Hà Giang

Thực hiện đúng, nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh

14:25, 02/04/2020

Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều

Nhìn lại cuộc chiến chống COVID-19, trong giai đoạn 1, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi.

Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới.

Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì chúng ta thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và và hiệu quả.

Ngày 1/4/2020, Việt Nam có tổng số 212 ca dương tính (bao gồm 16 ca giai đoạn 1), trong đó 63 ca đã khỏi bệnh, 43 ca đã âm tính từ 02 lần trở lên. Như vậy hiện còn 149 ca bệnh COVID-19 trong đó 54 ca đã âm tính 1 lần. (4 ca bệnh nặng đã có 3 ca không cần thở máy, 1 ca chuẩn bị chuyển từ ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo) sang thở máy. Chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Việt Nam đã chủ động ngay từ đầu

Ngay từ đầu, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới  áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc vào ngày 8/2 và với tất cả những người nhập cảnh từ ngày 07/3). Việt Nam cũng là một trong số ít nước áp dụng biện pháp ngừng miễn visa, hạn chế nhập cảnh. Đặc biệt, Việt Nam áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21/3/2020.

Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chưa thể thực hiện triệt để được các biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài như nhiều quốc gia khác. Vì vậy trước ngày 21/3/2020, đã có hàng trăm ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam, đã đi khắp đất nước và tiếp xúc với rất nhiều người nên thực tế là đã có mầm bệnh thâm nhập vào cộng đồng.

Vì vậy, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế để phát hiện những người nhiễm bệnh, truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể. Cơ chế này dần được hoàn thiện và đã giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng từ đó tập trung dập ngay từ sớm. Đặc biệt là đối với các chuyến bay có người sau đó được phát hiện là nhiễm bệnh.

Thực hiện đúng, nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh

Hiện nay còn 2 ổ dịch đang được theo dõi sát sao là quán Bar Buddha ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai. Về cơ bản 2 ổ dịch này đã xác định được nguồn lây chính và đang tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, mỗi ca dương tính mà chưa xác định rõ được nguồn lây đều được coi là một ổ dịch tiềm năng.

Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo đó, mỗi người dân cũng cần thực hiện các hướng dẫn của ngành y tế đặc biệt là hạn chế tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết và nếu phải đi ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Có các phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh

Về điều trị, hiện nay cả thế giới chưa có thuốc đặc trị, phác đồ điều trị chuẩn. Đội ngũ thầy thuốc của chúng ta cũng đang ngày đêm tìm tòi, thử nghiệm với tinh thần tất cả vì sức khỏe người bệnh, kết hợp kinh nghiệm từ các đồng nghiệp quốc tế và sự sáng tạo của Việt Nam để có các phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia vùng lãnh thổ có trên 200 ca nhiễm bệnh (Việt Nam đứng thứ 88 về số ca nhiễm bệnh) chưa có bệnh nhân tử vong.

2 nhánh xét nghiệm

Về xét nghiệm. Hiện nay có 2 nhánh xét nghiệm. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày). Trong nhánh thứ hai này, có loại xét nghiệm nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Tại Việt Nam hiện đã nhập khẩu sản phẩm test này từ Hàn Quốc.

Test nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (Độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 – 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại vi rút, vi khuẩn khác).

Vì vậy, loại xét nghiệm này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.

Đối với nước ta, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy móc để xác định chính xác.

Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần có đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng nhưng không được coi kết quả để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh.

Hiện thành phố Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan để từ đó có phương án ứng phó phù hợp.

Theo: Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

BHG – Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Dự báo dịch bệnh còn nguy cơ lây lan diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và KT-XH của Hà Giang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự UBND tỉnh, các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, kịp thời có nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, quản lý tốt đường biên giới, chưa để dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc vào Hà Giang...

31/03/2020
Thủ tướng chỉ thị cách ly toàn xã hội 15 ngày kể từ 0h ngày 1.4

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh...

31/03/2020
"Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước"

Giải thích rõ hơn các yêu cầu trong Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.

31/03/2020
Thủ tướng đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay, 30/3, Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19; đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc; yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng.

 

30/03/2020