Bảo tồn các giá trị văn hóa ở Mèo Vạc

07:43, 19/03/2015

BHG- Huyện Mèo Vạc, mảnh đất được du khách trong và ngoài nước biết đến là nơi có nhiều giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Gàu tào của người Mông, Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày hay Lễ hội Cầu mưa, Múa trống của dân tộc Lô Lô và dân tộc Giấy.

Bên cạnh đó, sự độc đáo của những phiên chợ vùng cao – nơi chứa đựng đậm nét không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc đã thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của nhiều du khách. Từ thế mạnh của văn hóa truyền thống đó cũng như tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Xác định người dân chính là chủ thể của văn hóa và là người bảo tồn các di sản văn hóa một cách bền vững nhất, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã phối hợp với thị trấn Mèo Vạc, vận động những người cao tuổi có hiểu biết về văn hóa dân tộc, dân ca Lô Lô để mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày và ngay cả các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Mặt khác, các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ truyền thống, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố... được các nghệ nhân lớn tuổi truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, huyện còn chỉ đạo các đơn vị hữu quan đúc lại 2 chiếc trống đồng để phục vụ cho các lễ hội; tập trung sửa chữa nhà văn hóa thôn Lô Lô để làm địa điểm sinh hoạt tập trung cho các hoạt động văn hóa của bà con dân tộc Lô Lô.

Cùng với các hoạt động trên, những giá trị văn hóa phong phú, đa sắc màu của đồng bào các dân tộc còn được huyện gìn giữ và tái hiện trong các lễ hội những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, phong tục tập quán của đồng bào. Điều này đã tạo nên sức hút đối với du khách. Do vậy, xác định việc đánh giá đúng giá trị thực của văn hóa sẽ giúp cơ quan quản lý và người dân thực hiện công tác bảo tồn các di sản một cách hiệu quả nhất; thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh và duy trì tốt phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo đúng Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị. Đến cuối năm 2014, toàn huyện có 144/144 thôn, tổ dân phố đạt làng văn hóa; trên 6.400 gia đình đạt gia đình văn hóa. Cũng trong năm 2014, huyện đã khôi phục Lễ hội “Vỗ mông” và duy trì lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc và hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian tại các xã, thị trấn. Mặt khác, huyện còn tập trung đầu tư phát triển các điểm du lịch như: Chợ tình Khau Vai; đỉnh Mã Pì Lèng; Làng Văn hóa du lịch Tả Lủng B, Sảng Pả A... để thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. “Gia đình tôi đã dọn dẹp nhà cửa, tạo cảnh quan sạch sẽ, sẵn sàng đón khách du lịch rồi. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho du khách nhiều thông tin về di tích Quốc gia Hang Rồng nữa. Được làm du lịch như vậy, chúng tôi vui lắm”, ông Vừ Mí Chá, thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc chia sẻ.

Ngoài các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp văn hóa bản địa đang có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch yêu thích sự khám phá. Họ đến Hà Giang, ngoài việc chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; những phiên chợ vùng cao và phong tục bản địa nguyên sơ của các dân tộc luôn là đề tài hấp dẫn, thôi thúc sự tìm hiểu, trải nghiệm của nhiều du khách. Tuy nhiên, cách bảo tồn, gìn giữ di sản chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Để phát huy các nguồn lực, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới, thiết nghĩ huyện Mèo Vạc cần sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, những người có công bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với việc bảo quản, giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử ở từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các loại hình, sản phẩm du lịch với du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc thông qua giao lưu văn hóa để thắt chặt mối đoàn kết giữa các dân tộc...

Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

50 năm con đường của niềm tin

BHG- Đã 50 năm qua, tỉnh Hà Giang đã tiến được một chặng đường dài trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống cho nhân dân. Trong công cuộc ấy, dấu ấn của một con đường huyền thoại hiện lên vô cùng rõ nét. Danh tiếng của con đường ấy đã lan toả khắp đất nước, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần quyết tâm vượt khó của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. 

19/03/2015
Hội VHNT Hà Giang triển khai nhiệm vụ năm 2015

BHG- Ngày 18.3, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 và kết nạp hội viên mới. Dự hội nghị có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh và hội viên đại diện cho các chuyên ngành Hội VHNT tỉnh.

18/03/2015
Nhớ một bài hát về con đường Hạnh phúc

BHG - Vào những năm 1968 – 1969, tôi đang học tại Trường cấp I-II xã Phú Linh (Vị Xuyên), hồi đó có cô giáo Đinh Thị Kim Cúc mới được chuyển từ Đồng Văn về làm giáo viên Chủ nhiệm lớp 4. Cô Cúc đã dạy lớp tôi một bài hát về con đường ô-tô lên Đồng Văn, tôi nhớ lời hát đoạn một như sau: 

17/03/2015
Sáng mãi đường Hạnh phúc: Kỳ II - Tình yêu trên công trường đá

BHG - Trong số những công trường từ năm 1959 đến giờ, có lẽ công trường mở đường Hạnh phúc (ĐHP) là một trong những nơi gian khổ nhất, thử thách nhất của cả nước. Ở một nơi như Cao nguyên đá, thanh niên xung phong (TNXP), dân công phải lao động trong điều kiện mà nhiều người ví như "đánh nhau" với đá. ..

17/03/2015