Cần tăng cường công tác huy động học sinh sau Tết

08:19, 25/03/2015

BHG- Tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết Nguyên đán lâu nay luôn là “bài toán khó” đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà. Hàng năm, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị trường học đã thực hiện nhiều giải pháp duy trì sĩ số học sinh nhằm đảm bảo công tác dạy và học, nhưng dường như thực trạng này... “đâu vẫn vào đấy”!.

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi tìm về xã Thượng Sơn – một trong những xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên. Sau khi tìm hiểu được biết, sau Tết là khoảng thời gian người dân bắt đầu vào vụ sản xuất. Do đó, tình trạng học sinh nghỉ học thường diễn ra ở bậc THCS, bởi đây là lứa tuổi có khả năng lao động nên thường ở nhà giúp việc cho gia đình. Hiệu trưởng trường THCS xã Thượng Sơn, Phạm Hải Anh cho biết: “Năm học 2014 – 2015 nhà trường có 300 học sinh ở 4 khối lớp. Cán bộ, giáo viên tập trung sau Tết đúng thời gian quy định. Sau khi tổ chức Tết trồng cây, nhà trường đã tổ chức, duy trì các hoạt động dạy và học bình thường”. Thực hiện theo kế hoạch, nhằm duy trì sĩ số học sinh tại các khối lớp, nhà trường đã tăng cường công tác vận động học sinh trở lại lớp sau thời gian nghỉ Tết.

Học sinh trường THCS Thượng Sơn trong giờ lao động. Ảnh: KIM TIẾN
Học sinh trường THCS Thượng Sơn trong giờ lao động. Ảnh: KIM TIẾN

Theo báo cáo từ phía nhà trường, tính đến ngày 4.3, toàn trường vẫn còn tới 81 học sinh nghỉ học (tương đương tỷ lệ học sinh tới trường chỉ đạt 73%). Lý do được giải thích đó là các em học sinh ở xa và do phong tục, tập quán của địa phương trước thời gian 15.1 (âm lịch) thường tổ chức lễ hội, một số gia đình kiêng kỵ nên không cho con em đến trường. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh học sinh thiếu sự quan tâm và do thiếu nhân lực nên còn bắt các em ở nhà làm việc. Thậm chí, có một số học sinh bỏ học đi lấy vợ, lấy chồng... Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 16.3, Hiệu trưởng Phạm Hải Anh cho biết thêm: “Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã báo cáo tình hình với cấp ủy, chính quyền địa phương và phân công cán bộ, giáo viên đến các thôn, bản làm công tác vận động học sinh. Do đó, hiện nay nhà trường chỉ còn khoảng 20 học sinh chưa tới trường và nhà trường đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động”. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là báo cáo “miệng” còn trên thực tế vẫn chưa có con số chính xác bằng văn bản?!

Huyện Vị Xuyên trong những năm gần đây được đánh giá là địa phương có chất lượng giáo dục cao hơn một số huyện khác trong tỉnh. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện, sau Tết các trường đã tổ chức dạy và học đúng thời gian quy định. Duy trì sĩ số học sinh ngày học đầu tiên tại các trường đạt gần 98%. Tuy nhiên, tình trạng học sinh nghỉ học vẫn còn diễn ra, trong đó bậc Tiểu học có 182 học sinh, bậc THCS có 125 học sinh chưa đến trường tập trung. Lý do được đưa ra đó là một số học sinh theo cha mẹ về quê ăn Tết, một số học sinh theo phong tục, tập quán ở nhà nghỉ ăn Rằm tháng Giêng, nghỉ ốm...  Nhằm đảm bảo cho công tác dạy và học, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tổ chức cho giáo viên đến gia đình có học sinh nghỉ học vận động, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền tới các bậc phụ huynh học sinh đưa con em đến lớp. Tính đến ngày 12.3, tỷ lệ duy trì sĩ số tại các trường của bậc Tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 99% (còn 51 học sinh chưa ra lớp); số học sinh bỏ học sau Tết bậc THCS có 9 học sinh (do đi lấy chồng, theo bố mẹ đi làm ăn xa)...

Việc học sinh nghỉ học không chỉ gây khó khăn cho nhà trường trong việc đảm bảo sĩ số mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục ở các đơn vị trường học. Trên thực tế, không chỉ riêng huyện Vị Xuyên mà tình trạng học sinh nghỉ học diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, thời gian cao điểm thường vào dịp sau Tết Nguyên đán và vụ sản xuất. Do đó, công tác huy động học sinh đến trường đòi hỏi sự quan tâm sát sao cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trường học với cấp ủy, chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của phụ huynh và học sinh, cần chú trọng tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động và xác định đây là việc làm thường xuyên, không phải việc có thể làm trong “ngày một, ngày hai”.

K.TIẾN – V. LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sức trẻ mở đường Hạnh phúc

BHG- Ngoài công sức của đồng bào các dân tộc Hà Giang, nếu không có tinh thần, phẩm chất thanh niên xung phong (TNXP) theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đâu cần, thanh niên có/Đâu khó, có thanh niên" thì không có con đường Hạnh phúc (ĐHP) – Hà Giang như ngày hôm nay. 

25/03/2015
Ngược miền cực Bắc: Kỳ I- Hành trình về vùng đất danh thắng và di sản

Tiết trời ấm áp sau những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi như mang về miền Cao nguyên đá sức sống căng tràn của mùa Xuân. Trong hành trình ngược lên miền Cao nguyên đá, vẫn cung đường quanh co như sợi dây thừng vắt mình bên lưng núi với những dãy núi đá sừng sững, điệp trùng giăng lũy, giăng thành nhưng mỗi lần đến với nơi đây, chúng tôi luôn có cảm nhận khác lạ về vùng đất biên cương cực Bắc Tổ quốc – Mèo Vạc, điểm cuối cùng con đường mang tên Hạnh phúc.

24/03/2015
Khánh thành, bàn giao điểm trường Tiểu học B thôn Thượng Lâm, xã Minh Tân

BHG- Sáng 20.3, Chương trình "Tháng ba biên giới" với sự phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao điểm trường Tiểu học B ở thôn Thượng Lâm, xã Minh Tân (Vị Xuyên). Dự buổi lễ có lãnh đạo huyện; đại diện các nhà tài trợ và đông đảo người dân...

21/03/2015
Cuộc hội ngộ sau 50 năm trên đường Hạnh phúc

BHG - Chúng ta từng đi trên những con đường được đặt tên theo danh nhân, người có công hoặc số hiệu,... nhưng ở Hà Giang, có con đường đã trở thành huyền thoại mang tên Hạnh phúc. 

21/03/2015