Hà Giang

Nỗi niềm người trồng mía

16:39, 06/06/2012

HGĐT- Trận mưa đá diễn ra ngày 24.4 làm thiệt hại rất lớn nguồn thu từ mía của hơn 40 hộ gia đình ở tổ 8 và tổ 9 phường Quang Trung, TP Hà Giang. Đây là khu vực có truyền thống trồng mía từ hàng chục năm qua và cây mía là nguồn thu nhập chính hàng năm của họ.


Những năm trước kia, bà con trồng mía để ép mật, nhưng khoảng hơn mười năm trở lại đây bà con trồng mía chủ yếu là để bán cây cho những quán nước trên địa bàn và một số huyện lân cận. Giống mía đại đường ở khu Tân Tạo trước kia (nay thuộc tổ 8 và tổ 9 Quang Trung) đã trở nên nổi tiếng và bán được giá. Bà con cho biết, đầu mùa hè năm nay giá mía bán cân lên tới 3 ngàn đồng/kg, bán cây trung bình khoảng 10 ngàn đồng/cây. Mỗi ha mía bình quân có trên 15 ngàn cây, đạt sản lượng hơn 50 tấn, tính thành tiền theo giá bán cân hoặc theo giá bán cây đều thu được khoảng 150 triệu đồng. Cả hai tổ 8 và 9 có trên 7 ha mía, trong đó có 5 ha đang thu hoạch và 2 ha trồng luân canh. Trước khi xảy ra trận “mưa đá lịch sử”, bà con trồng mía nơi đây rất phấn khởi khi thấy mía năm nay khá tốt, lại được giá. Hầu hết các hộ gia đình trồng mía mới chỉ bán được chừng 10% số mía thì mưa đá đổ xuống, 90% số mía cây còn lại trong các vườn đều bị các hạt mưa đá to như trứng chim cút, thậm chí bằng ngón chân cái người lớn, đập cho tơi tả. Những cây mía đang căng mọng, vàng ươm đã bị giập ngọn, tớp lá và nứt toác. Tiếc của, một vài gia đình vội chặt mía đem lên các chợ vùng cao bán. Nhưng mỗi cây bình quân chỉ thu được 2 ngàn đồng (bằng 1/5 lúc chưa bị giập), trừ chi phí thuê xe chở và công chặt, tính ra mỗi cây chỉ còn 1 ngàn đồng. Khi chặt đem bán cho các quán nước mía thì họ không mua, vì thân các cây mía đều bị giập vỡ, thâm đen và lên men chua loét.

 

Chị Thu, một người trồng mía ở tổ 8 nói: “Mọi năm nhà em thu được vài chục triệu tiền mía, năm nay thì trắng tay! Không biết qua mùa hè này chúng em lấy cái gì để nuôi các cháu đi học chuyên nghiệp đây!”. Chị Toán, cũng ở tổ 8, vừa thu gom những cây mía hỏng trong khu vườn rộng gần 2000 m2 vừa thở dài nói: “Anh xem mía có khác gì củi không? Ăn không được, bán không xong, em phải chặt bỏ ra bờ để khô làm củi, cho mía non nó lên. Mọi năm vườn mía này nhà em thu trên 40 triệu đồng, năm nay mới thu được có vài triệu thì bị mưa đá hỏng hết!”. Cô Thoa - một người trồng mía còn rất trẻ ở tổ 8 nói như kêu: “Vợ chồng cháu đang trông chờ vào vụ mía này để mua sắm mấy thứ. Bây giờ mía hỏng hết rồi chả biết trông vào đâu?”. Ông Hồi, một người rất giỏi trồng mía (năm nào vườn mía nhà ông cũng được bà con xếp vào hàng mía đẹp và năng suất cao nhất) nói vẻ tiếc rẻ: “Vườn mía nhà tôi chỉ có 1500 m2 nhưng hàng năm đều thu trên dưới 50 triệu đồng. Năm nay mới bán chưa được một chục triệu thì gặp mưa đá! Nhìn vườn mía như gặp lửa na-pan mà xót hết cả ruột!”. Bà Đường, một lão nông đứng tuổi, nói như mếu: “Năm nay thì chết đói rồi chú ơi! Mía hỏng hết cả rồi!”

 

Nghe tiếng kêu xót xa của những người trồng mía, tôi thấy thật não lòng. Tôi cùng ông Hồi đến gặp chị Phan Thị Hà, Tổ trưởng tổ 8, là tổ có nhiều hộ gia đình trồng mía và có diện tích mía bị thiệt hại nhiều nhất của phường Quang Trung, để nắm thêm các thông tin. Chị Hà bảo: “Tính sơ sơ, trận mưa đá này làm thiệt hại của bà con trên một tỷ đồng tiền mía anh ạ. Khổ nhất là những hộ không có nghề phụ, tất cả chỉ trông chờ vào cây mía. Ngay sau trận mưa đá, lãnh đạo phường đã xuống nắm tình hình và cử cán bộ cùng chúng em đi thống kê thiệt hại để báo cáo lên phường, lên TP đề nghị hỗ trợ cho bà con bị mưa đá, gió lốc làm thiệt hại nói chung và những người trồng mía nói riêng. Theo đó, tổ đề nghị cấp trên miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho bà con và hỗ trợ một phần tiền giúp bà con có điều kiện phục hồi những vườn mía bị hỏng.” Tôi thử đề xuất với ông Hồi và chị Hà về cách khắc phục nếu như chẳng may năm sau cũng xảy ra mưa đá làm hỏng mía, chẳng hạn như huy động người chặt mía chở về Tuyên Quang bán cho các nhà máy đường, hoặc ép mật, hoặc ép nước mía nấu rượu. Nhưng cả hai cùng bảo, tất cả các cách ấy đều không khả thi, vì việc đó không thể thực hiện trong một vài ngày, mà mía bị mưa đá chỉ ba bốn hôm là đã thâm tím, lên men. Đấy là chưa kể tiền cước vận chuyển quá đắt, giá mía đường lại rẻ, phương tiện ép mật chưa có ai đầu tư...

 

Khi tôi chia sẻ, chị Hà nói như tâm sự: “Bên cạnh mong muốn được cấp trên quan tâm hỗ trợ thiệt hại do mưa đá, bà con ở tổ 8 và có thể cả tổ 9 nữa, từ lâu đã rất băn khăn về những “quy hoạch treo” ở chính khu vực trồng mía của mình. Nhiều năm trước có thông báo của trên là thu hồi trên 3 ha diện tích đất trồng mía ở tổ 8 và 9 để quy hoạch làm việc khác, khiến người dân trông chờ mãi, thậm chí chẳng dám đầu tư thâm canh cây mía, làm giảm năng suất mía rất nhiều. Năm nay bà con tích cực đầu tư thâm canh cây mía thì lại gặp thiên tai tàn phá! Mong ước của bà con hiện nay là cấp trên đừng có “quy hoạch treo” nữa, vì như vậy sẽ khiến bà con thấp thỏm chẳng dám làm gì, gây thiệt hại rất nhiều mặt, nhất là gây mất lòng tin trong dân chúng. Và nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ dễ dẫn đến những khó khăn phát sinh trong công tác quản lý đất đai!”

 

Thiết nghĩ, những nỗi niềm kể trên của người dân trồng mía ở tổ 8 và tổ 9 phường Quang Trung là những điều rất chính đáng, cần nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng./.


LÝ NHÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trả lời ý kiến bạn đọc Báo Hà Giang điện tử
Ngày 30.10.2011, Tổng biên tập Báo Hà Giang nhận được ý kiến bạn đọc của Báo Hà Giang điện tử trao đổi, góp ý: Tại trang Wikipedia tiếng Việt (Bách khoa toàn thư mở) có đưa một số thông tin về số liệu địa giới hành chính của tỉnh Hà Giang chưa chính xác và đề nghị Báo Hà Giang điện tử chỉnh sửa.
31/10/2011
Tỉnh lộ 183, xã Đông Thành, Đồng Yên đi hướng nào!?
HGĐT- Đi trên Tỉnh lộ 183 từ Vĩnh Tuy vào các xã phía Tây Nam của huyện Bắc Quang, đến khoảng km 3+600, ngã ba đường đi xã Tiên Kiều và xã Đông Thành có một tấm biển chỉ đường (ảnh bên) “vừa thừa lại vừa thiếu”.
30/09/2011
Cần thận trọng khi mua thịt lợn bán rong
HGĐT- Hiện nay, trên nhiều ngõ phố ở thành phố Hà Giang, hàng ngày có không ít các xe bán thịt lợn rong. Các chủ hàng dùng xe đạp hoặc xe máy có gắn một phản gỗ nhỏ ở đằng sau hoặc một hộp xốp, xọt để đựng thịt rồi đi bán rong.
30/08/2011
“Bốc hơi” hết chữ
Rõ là di tích Quốc giaĐề biển chú thích khách xa hiểu mìnhThế mà biển lại vô tình“Bốc hơi” hết chữ - chình ình nằm trơ
30/03/2012