“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”

10:17, 14/09/2022

BHG - Văn hóa nêu gương là một giá trị cốt lõi của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ đảng viên - những người con ưu tú của giai cấp và dân tộc.Văn hóa nêu gương tạo nên uy tín, tính tiên phong và năng lực lãnh đạo của Đảng. Đó chính là động lực hàng đầu để Đảng ta đoàn kết, thống nhất sức mạnh toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì thế, việc chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, có trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân là công việc thường xuyên, liên tục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cải tạo vườn trong Phủ Chủ tịch năm 1957. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cải tạo vườn trong Phủ Chủ tịch năm 1957. (Ảnh tư liệu)

Nêu gương từ hành động tự thân “Nói đi đôi với làm”, “Nói ít làm nhiều”. Khi “miệng nói tay làm” sẽ tạo ra sức lay động và truyền cảm mạnh mẽ, lan tỏa và lôi cuốn lòng người. Đó là sức mạnh kỳ diệu của nêu gương. Nêu gương xuất phát từ tấm lòng, từ rung cảm của con tim, lay động của khối óc. Nêu gương còn là lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy ánh sáng xua tan cái đen tối… góp phần đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận trong xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản  thân. Trong tác phẩm Đường cách mệnh và trong các bài nói, bài viết sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỗi đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người cần nhận thức và giải quyết tốt ba mối quan hệ đối với mình, với người và với công việc. Trong đó, đối với bản thân, không được tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. Đối với người, phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với công việc, phải luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó, không sợ khổ, phải tận tâm tận lực hoàn thành tốt.

Một trong những tố chất của văn hóa nêu gương là “Miệng nói tay làm” và làm thật tốt, có chất lượng và hiệu quả. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trong lúc nạn đói ở miền Bắc cướp đi mạng sống của 2 triệu người do phát-xít Nhật gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Khi ta nâng bát cơm ăn không khỏi động lòng vì còn biết bao người đói khổ. Tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, 1 tháng 3 bữa, mỗi bữa 1 lon, đem gạo đó cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi của Người đã đi vào lòng dân “Hũ gạo cứu đói” lan rộng khắp cả nước. Nạn đói được đẩy lùi. Sau ngày hòa bình lập lại, có lần Bác đến thăm một ngôi chùa, vị sư chủ trì ra đón và xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa, Bác không đồng ý và cởi dép ra để ở ngoài đúng như quy định đối với khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường về, xe Bác đi đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí Công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi, Bác hiểu ý nên ngăn lại và nói: “ Các chú không được làm thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình". Đồ dùng sinh hoạt cá nhân của Bác cũng rất giản dị và rất tiết kiệm. Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm,  tiết kiệm thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, phô trương hình thức. Là Chủ tịch nước nhưng Bác cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn sơ, giản dị, anh em phục vụ muốn đề nghị may mới cho Bác, nhưng Bác không cho và nói: “Hiện nay đồng bào ta còn thiếu quần, áo mặc. Bác có hai bộ là đủ dùng rồi”. Bác dùng đôi tất rách đã vá lại mấy lần, Bác cũng không dùng tất mới, áo Bác rách có nhiều khi phải vá vai, rồi lộn cổ vá đi vá lại, Bác mới cho thay, Bác nói: “Cái gì còn dùng được nên dùng, bỏ đi không nên”. Có lần một đồng chí cán bộ gần Bác đã mạnh dạn thưa thật với Bác rằng: Bác là Chủ tịch nước, Bác mặc áo sờn vá như thế thì không phù hợp lắm. Bác nói: “Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, Nhân dân chống chủ nghĩa cá nhân. Cả cuộc đời, Người không chấp nhận sự đề cao, tung hô. Tháng 7.1969, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về việc tổ chức bốn ngày lễ lớn của năm: Ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi biết tin này, Bác đề nghị “Bác chỉ đồng ý ba phần tư Nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19.5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau”.

Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng phong cách nêu gương Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Học tập và làm theo phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình.

Từ ý nghĩa to lớn của việc nêu gương nhằm xây dựng Đảng luôn trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, trong số nhiều giải pháp, Đảng ta luôn đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Đây là giải pháp đúng đắn và cũng là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên…”.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định: Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời và nhất quán; cấp uỷ viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động.

Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về phát huy trách nhiệm nêu gương trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.

Trong giai đoạn hiện nay, nêu gương không chỉ là phương thức lãnh đạo mà còn là trách nhiệm, bổn phận, đạo lý và nhân cách của cán bộ, đảng viên, là cội nguồn sức mạnh của Đảng, là điều kiện để nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Nêu gương đã và đang trở thành văn hóa, bởi đó là yêu cầu của Đảng, là mong đợi của quần chúng, là trách nhiệm của người đứng đầu, là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, bất cứ ở đâu, làm gì, từ người đương nhiệm đến cán bộ nghỉ hưu đều cần thấu triệt và thực hiện văn hóa nêu gương, kể cả nêu gương trong xã hội, nơi lối xóm, trong gia đình. Mong sao văn hóa nêu gương thấm sâu trong suy nghĩ mỗi người, biến thành sức mạnh vật chất, góp sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đặng Ngọc Mai - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn kiểm tra công tác cải cách tư pháp tỉnh làm việc với BTV Huyện ủy Xín Mần
BHG - Ngày 13.9, đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh do đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Xín Mần, kiểm tra việc lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCTP trên địa bàn.
13/09/2022
Khai giảng Lớp Bồi dưỡng Kiến thức QP- AN tại Học viện Quốc phòng
BHG - Sáng 13.9, Học viện Quốc phòng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 huấn luyện, đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao, cán bộ khoa học nghệ thuật quân sự đầu ngành của QĐND Việt Nam và cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Tới dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam. Về phía tỉnh ta, dự và tham gia khóa học có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang.
13/09/2022
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ tại Phòng Quản lý đất đai và Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường
BHG - Sáng 13.9, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng BCĐ Quy chế dân chủ của tỉnh và các thành viên đã có buổi làm việc, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường.
13/09/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19

Sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo.

13/09/2022