Hà Giang

Đến với bài thơ hay

"Vầng hào quang" từ bài thơ Gửi các chiến sĩ tháng Chạp

21:57, 07/02/2015

Xuân 2015- Tháng 11 năm 1825 Nga hoàng Aleksandr Đệ nhất từ trần, các nhà cách mạng Nga chớp lấy thời cơ tiến hành đảo chính quân sự, khởi nghĩa vũ trang vào 11 giờ trưa ngày 14 tháng Chạp năm 1825 ở Quảng trường Sênat, Xanh - Pêtécbua. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt nhanh chóng vì các nhà cách mạng quý tộc Nga “xa rời nhân dân quá đỗi” (V.I.Lenin) và không nhận được sự ủng hộ của nhân dân,.   

Đại thi hào A.S. Puskin (1799-1837). Anh: TƯ LIỆU
Đại thi hào A.S. Puskin (1799-1837). Anh: TƯ LIỆU

Các chiến sĩ Tháng Chạp tham gia cuộc khởi nghĩa, mặc dù bị Nga hoàng Nikolai Đệ nhất khủng bố dã man, nhưng họ đã dấy lên một phong trào cách mạng đầu tiên chống lại chế độ chuyên chế của Nga hoàng.

Đại thi hào Nga Aleksandr Sergâyêvich Puskin - Mặt trời của thi ca Nga - tuy không trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa, nhưng những vần thơ ca ngợi các chiến sĩ Tháng Chạp của đại thi hào đã đi sâu vào lòng người dân Nga lúc bấy giờ. Chưa đầy một năm sau, vào đầu tháng Chín 1826, Puskin nhận được chiếu chỉ triệu về Moskva gặp Hoàng thượng. Lúc ấy Puskin còn mặc nguyên bộ quần áo phong sương bụi đường đã lập tức bị dẫn giải thẳng vào cung đình. Vừa trông thấy nhà thơ, Nga hoàng hỏi độp ngay không hề úp mở: “Khanh sẽ làm gì nếu như ngày 14 tháng Chạp khanh có mặt ở Pêtécbua?” -  “Thần sẽ đứng vào hàng ngũ những người khởi sự”, -  Puskin trả lời không do dự. Quá bất ngờ, Nga hoàng Nikolai Đệ nhất sững người, song vốn thâm hiểm Nga hoàng không hề để lộ sự tức giận trên nét mặt, vẫn thản nhiên cho phép nhà thơ được ở lại Moskva, hy vọng Puskin có lúc sẽ nghĩ lại mà cúc cung phụng sự chế độ Nga hoàng.

Nhưng Nikolai Đệ nhất đã lầm to. Trước sau như một, Puskin vẫn là nhà thơ-công dân dũng cảm, yêu tự do và rất mực trung thành với tinh thần Nga của các chiến sĩ Tháng Chạp. Trước thềm kỷ niệm hai năm cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp, Puskin đã cho ra đời một bài thơ nổi tiếng Gửi tới Sibir (1827) gây tiếng vang làm cho Nga hoàng phải run sợ vì sức lan tỏa nhanh chóng và ảnh hưởng to lớn của bài đến tinh thần kiên định đấu tranh vì tự do của các chiến sĩ Tháng Chạp:

Hỡi các anh, hãy kiên trung kiêu hãnh

Nơi hầm sâu mỏ quặng Sibir

Sự nghiệp lớn dù đau thương, không uổng

Dẫu khổ sai cực nhọc chẳng hề chi.

Niềm hy vọng thủy chung cùng bất hạnh

Như chị hiền trong bóng tối hầm sâu

Sẽ khơi dậy niềm hân hoan, sức mạnh

Sẽ tới ngày ta mong đợi từ lâu.  

Rồi tình bạn với tình yêu mai, mốt

Sẽ vượt qua song sắt ngục điêu  linh

Cũng giống như lời tự do tôi hát

Đến với các anh giữa chốn nhục hình.

Rồi xích xiềng nặng nề kia rụng xuống

Rồi ngục tù sụp đổ - và tự do

Sẽ vui đón các anh ngoài cửa lớn

Anh em mình gươm báu sẽ trao đưa.

                    (Đức Mẫn dịch)

Qua bài thơ Puskin muốn gửi gắm tình yêu, tình bạn và lòng ngưỡng mộ của mình và của nhân dân đối với các chiến sĩ Tháng Chạp. Puskin cố tình nhắc lại một điểm nhấn “lòng kiên trung kiêu hãnh” trong bài thơ thời học sinh “Khi bất hạnh ta kiên trung kiêu hãnh”. Puskin thừa hiểu, bài thơ này gửi đến tay các chiến sĩ đang bị đi đày nếu bị phát giác thì tính mạng nhà thơ khó lòng an toàn. Bất chấp hiểm nguy, Puskin đã nhờ bà Aleksanđra Grigorevna, vợ của nhà cách mạng-chiến sĩ Tháng Chạp N. M. Muraviốp, đem bài thơ đến Sibir trao tận tay cho các chiến sĩ Tháng Chạp. Nhận được bài thơ của Puskin, Aleksandr Ivanovich Odoevskii  nhân danh các chiến sĩ Tháng Chạp bị đi đày đã làm một bài thơ hồi âm toát lên lòng kiên trung kiêu hãnh như đại thi hào hằng mong ước:

Ôi tha thiết tiếng đàn tơ tiên báo

Chúng tôi nghe như uống từng lời

Muốn đứng dậy vung tay cầm

                                      gươm giáo

Hiềm nỗi xích xiềng buộc trói

                                        chúng tôi.

 

Xin thi hào hãy yên lòng đón đợi

Chúng tôi tự hào vì bị xiềng gông

Dẫu thân thể bị giam cầm ngục tối

Vẫn cười khinh Hoàng đế ngự

                                     ngai vàng.

 

Không uổng đâu cảnh khổ sai

                                           trần thế

Từ đốm lửa xanh ngọn lửa bùng lên

Nhân dân ta sẽ mở mang trí tuệ

Sát bên nhau tụ nghĩa dưới cờ thiêng.

 

Lấy xích xiềng chúng tôi rèn

                                   gươm giáo

Lại cùng nhau nhóm ngọn lửa tự do

Đánh tơi tả lũ Nga hoàng bạo chúa

Để mai ngày dân sung sướng ấm no.

            (Nguyễn Xuân Hòa dịch)

Thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ Tháng Chạp ở nơi đày ải khổ sai, bài thơ tin chắc rằng Từ đốm lửa sẽ cháy bùng thành ngọn lửa. Không lâu sau đó, năm 1900, V.I.Lenin người sáng lập tờ Tia lửa, tờ báo mác xít đầu tiên của nước Nga, đã lấy hai từ Tia lửa đặt tên cho tờ báo và lấy nguyên văn câu thơ của Ođoevskii làm đề từ trên măng sét của tờ báo này: Từ đốm lửa cháy bùng thành ngọn lửa.

Hai bài thơ Gửi tới Sibir của Puskin và bài thơ hồi âm của Odoevskii là tài sản lịch sử - văn hóa của nhân dân Nga, phản ánh một sự kiện chính trị xã hội quan trọng nhất cách đây ngót hai thế kỷ – đó là Cuộc khởi nghĩa ngày 14 tháng Chạp năm 1825 chống chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng. /.

NGUYỄN XUÂN HÒA (Hội Nhà văn Hà Nội)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đường Hạnh phúc cần lắm một dòng văn học

HGO- Tôi đã đọc đi đọc lại câu nói "Tôi chết, tôi sẽ chết ở đây. Tôi nằm bên vệ đường Hạnh phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây, con đường được hoàn thành, anh em về lại quê hương Lạng Sơn... 

31/01/2015
Hóa giải tranh chấp nguồn nước gần 45 năm qua trên dãy Sảng Phùng Sư

HGO- Cuối đông, con đường từ km 26 xã Thèn Phàng trên Quốc lộ 4D rẽ qua Sông Chảy lên xã Ngán Chiên gằn gọc. Có lẽ cái nắng gió và những cơn mưa rừng đã "cuỗm" mất con đường lên xã. 

31/01/2015
Mèo Vạc tăng cường giải pháp giữ ấm cho học sinh trong mùa Đông

HGO- Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá thường có sương mù dày đặc vào buổi sáng, đặc biệt là vào những ngày Đông giá rét. 

31/01/2015
Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc

Sáng 30.1, tại huyện Mộc Châu, Sơn La, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình Hợp tác phát triển du lịch (HTPT DL) 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình HTPT DL năm 2014; triển khai nhiệm vụ hợp tác năm 2015. 

30/01/2015