Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW

08:33, 06/10/2020

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”; “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”; qua đó khẳng định vai trò quan trọng của lý luận và mối quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tế cuộc sống.

Sách lý luận chính trị được trưng bày, giới thiệu tại Thư viện tỉnh phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sách lý luận chính trị được trưng bày, giới thiệu tại Thư viện tỉnh phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau 17 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, của Ban Bí thư T.Ư về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại sách ngày càng phong phú; phương thức, cơ chế hoạt động và quản lý công tác xuất bản, phát hành có nhiều đổi mới; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành từng bước được nâng cao, góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị còn nhiều khó khăn: Chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị còn hạn chế; chưa có nhiều đầu sách hay; số lượng sách bình quân theo đầu người còn thấp; đội ngũ nghiên cứu lý luận, chính trị còn thiếu. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị. Việc mua, đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị ở một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng. Vì vậy, Chỉ thị Số 44-CT/TW, ngày 16.4.2020 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị (Chỉ thị 44) có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới đất nước; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 44 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị; trong đó yêu cầu các cấp ủy Đảng nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 44 nghiêm túc, chủ động, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tiễn; tập trung làm rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cơ bản, cốt lõi, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 44.

Về hình thức triển khai thực hiện, ở cấp cơ sở không tổ chức hội nghị học tập, quán triệt mà lồng ghép vào nội dung sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan để phổ biến đến cán bộ, đảng viên. BTV các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 44 cho cán bộ chủ chốt cấp mình và chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Thành phần tham gia quán triệt, triển khai Chỉ thị 44 là cấp ủy viên, trưởng, phó các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện và tương đương; Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các xã, phường; Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc; báo cáo viên cấp ủy.

Các tổ chức cơ sở đảng phải xác định việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên; phát huy hiệu quả tủ sách lý luận, chính trị, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, thư viện, trường học, phường, xã; khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu sách, trong đó có sách lý luận, chính trị nhằm giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quan tâm thực hiện phong phú về thể loại sách và đa dạng phương thức phát hành sách lý luận, chính trị, trong đó chú trọng phát hành sách trên mạng Internet. Thư viện từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên trang bị và trưng bày sách lý luận, chính trị phục vụ bạn đọc; tăng cường giới thiệu những cách làm hay trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả sách lý luận, chính trị để nhân rộng; cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lý luận, chính trị trên Internet. Ban Tuyên giáo các cấp, trường Chính trị, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận, chính trị kết hợp với kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả nghiên cứu, học tập lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học viên; thực hiện xã hội hóa, liên kết, hợp tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị; tăng cường công tác đấu tranh phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành.

 Đến nay, các tổ chức cơ sở đảng đều đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 44 và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đến toàn thể cán bộ, đảng viên.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Cùng chuyên mục

Trang hoàng đón ngày hội lớn

BHG - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Để tạo không khí náo nức, vui tươi...

06/10/2020
Xem xét nhân sự Trung ương: Không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn

Việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự.

05/10/2020
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tạo sự gắn bó giữa chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp

BHG - "Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tạo sự gắn bó giữa chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp" là nội dung chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong buổi gặp gỡ các doanh nhân tại Chương trình Cà phê Doanh nhân sáng 5.10 nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

05/10/2020
Khai mạc Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII)

Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII) được khai mạc chính thức sáng nay (5/10) tại Thủ đô Hà Nội.

05/10/2020