Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

23:59, 05/06/2023

BHG - Chiều 5.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại tổ 10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang gồm các đại biểu: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn; Tráng A Dương, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Vương Thị Hương, đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến vào 2 dự án luật trên. Dự thảo luận có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan cho rằng các quy định trong dự thảo luật cơ bản đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Phó trưởng đoàn nhất trí về nội dung chức năng nguồn nước (Điều 23) và đánh giá đây là căn cứ quan trọng và cần thiết khi xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho một dự án có hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên một đoạn sông.

Các đại biểu thảo luận tại tổ 10
Các đại biểu thảo luận tại tổ 10

Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” quy định tại Điều 3 dự thảo luật. Đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Quốc hội trong việc cần quy định cụ thể về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy. Cần có cái nhìn tổng thể giữa các ngành trên toàn lưu vực, trên toàn quốc để điều phối phân bổ nguồn vốn từ dịch vụ chi trả môi trường rừng sao cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước. 

Theo Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan, cần nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy; giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng. Đại biểu nhất trí với việc cần phải có các quy định khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước.

Ngoài việc duy trì tối đa hóa nguồn thu hiện có từ chi trả môi trường rừng, theo đại biểu cần có chiến lược để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy; thay bằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15-20% từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc, đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Tráng A Dương cho rằng tại Điều 3, cần đưa ra khái niệm nước qua sử dụng; quy định trong dự thảo tại một số điều như 45, 75 cần chỉnh lý lại cho ngắn gọn, dễ hiểu. Đại biểu đề nghị cần bổ sung việc đầu tư xây dựng công trình khai thác sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác…

Đại biểu Tráng A Dương thảo luận

Thảo luận vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan phân tích: Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; Ngân hàng CSXH còn là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách phát triển KT-XH gắn với xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên trong dự thảo luật chưa quy định cụ thể về hoạt động của Ngân hàng CSXH. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung về Ngân hàng CSXH trong dự thảo luật: “Ngân hàng CSXH là một tổ chức tín dụng đặc biệt của Nhà nước, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù, là sản phẩm riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị tại mục a, khoản 2, Điều 93 của dự thảo luật về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay cần quy định một cách rõ ràng khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ là thế nào? Hạn mức cụ thể ở đây là bao nhiêu? Để thống nhất áp dụng trong thực tiễn, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức tín dụng và người dân trong hoạt động cho vay.

Tại Điều 5 dự thảo luật quy định về việc sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng, đại biểu đề nghị quy định rõ và cụ thể “các cụm từ, thuật ngữ khác” ngoài thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” thì còn thuật ngữ nào mà các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng? Để tránh tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện đặc biệt là trong việc đăng ký kinh doanh của các cơ quan, cũng như là tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại có liên quan.

Đại biểu Vương Thị Hương cũng đề nghị cần bổ sung quy định cơ sở pháp lý phù hợp hơn, đầy đủ, khả thi hơn về chính sách kinh doanh bất động sản tại khoản 3, Điều 131 dự thảo luật; quy định rõ phạm trù “diễn biến bất thường” tại Điều 91 dự thảo luật, như thế nào là hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường? Những hoạt động bất thường đó là những hoạt động nào? Đại biểu cũng kiến nghị cần quy định chặt chẽ hơn nội dung về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (từ Điều 181 đến Điều 189, Chương XI).

Tiếp thu và làm rõ một số ý kiến thảo luận của các đại biểu về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định: Dự án uật hướng tới quy định rõ làm thế nào để sử dụng nguồn nước có hiệu quả? Điều tiết nước, sử dụng nguồn nước, giữ nguồn nước gắn gới với môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh: Hạn hán, nước biển dâng đang là việc cấp bách. Quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá nên phải điều chỉnh cho hợp lý, cần giữ được nguồn nước, điều tiết tốt. Luật sửa đổi với mục đích để hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, đưa ra giải pháp giữ nước chảy vào nước ta ra sao… hướng tới việc điều tiết, quả lý, khai thác, theo dõi nguồn nước. Như vậy cần có cơ sở dữ liệu từ đó ban hành các chính sách hiệu quả nhất như giá, thuế, phí.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng chí Vũ Mạnh Hà được điều động, chỉ định giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu
BHG-Chiều ngày 31.5, Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Tham dự hội nghị về phía T.Ư có các đồng chí: Mai Văn Chính, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư; Phan Thăng An, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư. Về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lai Châu; các đồng chí Thường trực, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
31/05/2023
Tóm tắt quá trình công tác của đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy

BHG - Đồng chí NGUYỄN MẠNH DŨNG. - Sinh ngày 19/8/1973; Dân tộc: Kinh. - Quê quán: Xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

31/05/2023
Đoàn ĐBQH tỉnh ta thảo luận tổ về một số Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội
BHG-Chiều 30.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thảo luận tại tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH: Hà Giang, Đồng Tháp và Thái Bình. Đại biểu Phạm Thúy Chính và Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh ta tham gia một số ý kiến.
31/05/2023
Công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ
BHG - Sáng 31.5, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng T.Ư Đảng; đại diện các ban xây dựng Đảng T.Ư theo dõi tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
31/05/2023