Hà Giang

Cuộc hội ngộ sau 50 năm trên đường Hạnh phúc

09:02, 21/03/2015

BHG - Chúng ta từng đi trên những con đường được đặt tên theo danh nhân, người có công hoặc số hiệu,... nhưng ở Hà Giang, có con đường đã trở thành huyền thoại mang tên Hạnh phúc. Sau 50 năm ngày con đường Hạnh phúc (ĐHP) hoàn thành (20.3.1965-2015), những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa không tiếc xương máu, tuổi thanh xuân tham gia phá đá, mở đường mới có dịp về thăm ĐHP. Cuộc hội ngộ xúc động sau nửa thế kỷ cứ êm đềm như từng nốt nhạc, ngân mãi bản hùng ca mang tên ĐHP.

Quá khứ bi hùng...

13 chiếc xe khách nối dài trên ĐHP (gắn liền thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng Cao nguyên đá: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn), đưa 342 cựu TNXP và thân nhân liệt sỹ đến từ 8 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định và Hải Dương về thăm ĐHP. Sau 50 năm hoàn thành, ĐHP đã mang đến cuộc sống an vui, ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi cực Bắc Tổ quốc, nhưng cũng lấy đi bao mồ hôi, nước mắt và đồng đội của hàng nghìn TNXP năm xưa tham gia phá đá, mở đường.

Cựu TNXP tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh khi mở ĐHP, tại Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP (Yên Minh). 

Sáng 18.3, trong nắng ấm Xuân sang, hàng trăm cựu TNXP run run đôi tay, thắp cho đồng đội nén hương mà tim se lại. Để mở ĐHP, 14 TNXP đã anh dũng hy sinh, an nghỉ nơi Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP huyện Yên Minh. “Chú Dinh an nghỉ ở bên kia chị à”, bác Hoàng Thị Bích Long (Lạng Sơn) chỉ giúp đồng đội phần mộ liệt sỹ Hoàng Văn Dinh mà đôi mắt hoe đỏ, giọng nấc từng hồi, cố gắng chia sẻ với chúng tôi: “Đơn vị vừa đi hỏi vợ giúp chú Dinh rồi định ngày xin dâu. Thế nhưng, sức trai phá đá, mở đường cũng không thắng được bệnh sốt rét rừng. Chú ấy ra đi còn chưa kịp xây ước mơ về mái ấm gia đình... Thương em quá, Dinh ơi!”. Còn bác Hoàng Văn Hộ (Lạng Sơn) không sao quên được lời trăng trối của đồng đội trước khi an giấc trong lòng đất mẹ: “Không biết sau này về Lạng Sơn, các anh có còn nhớ tôi không?”... Cất giấu nỗi đau, hoàn thành công việc dang dở của đồng đội, giờ đây, sau 50 năm ngày con ĐHP hoàn thành, đứng trước anh linh 14 liệt sỹ, bác Hộ thành kính dâng hương, gửi đến các anh những vần thơ vương đầy nước mắt: “Hôm nay em đến thăm anh/Thấy anh trẻ mãi tuổi 18/Thương anh, lệ em rơi ướt áo/Thương anh, lệ em rơi xuống đất/Chúc anh yên giấc ngàn thu”...

Trên hành trình thăm lại ĐHP, đặt chân tới danh thắng đèo Mã Pì Lèng, cựu TNXP Nguyễn Văn Toan (Nam Định) nghẹn ngào: “Nơi Đèo Mã Pì Lèng này, tôi đã chứng kiến đồng đội mình mang hình hài không nguyên vẹn về với đất mẹ khi anh rơi xuống vực sâu bên dòng sông Nho Quế, lúc treo mình trên cao, làm nhiệm vụ đục từng centimet đá mở ĐHP. Cũng tại nơi nguy hiểm bậc nhất này, tôi được đồng đội chuẩn bị sẵn quan tài, coi như lễ truy điệu... sống trước khi buộc dây treo mình trên vách đá cao, dựng đứng, tiếp tục mở ĐHP. Giờ đây, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con ĐHP, tạo điều kiện thuận lợi cho anh, em chúng tôi hội ngộ, ôn lại tình đồng chí, đồng đội trong những năm tháng gian khổ, hào hùng mở ĐHP nhưng 14 đồng đội của tôi đã an giấc ngàn thu”... Chia sẻ của ông Toan như chạm đến đáy lòng những cựu TNXP hôm nay, khiến bao ký ức xưa giờ nghẹn lại nơi cổ họng, không nói thành lời. Họ ôm lấy vai nhau, mặc nước mắt đang tràn khóe mi.

... cho hiện thực tươi sáng

Khép lại quá khứ bi tráng, trên con ĐHP hôm nay, sau 50 năm hội ngộ, các cựu TNXP phần nhiều đã ở tuổi trên 70 hoặc ngoài 80. Nhiều cụ, đôi chân yếu phải dựa sức vào chiếc gậy chống nhưng trong lòng vẫn đong đầy nhiệt huyết về thăm ĐHP – “máu và hoa”.

Thay bằng cảnh đôi chân đi bộ, vượt dốc cao, xuôi đèo thẳm hoặc dùng ngựa để di chuyển nhiều ngày để đi từ Hà Giang lên Đồng Văn như trước thì nay, trên ĐHP, các loại phương tiện giao thông đường bộ hiện đại như xe máy, ô-tô đã giúp cựu TNXP dễ dàng đến thăm Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) để tiến hành nghi thức chào cờ thiêng liêng nơi cực Bắc Tổ quốc. Trên bầu trời xanh lộng gió, sắc thắm cờ độc lập như tô lại những đóng góp không nhỏ của cựu TNXP mở ĐHP. Và nhắn gửi họ điều cao quý: Tuổi cao, trí càng cao, nêu gương sáng để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, khi trở về thăm Khu di tích Nhà Vương, các cựu TNXP không khỏi xúc động và vui mừng. Bởi đây là nơi nhiều TNXP thuộc Đơn vị C2 “nghiệp dư”, trong những năm mở ĐHP đã được gia đình họ Vương cho mượn 3 gian phòng để có nơi ăn, ở và địa điểm tập văn nghệ, thể thao,... phục vụ các phong trào lúc bấy giờ. Nhưng nay, Nhà Vương đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và Quốc tế đến tham quan...

Các cựu TNXP chụp ảnh lưu niệm tại đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc), sau 50 năm gặp lại nhau trên ĐHP.
Các cựu TNXP chụp ảnh lưu niệm tại đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc), sau 50 năm gặp lại nhau trên ĐHP.

Theo hành trình 185 km trên ĐHP, băng qua những con đường cắt ngang núi đá, chứng kiến cảnh đồng bào vùng cao cần mẫn cày trên nương đá để làm đất, tra ngô hoặc ngắm bức tranh nhà cao tầng, trường học mọc lên... giữa đá, cựu TNXP Vi Thanh Luân (Bắc Kạn) chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển KT-XH nhưng đồng bào 4 huyện vùng cao đã làm cho Hà Giang bây giờ giàu, đẹp quá. Tuổi trẻ của chúng tôi giầm mưa, giãi nắng, chịu đói, khát; sử dụng phương tiện thô sơ mở ĐHP đến phồng rộp, tứa máu chân, tay ngày nào giờ sao mãn nguyện thế”... Dù không hình dung hết quá khứ gian khổ mở ĐHP của những cựu TNXP nhưng được thừa hưởng thành quả từ ĐHP, Bí thư Đoàn Trường PTDT Nội trú cấp 2, 3 huyện Yên Minh, Triệu Thị Hằng bày tỏ niềm xúc động của mình khi được trò chuyện với các cựu TNXP: “Biết bao xương, máu cùng những giọt mồ hôi của các bác đã hóa thân vào đá để tạo nên ĐHP. Nếu không có thành quả này thì 4 huyện vùng cao của Hà Giang khó có thể có nhà cao tầng, trường học khang trang, có điện thắp sáng về tới bản làng và có mạng Internet để nâng cao dân trí như bây giờ,... Nếu không có ĐHP thì biết đâu, Cao nguyên đá Hà Giang đã không sớm được thế giới công nhận là Công viên địa chất toàn cầu?. Ý thức được điều đó, tuổi trẻ chúng cháu hứa tiếp tục tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ TNXP năm xưa, san đồi, bạt núi mở ĐHP”...

Mùa Xuân này, bên dòng sông Nho Quế biếc xanh, uốn mình dưới chân ĐHP vẫn hiền hòa trôi, như bàn tay mẹ xoa dịu nỗi đau của những người con đã anh dũng hy sinh, mở ĐHP. Dọc hai bên đường, hoa ban, hoa gạo đỏ thắm vẫn lặng lẽ tỏa bóng, đưa hương, ru các anh yên giấc trong lòng đất mẹ... Vì ĐHP hôm nay đã mang yên vui đến đồng bào các dân tộc Hà Giang, đúng như tên gọi “Đường Hạnh phúc”.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thư ngỏ của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh gửi ngành giáo dục tỉnh

Thưa các thầy cô giáo! Có thể nói mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song trong nhiều năm qua tỉnh ta đã giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. 

20/03/2015
Cựu Thanh niên xung phong thăm lại con đường Hạnh Phúc

BHG- Thiết thực hướng đến Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc (20.3.1965-2015), trong 3 ngày (từ 18-20.3), UBND tỉnh tổ chức chuyến tham quan, đưa các cựu Thanh niên xung phong (TNXP) thăm lại con đường Hạnh phúc. Đưa và đón tiếp đoàn có lãnh đạo Tỉnh đoàn và các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn…

20/03/2015
Hoàn thiện Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Hà Giang – khúc tráng ca từ đá"

BHG - Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc Hà Giang sẽ được tổ chức vào lúc 20h ngày 20.3, tại Quảng trường 26.3. Đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị được BTC khẩn trương, gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng. Đặc biệt trong Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Hà Giang – khúc tráng ca từ đá".

19/03/2015
Phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng

BHG- Trong thời gian qua, ngành Du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc với lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch tăng lên nhanh chóng; chất lượng các dịch vụ, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đó còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có và đang cần nhiều giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh về du lịch của tỉnh.

19/03/2015