bình nối liền với các điểm du lịch nổi tiếng như Bảo Yên, Bắc Hà, Sa Pa của tỉnh Lào Cai; khu du lịch Panhou của huyện Hoàng Su Phì và các làng du lịch cộng đồng của huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 

30/06/2016
Văn hóa tộc người gắn với phương thức sản xuất trên Cao nguyên đá

BHG- "Thổ canh hốc đá" (TCHĐ), phương thức sản xuất độc đáo không chỉ phản ánh cuộc sống vô vàn khó khăn, vất vả mà còn là bức tranh phản chiếu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn. Họ gùi đất, xếp đá thành nương, chăm sóc mỗi ngày để những hạt ngô được nảy mầm xanh tốt. Trải qua bao thế hệ, phương thức sản xuất độc đáo ấy đã được Bộ VHTT&DL vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

30/06/2016
Đường Hạnh Phúc, con đường dẫn đến "trái tim" của đá

BHG- Trên trái đất, chỗ nào có những bước chân con người, chỗ đó có đường. Con đường trở nên bình dị, nó là sản phẩm của một quá trình phát triển của xã hội. Nhưng, ở Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), con đường lại trở thành một di sản, di sản của quá trình chinh phục đá bằng tinh thần đoàn kết, bằng ý chí của con người. Để từ đó, tạo ra một con đường dẫn đến "trái tim" của đá – đường Hạnh Phúc trên CNĐĐV.

30/06/2016
Đêm giao lưu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương

BHG - Tối 28.6, tại Trung tâm Văn hóa – Triển lãm tỉnh (TP. Hà Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh tổ chức Đêm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương gắn với chào mừng Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 và kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001-2016)…

29/06/2016