Vì sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

15:45, 29/05/2020

BHG - Ngày 28.5 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Với đặc thù một tỉnh có phần lớn dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, chương trình khi được triển khai sẽ có ý nghĩa, tác động lớn tới các chủ trương, chính sách của tỉnh với các địa phương đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo dự kiến, Đoàn ĐBQH tỉnh ta sẽ tham gia thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo chương trình này. Để độc giả hiểu rõ hơn, Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang.

Phóng viên Báo Hà Giang phỏng vấn đồng chí Vương Ngọc Hà
Phóng viên Báo Hà Giang phỏng vấn đồng chí Vương Ngọc Hà

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào? Kết quả ra sao?

Đ/c Vương Ngọc Hà: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm và dành nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số như các chương trình: Giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; phát triển văn hóa dân tộc… Riêng đối với Hà Giang, tỉnh đã tập trung ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Giai đoạn 2014 – 2019, tổng các nguồn vốn đầu tư trong nước để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gần 2.169 tỷ đồng, Chính phủ Ai – Len cũng viện trợ cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh 112 tỷ đồng.

 

 

Từ các chính sách hỗ trợ, KT – XH và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên và thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng với 461 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu được đầu tư xây dựng; duy tu bảo dưỡng 508 công trình. Hiện nay 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 89,6% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện; mạng lưới và hạ tầng bưu chính viễn thông đến được trên 97% các địa phương. Tỷ lệ lao động nông được đào tạo đạt 48% và có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm, hiện còn trên 26% (năm 2019). Có 67,7% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế; 94,4% thôn có nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 10,5 bác sỹ/vạn dân. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi được nâng lên. 100% hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện Đề án đưa văn hóa truyền thống vào trường học. QP – AN được giữ vững; đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên…

Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc chung sống, trong đó có 5 dân tộc rất ít người, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất với 32%. Hầu hết, đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú chủ yếu là vùng núi cao; địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xảy ra lũ quyét, sạt lở đất. Khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đa số các thôn, bản đều xa thị trấn và các trung tâm phát triển nên trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn bộc lộ những vướng mắc nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PV: Được biết, tại Kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Với đặc thù là tỉnh có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Đoàn ĐBQH tỉnh ta sẽ kiến nghị, đề xuất những nội dung gì vào dự thảo chương trình này để khi triển khai đáp ứng đúng mong mỏi, nhu cầu phát triển KT – XH của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh?

Đ/c Vương Ngọc Hà: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được xây dựng với các mục tiêu: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…

Qua nghiên cứu, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang thấy rằng việc xây dựng chương trình là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trước Kỳ họp thứ 9, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo có sự tham dự của ban soạn thảo đề án và buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh; các ĐBQH cũng chủ động gặp gỡ các nhóm cử tri để tham vấn ý kiến vào dự thảo chương trình. Qua đó, Đoàn đã tổng hợp, chọn lọc và sẽ tham gia một số ý kiến nghị trường Quốc hội trong kỳ họp này như: Nghiên cứu việc tích hợp chính sách, khắc phục triệt để việc chồng chéo và phân tán nguồn lực, thống nhất đầu mối quản lý, phân bổ và bố trí nguồn lực kịp thời, đầy đủ, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính sử dụng vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương. Việc thực hiện chương trình phải đảm bảo về nguồn lực, một số dự án cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý do vốn đối ứng của địa phương chiếm tỷ lệ cao, cá biệt có dự án vốn đối ứng của địa phương lên tới 58%, như vậy rất khó khăn đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách hạn hẹp như Hà Giang.

Ngoài ra, khi ban hành chính sách thực hiện chương trình cần xem xét đến tính đặc thù của từng địa phương và có hướng dẫn cụ thể đối với việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư, đảm bảo mục tiêu đề ra, tránh trùng lặp chính sách. Việc quyết định định mức đầu tư của một số dự án cần có sự phù hợp với các chương trình, chính sách khác để đảm bảo tính thống nhất cũng như có tính vùng miền. Tập trung vào việc đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; chuyển đổi ngành nghề… tạo sinh kế cho người dân. Tăng cường xóa bỏ hủ tục, đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các cấp học, trang bị cho học sinh phổ thông những kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp, hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương. Đối với dân tộc rất ít người cần xây dựng các chính sách phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư, vốn vay và ưu tiên hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản; đồng thời quan tâm đến việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số rất ít người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH đã trả lời phỏng vấn Báo Hà Giang.

Duy Tuấn (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc với Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

BHG - Ngày 28.5, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ BĐBP tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

29/05/2020
Hội nghị giao ban báo chí tháng 5

BHG - Sáng 29.5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 5. Đồng chí Đặng Ái Xoan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh; các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh.

 

29/05/2020
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát trước Kỳ họp HĐND tỉnh thứ 13 (bất thường)

BHG - Thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh về thẩm tra dự thảo các Nghị quyết của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 13 (bất thường), trong 3 ngày 27-29.5, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do ông Ngô Xuân Nam, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện khảo sát các dự án đầu tư khởi công mới năm 2020 trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì và huyện Quản Bạ.

29/05/2020
Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN

BHG - Sáng 28.5, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN. Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh.

28/05/2020