Hà Giang

Chuông Chùa Bình Lâm Bảo vật Quốc gia

07:19, 12/11/2015

BHG- Chuông chùa Bình Lâm hiện lưu giữ tại Chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30.12.2013.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thẩm định Chuông chùa Bình Lâm.
Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thẩm định Chuông chùa Bình Lâm.

Trên thân chuông có 3 chữ Hán lớn: “Phụng Tam bảo” với ý nghĩa phục vụ công việc nơi cửa Phật (Tam Bảo). Chuông do Thủ lĩnh Nguyễn Anh - Người đứng đầu địa phương cùng với vợ và các lão ông, lão bà, thiện nam, tín nữ góp tiền của đúc vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng Ba năm Ất Mùi (1295) và được lưu giữ cho tới nay.

Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm (quai chuông cao 17cm, thân cao 84cm) nặng 193 kg. Quai Chuông đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau, mỗi rồng có 2 chân, mỗi chân có 4 móng sắc nhọn quắp chặt xuống nóc chuông. Thân rồng mập mạp, chắc khỏe, uốn cong tạo thành núm treo chuông, đỉnh quai chuông trang trí hình búp sen vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.

Thân chuông trang trí 6 núm gõ được bố trí thành 2 tầng, tầng thứ nhất ở dưới đế chuông có 2 núm đối xứng cách đều nhau 78cm. Tầng thứ 2 có 4 núm tạo thành 2 cặp đối xứng qua trục trung tâm của thân chuông, các núm này cách đều nhau 39cm. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 6 cm. Đường viền xung quanh mỗi núm có 13 cánh sen đều đặn. Thân chuông được chia làm 2 phần: 4 ô chữ nhật đứng ở phía trên và 4 ô chữ nhật nằm ở phía dưới. Giữa các ô chữ nhật đứng là 5 đường gờ nổi chạy song song với nhau từ trên xuống dưới. Vuông góc với 5 đường gờ nổi chạy dọc thân chuông này, ở trên nóc, giữa thân và đế chuông là các đường gờ nổi cũng chạy song song với nhau phối hợp với các gờ nổi dọc tạo thành những ô chữ nhật trên thân chuông. Các ô chữ nhật này được bao quanh bởi những gờ đúc nổi rất thanh thoát và chắc khỏe. Trong lòng 4 ô chữ nhật đứng phía trên có khắc bài minh gồm 309 chữ Hán; 4 ô dưới hình chữ nhật nằm ở phía dưới để trơn, không có hoa văn hay ký tự nào. Vành miệng chuông loe ra, được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn 45 cánh sen nhỏ có kích thước bằng nhau tạo cho đế chuông vừa vững chắc, vừa mềm mại nhưng vẫn mang nặng ý nghĩa Phật học thông qua hình tượng hoa sen.

Có thể nói: Chuông chùa Bình Lâm là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn. Đây là quả chuông thời Trần - một trong những quả chuông có niên đại sớm nhất được biết ở Việt Nam và là một Bảo vật quý hiếm của nước ta nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng.

Đây là một Đại hồng chung với kích thước lớn, được đúc nguyên khối bằng chất liệu đồng tốt tạo nên thanh âm sống động, vang xa. Hình dáng thanh nhã với các ô hộc bố trí hài hòa, cân đối, đặc biệt là các hoa văn trang trí với những nét chạm khắc độc đáo, tinh xảo mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thời Trần; điều đó cho thấy, trình độ đúc chuông của cha ông ta đã đạt đến đỉnh cao. Bài minh trên chuông là một văn bản gốc thời Trần, thông qua đó chúng ta biết được thái độ trân trọng của người địa phương miền núi với Vua Trần thứ 5 (Trần Anh Tông). Thông qua vị thủ lĩnh Nguyễn Anh - người thay mặt triều đình cai quản một địa phương “rất sùng đạo phật, đã bỏ tiền của xây dựng chùa, đúc chuông” cho ta thấy Vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước những yêu cầu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Nội dung minh văn càng khẳng định thêm tính ứng dụng rộng rãi của chuông trong Tam giáo, thể hiện thêm một nét văn hoá dung hợp tam giáo: Nho, Phật, Đạo của thời Trần. Cũng thông qua bài minh trên chuông, ta thấy rõ hơn sự đóng góp to lớn của triều Trần đối với công cuộc hoằng truyền chánh pháp, đồng thời đánh dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo nước nhà. Đây là nguồn sử liệu quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung.

Ngày 24.9.2015, Sở VHTTDL và UBND huyện Vị Xuyên ban hành Quy chế phối hợp số 10/QCPH-VHTTDL-UBND “Quy chế phối hợp Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia Chuông Chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện vị Xuyên, tỉnh Hà Giang” nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đối với Bảo vật Quốc gia này.

Bùi Đức Tân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vai trò của Nghệ nhân dân gian trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Bắc Mê

BHG- Nghệ nhân dân gian (NNDG) là những người nắm giữ những vốn tri thức dân gian, có năng khiếu, hiểu biết; có năng lực sáng tạo và truyền dạy về một hay nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa dân gian (VHDG). Đối với công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có thể khẳng định vai trò của các NNDG hết sức quan trọng. 

11/11/2015
Mèo Vạc, điểm đến lý tưởng

BHG- Mặc dù không phải địa bàn chính diễn ra Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2015, nhưng chắc chắn du khách sẽ tiếc nuối nếu không ghé thăm Mèo Vạc. Bởi nằm giữa vùng lõi Công viên ĐCTC-CNĐ Đồng Văn, Mèo Vạc không chỉ thừa hưởng nhiều di sản địa chất, văn hóa độc đáo mà từ sự kết hợp hài hòa giữa núi rừng trùng điệp với loài hoa Tam giác mạch kiêu sa, cùng với nghệ thuật tạo hình của những người nông dân đã tạo nên "bức tranh" thiên nhiên tuyệt mỹ.

11/11/2015
Tam giác mạch vẻ đẹp nơi cơ quan, đơn vị, trường học

BHG- Trong mấy năm gần đây, việc triển khai trồng hoa Tam giác mạch là một chủ trương đúng đắn nhằm thu hút du khách đến với các địa phương trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

11/11/2015
Yên Minh khoe sắc Tam giác mạch

BHG- Từ xã Na Khê đến các xã Lao Và Chải, thị trấn Yên Minh, Hữu Vinh, Mậu Duệ - những địa phương dọc tuyến Quốc lộ 4C thuộc địa phận huyện Yên Minh, những thảm hoa Tam giác mạch (TGM) đang bước vào thời kỳ đẹp nhất. Nhiều vạt núi, hoa Tam giác mạch phủ kín một màu trắng hồng đan xen nổi bật giữa nền trời xanh và màu xám của đá núi. Những bông hoa như đang khoe sắc đón chờ Lễ hội hoa TGM lần đầu tiên được tỉnh ta tổ chức (từ ngày 12 đến 15.11 tới)

10/11/2015