Hà Giang

Cần gắn nâng cao vai trò lãnh đạo với năng lực cầm quyền của Đảng

10:02, 03/03/2020

(Góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã đảm nhận sự mệnh lãnh đạo cách mạng. Đến Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Như vậy từ đó đến nay Đảng vừa là Đảng lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền. Có thể nói đây là một đặc thù của thể chế lãnh đạo trong thời đại mới, là vấn đề hệ trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước, cũng như đến vị trí, uy tín, và sự tồn vong của Đảng. Vì thế trong Văn kiện Đại hội Đảng cần phải quan tâm đúng mức đến vấn đề hệ trọng này, nhất là đối với giai đoạn hiện nay, chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện.

Thật ra mối quan hệ giữa lãnh đạo và cầm quyền của Đảng đã được các đại hội Đảng nêu ra gắn với các giai đoạn phát triển của đất nước. Đại hội VII của Đảng đã nêu: “Đảng kiên quyết khắc phục những tệ độc đoán, chuyên quyền, bao biện làm thay công việc của Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, nhưng không thể từ đó lại dẫn đến sai lầm cực đoan khác là buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”. Đến Đại hội IX của Đảng, lại tiếp tục nêu: “Khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc làm thay nhiệm vụ, chức năng quản lý điều hành của chính quyền”. Vấn đề này cả trong nhận thức cũng như trong thực tiễn vẫn đang có sự chồng chéo hoặc bị lạm dụng làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng. Bởi vậy, Đại hội XIII của Đảng cần tiếp tục nhấn mạnh và nêu đầy đủ: Nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng.

Đảng “nắm chính quyền” thông qua những người đại diện của mình để trực tiếp thực hiện công việc quản lý trong bộ máy Nhà nước. Còn hoạt động lãnh đạo của Đảng là tổ chức, vận động thuyết phục nhân dân đi theo Đảng thực hiện đường lối chủ trương của Đảng đề ra. Như vậy hoạt động lãnh đạo của Đảng không gắn với quyền lực. Hoạt động lãnh đạo của Đảng có nội dung bao quát là vận động, thuyết phục nhân dân đi theo Đảng, còn hoạt động cầm quyền là hoạt động gắn với quyền lực, mà cụ thể là “nắm quyền lực Nhà nước” là “điều hành đất nước”. Đây là quyền lực chính trị của Đảng cầm quyền.

Vấn đề này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt khá rõ. Theo Người, hoạt động lãnh đạo được thể hiện qua sự tác động, ảnh hưởng của Đảng, của mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên đối với quần chúng nhân dân; còn hoạt động cầm quyền của Đảng thể hiện sự tác động, ảnh hưởng, chi phối của Đảng, của tổ chức Đảng và mỗi đảng viên đối với Nhà nước và chính quyền các cấp. Hoạt động lãnh đạo của Đảng thông qua mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân; còn hoạt động cầm quyền của Đảng thông qua mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Người cho rằng hoạt động lãnh đạo của Đảng là hoạt động thuyết phục, dẫn dắt, nêu gương không gắn với quyền lực. Đảng và mỗi đảng viên của Đảng phải bằng uy tín, bằng sự hiểu biết của mình, bằng sự tận tuỵ hy sinh “làm đầy tớ cho nhân dân” để thành tấm gương, thành đội ngũ tiên phong trong quần chúng nhân dân; bằng đường lối chủ trương đúng đắn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân; bằng “đạo đức và văn minh” để thuyết phục quần chúng đi theo và ủng hộ thực hiện cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Còn với tư cách là Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng trực tiếp thi hành nhiệm vụ quản lý trong bộ máy nhà nước là những người được Đảng giới thiệu, nhân dân ủy thác bầu ra để phục vụ nhân dân, đại diện cho nhân dân nắm chính quyền. Vì thế, cán bộ, đảng viên hoạt động “cầm quyền, tức là thực hiện công việc quản lý trong bộ máy nhà nước, có quyền lực nhưng quyền lực đó là thuộc về nhân dân”. Người chỉ ra: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành quyền lực ấy”.

Cho nên cần hiểu rằng, hoạt động lãnh đạo và hoạt động cầm quyền của Đảng có điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau chủ yếu của hai hoạt động này đều là sự tác động ảnh hưởng của Đảng đối với nhà nước và xã hội, đều là hướng tới thực hiện cương lĩnh mục tiêu do Đảng đề ra; đều phải quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật và điều quan trọng nhất là đều vì nhân dân, vì đất nước. Điều khác nhau chủ yếu là ở chỗ hoạt động lãnh đạo của Đảng là hoạt động thường xuyên và toàn bộ của toàn Đảng; còn hoạt động cầm quyền là hoạt động của những đảng viên đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức, được gắn với bộ máy công quyền (kể cả trong các lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước). Hoạt động lãnh đạo của Đảng là hoạt động không gắn với quyền lực, còn hoạt động cầm quyền là hoạt động gắn với quyền lực, với hoạt động quản lý, dùng pháp luật, quy chế, quy định… để thực hiện quyền lực của mình. Hoạt động lãnh đạo của Đảng tập trung ở việc xác định chủ trương, đường lối, nghị quyết, ở tính thuyết phục và giáo dục, ở việc cán bộ, đảng viên của Đảng nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong việc thực thi đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống trở thành ngọn cờ để tổ chức, vận động, thuyết phục nhân dân. Còn hoạt động cầm quyền tập trung ở việc thực hiện công tác cán bộ, tức là phân công, giới thiệu, kiểm tra, giám sát những cán bộ ưu tú của Đảng từ các vị trí chủ chốt ở các cấp trong bộ máy nhà nước, thực thi quyền hành quản lý đất nước, quản lý xã hội theo pháp luật và định hướng, mục tiêu của Đảng. Bởi vậy Đảng muốn thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong điều kiện Đảng cầm quyền thì nhất thiết phải hết sức quan tâm đến năng lực cầm quyền của Đảng.

Những vấn đề nêu ra trên đây không chỉ là lý luận mà thực tế diễn ra hiện nay đang có sự chồng chéo mà Đảng cần hết sức quan tâm. Đó là các cấp uỷ Đảng, các đảng viên có chức vụ trong Đảng can thiệp trái với chức năng và thẩm quyền được giao đối với các cơ quan nhà nước; đó là hiện tượng các cơ quan, các cán bộ nhà nước “phớt lờ” sự lãnh đạo của Đảng, hoặc “hợp thức hoá” sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, để đề ra những cơ chế những quy định sai trái, đến khi vỡ lẽ ra thì không dám chịu trách nhiệm. Điều đáng quan tâm là một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền do nhiều nguyên nhân mà khi đề ra các chủ trương, hoặc trong quá trình thực hiện dẫn đến những thiệt hại gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của dân; hoặc lợi dụng chức quyền để tham ô, bòn rút của công bằng nhiều thủ đoạn; quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vô cảm, xem thường dư luận làm dân mất lòng tin. Những hạn chế này có phần do nhận thức chưa đầy đủ, do đặt vấn đề chưa đúng mức giữa mối quan hệ giữa lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Bởi vậy nếu không chú ý đúng mức đến năng lực cầm quyền kể cả năng lực điều hành quản lý, kể cả phẩm chất đạo đức để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng khi có chức quyền thì “lộng hành”, rồi “ăn trên, ngồi trốc”, sống như những “ông vua con” như Bác Hồ đã chỉ ra thì tổn hại rất lớn đến vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng cầm quyền.

Bởi những lý lẽ như đã phân tích trên và thực tiễn đang diễn ra. Thiết nghĩ, trong nội dung xây dựng Đảng của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần gắn việc nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng với năng lực cầm quyền thành nội dung xuyên suốt của Đảng cầm quyền: “Nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng”.

TS. Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Chi bộ Thường trực và các Ban HĐND tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 – 2022

BHG - Chiều 28.2, Chi bộ Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 – 2022. Dự đại hội có các đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đảng viên Chi bộ Thường trực và các Ban HĐND tỉnh...

29/02/2020
Họp nghe tiến độ triển khai một số dự án thu hút đầu tư ngoài NSNN

BHG - Chiều 28.2, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và các đơn vị nhằm nắm bắt tiến độ triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh. Dự cuộc họp có lãnh đạo các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang.

 

28/02/2020
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh thăm một số cơ sở y tế nhân ngày 27.2

BHG - Chiều 27.2, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang đã tới thăm, động viên cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Bệnh viện Đức Minh nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2020). Cùng đi có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế.

28/02/2020
Triển khai Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

BHG - Ngày 27.2, UBND tỉnh tổ chức họp triển khai Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; cùng dự có Phó GS-TS Trần Thị Thu Hà, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

 

28/02/2020