Hà Giang

Nguồn gốc của Then Tày

08:38, 01/09/2015

BHG- Then có nguồn gốc từ chữ “Tiên” có nơi gọi là “Sliên” là người của trời... Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... do những người làm nghề then thực hiện. Đây là những phong tục có từ lâu đời của dân tộc Tày ở tỉnh Hà Giang. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu nào khẳng định thời điểm ra đời của then, mọi người chỉ nhận biết then qua những câu văn vần thuộc dòng văn hóa dân gian do cá nhân hoặc những người ham hiểu biết thích sáng tác xây dựng nên. Các câu văn vần gắn liền những làn điệu cụ thể được truyền từ đời này sang đời khác cho đến nay, bằng những văn tự và truyền miệng qua các thế hệ học làm then. Những người làm then đều là những người dân lao động, họ thừa hưởng những kinh nghiệm của cha ông, nắm được những phong tục tập quán của dân tộc, biết hướng dẫn thực hiện các nghi lễ ma chay, cưới xin, cầu cúng... được mọi người yêu mến và nhờ đến. Vì vậy, có thể khẳng định rằng then bắt nguồn từ cuộc sống lao động của nhân dân.

Xưa kia, cuộc sống của người Tày lệ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, vì vậy đồng bào đã biết sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong cuộc sống để chế tạo các nhạc cụ đơn giản, trong đó có cây đàn tính. Đây là loại nhạc cụ được sử dụng trong nghi lễ then. Đàn tính được làm từ quả bầu khô, gắn lên mặt cắt một miếng ván mỏng, dây đàn được làm từ tơ tằm.

Hiện nay, đồng bào Tày còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về then và cây đàn tính. Có truyền thuyết kể về “Cô gái mồ côi”: Ngày xưa, có một cô gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Khi lớn lên, lấy chồng thì chồng lại chết sớm, cô rất buồn. Một đêm nằm mơ thấy có một người mang đến cho cô 3 hạt giống và cô đã cất vào níp đựng quần áo. Khi thức dậy, mở níp ra, quả nhiên thấy 3 hạt giống, cô đem 2 hạt ra gieo, ngày hôm sau 1 hạt mọc lên cây dâu và 1 hạt mọc thành cây bầu. Vài ngày sau, cô định lấy nốt hạt thứ 3 ra trồng, nhưng không thấy hạt giống mà chỉ thấy con tằm. Ngày tháng trôi qua, cây dâu đã lớn, quả bầu đã già, tằm đã cho tơ, nhưng nỗi buồn của cô vẫn không nguôi. Cô lại nằm mơ thấy người cho hạt giống tới, khuyên cô lấy cây dâu, vỏ bầu và tơ tằm làm thành cây đàn, đem gảy cho mọi người nghe thì sẽ vơi bớt nỗi buồn. Cô nghe theo, hàng ngày mang cây đàn đi khắp nơi để làm vui lòng mọi người và từ đó cô trở thành người “cứu khổ” cho chúng sinh. Hoặc truyện kể về chàng trai Xiên Cân “Ngày xưa có một chàng trai 35 tuổi chưa có vợ tên là Xiên Cân (nghìn cân). Vì chưa tìm được người yêu nên chàng rất buồn, luôn cảm thấy lẻ loi, đơn độc, muốn làm một cây đàn để xua đi nỗi vắng vẻ cô đơn. Cây đàn mà chàng luôn ao ước phải là loại đàn có quả bầu tròn làm bầu đàn, dây đàn phải làm bằng sợi tơ con tằm. Để thực hiện mong ước ấy, Xiên Cân đã kiên trì và tích cực lao động làm ra các vật liệu từ những việc khởi đầu: Tìm hạt giống bầu tròn, trồng cho đến khi có quả, chờ đến khi quả già, phơi khô để làm bầu. Tìm giống cây dâu để nuôi tằm, ươm tơ cho tằm nhả kén, quay tơ lấy sợi làm dây đàn. Tìm cây gỗ Thừng mực (mạy mục) trong rừng để đẽo làm cây đàn. Cuối cùng Xiên Cân cũng có được cây đàn như ý, gọi là đàn tính tẩu, “tính” là từ tượng thanh vì mỗi khi gẩy lên có âm thanh “tính tính”, “tẩu” là quả bầu tròn làm bầu đàn. Đàn tính lúc đầu có 12 dây, lúc buồn Xiên Cân đem đàn bầu ra chơi, khi âm thanh của đàn vang lên, tâm hồn Xiên Cân thoải mái, mọi sầu muộn xua tan. Tài chơi đàn tính của Xiên Cân không ai sánh nổi, từ đấy Xiên Cân có người yêu. Vì tiếng đàn quá hay, nhiều người nghe tiếng đàn của Xiên Cân bị quyến rũ, mê muội, quên hết mọi việc. Muôn vật nghe tiếng đàn tính tẩu đều ngẩn ngơ như tĩnh lặng, lâu ngày sinh ốm đau, bèn tấu cáo lên trời. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống tìm hiểu và biết sự tình của mọi sự mê muội ở trần thế chỉ vì cây đàn 12 dây của Xiên Cân. Ngọc Hoàng phán xử, buộc Xiên Cân phải cắt bỏ 9 dây, còn lại 3 dây. Đàn 3 dây chơi vẫn hay nhưng không làm người khác mê muội, đến mức ốm đau như trước. Vì thế, cây đàn tính ngày nay chỉ có từ 2 đến 3 dây.

Từ những câu truyện được lưu truyền trong tâm thức của đồng bào Tày, có thể thấy lời hát then cùng cây đàn tính của dân tộc Tày đã ra đời từ rất lâu, trở thành sản phẩm tinh thần đi vào thần thoại, cổ tích. Như vậy, có thể khẳng định nguồn gốc của then đã có từ khi tổ tiên người Tày có nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và phát triển theo sự tiến bộ của cộng đồng Tày.

Nguyễn Thị Lượng (Phòng DSVH – Sở VH, TTDL)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bàn giao nhà bán trú tặng Trường PTDT bán trú tiểu học Bát Đại Sơn

BHG- Ngày 28.8, tại xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) Đoàn công tác của Cục Dân vận (Bộ Quốc phòng), Quân khu 2, Bộ CHQS tỉnh, tiến hành khánh thành và bàn giao công trình nhà bán trú cho Trường PTDT bán trú Tiểu học của xã.

31/08/2015
Giao lưu hai Chi đoàn Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang

BHG- Nhằm thiết thực chào mừng 70 năm Quốc khánh 2.9, trong hai ngày 29 và 30.8, Chi đoàn Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang đã tổ chức giao lưu bóng đá và thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tuyên Quang). 

31/08/2015
Test

abc

28/08/2015
Gần 70 học sinh điểm trường Sủng Chớ B rất cần có ngôi trường mới

BHG- Điểm trường Sủng Chớ B là một trong những điểm trường khó khăn nhất của xã Sủng Tráng (Yên Minh). Điểm trường nằm cách trường chính 6 km, trong đó có hơn 4 km là đường dân sinh, chủ yếu là đá lởm chởm, dành cho người đi bộ là chính. Người có kinh nghiệm thường xuyên đi lại trên con đường này mới dám đi xe máy. Nếu trời nắng thì còn có thể đi được, còn khi trời mưa thì tất cả đành phải "cuốc bộ".

28/08/2015