Nhớ về nghị quyết lịch sử quyết định sự ra đời và phát triển của Báo Hà Giang

10:20, 12/04/2019

BHG - Đó là Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 13.4.1964: “Về công tác của Báo Hà Giang và các bản tin của một số ngành trong tỉnh”. Cuộc họp có mặt các đồng chí: Lê Văn Lương - Bí thư; Dương Mạc Thạch - Phó Bí thư; Nguyễn Văn Mạnh - Thường vụ Thường trực; Nguyễn Thế Kỳ - Thường vụ; Kim Xuyến Lượng - Thường vụ. Đây là một Nghị quyết chuyên đề quyết định sự ra đời, xây dựng và phát triển của Báo Hà Giang và đội ngũ những người làm báo của tòa soạn cách đây tròn 55 năm.

Đồng chí Lê Trọng Lập duyệt giao diện Báo Hà Giang điện tử. Ảnh: Tư Liệu
Đồng chí Lê Trọng Lập cùng đoàn công tác của Báo Hà Giang thăm và làm việc với Báo Quảng Nam. Ảnh: Tư Liệu

Nhớ lại cách đây 15 năm, để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Hà Giang và báo ra số đầu tiên (13.4.1964 – 2004), Ban Biên tập Báo Hà Giang đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép tìm kiếm tư liệu tại kho lưu trữ của Tỉnh ủy, chúng tôi đã được tiếp cận và nghiên cứu kỹ lưỡng biên bản họp Hội nghị Thường vụ và toàn văn bản Nghị quyết số 11- NQ/TU lịch sử này.

Hoàn cảnh ra đời của Nghị quyết số 11-NQ/TU

Cuối năm 1951, để có thông tin kịp thời về sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh cũng như phản ánh các hoạt động đang diễn ra - Phòng thông tin trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh được giao xuất bản tờ “Tin Hà Giang” - 2 trang khổ 30 x 42 cm, do đồng chí Phạm Kim Quy phụ trách và trực tiếp làm tin, bài. Tờ tin xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, từ năm 1960 lên 3 kỳ/tháng, trong hơn 10 năm, tuy xuất bản không nhiều nhưng đã có mặt ở các cơ quan trong tỉnh, đến huyện, xã, các chi bộ cơ sở; với nội dung thông tin về các hoạt động kinh tế - chính trị - quốc phòng - trị an, các gương sáng làm tốt công tác ở cơ sở. Đến đầu những năm 60, phong trào hợp tác hóa, xóa bỏ làm ăn riêng lẻ được đẩy mạnh gắn liền với công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, xóa bỏ mù chữ cho nhân dân - đi cùng với các nội dung kế hoạch 5 năm của nền kinh tế. Do vậy, công tác báo chí tuyên truyền đã đặt ra những yêu cầu mới, tờ “Tin Hà Giang” đã như một chiếc áo chật cần được thay thế cho phù hợp.

Quyết định lịch sử - ra đời tờ báo của Đảng bộ

Thực hiện Nghị quyết 60 ngày 8.12.1958 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết số 05 ngày 10.01.1961, Nghị quyết số 48 ngày 27.02.1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác báo chí; căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của báo chí địa phương, kết quả hoạt động của tờ TIN HÀ GIANG  - Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định: “Chính thức thành lập cơ quan báo của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang, lấy tên là Báo Hà Giang, tòa soạn báo là cơ quan của Đảng bộ tỉnh do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo. Tòa soạn tổ chức theo chế độ thủ trưởng, cử đồng chí Nguyễn Thế Kỳ - Ủy viên Ban Thường vụ là Chủ nhiệm chính trị của báo; đồng chí Phạm Kim Quy làm Tổng Biên tập; định số biên chế là 9 người (không kể Chủ nhiệm). Dừng xuất bản các bản tin của các ngành: Văn hóa, trạm chè, giáo dục, thời tiết nông lịch; các nội dung đang có của các bản tin này chuyển sang đăng trên báo Đảng bộ tỉnh.

Những nhiệm vụ giao cho Báo Hà Giang ngày đầu thành lập

Nghị quyết số 11 – NQ/TU đã chỉ rõ: Hà Giang đang quyết tâm thực hiện kế hoạch 5 năm cùng cả nước; nhưng đây là một tỉnh nông nghiệp, còn lạc hậu, nhiều dân tộc, trình độ giác ngộ của quần chúng còn thấp, khá đông người chưa biết chữ. Vì vậy đối tượng chủ yếu của báo là cán bộ cơ sở gồm: Tổ trưởng Đảng, đội trưởng sản xuất, tổ trưởng đội công, cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX), cán bộ ngành, các giới, bí thư, chủ tịch xã, các cơ quan, trường học.

Nội dung của báo là những công tác của cơ sở: Sản xuất nông nghiệp, xây dựng HTX, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng và mọi hoạt động của nông thôn, vùng cao làm phương hướng chính. Những hoạt động của các ngành, các cấp có liên quan, ảnh hưởng tới sự phát triển của nông thôn và đời sống nhân dân cũng là nội dung tuyên truyền của báo; phải thể hiện được các chủ trương, kế hoạch của Tỉnh ủy, ủy ban đối với cơ sở trong tỉnh.

Bài viết phải thích hợp với trình độ cơ sở, ngắn gọn, dễ hiểu, xúc tích; chống xu hướng đơn sơ làm mất tác dụng chỉ đạo của bài; bài dài nhất không nên quá 800 chữ; mỗi số nên có khoảng 3 – 4 ảnh và 2 – 3 bản khắc; phải có một trang tuyên truyền cho vùng cao, trong đó ít nhất phải có một bài bằng chữ Mèo.

Đối với cán bộ làm báo: Phải có kế hoạch học tập chính trị, chủ trương, chính sách, cách làm báo để nâng cao nhận thức và nghiệp vụ; phải có lý thuyết kết hợp thực hành; phải đi xuống cơ sở, bám sát thực tiễn phong trào. Khi chính thức phát hành thì thi hành chế độ nhuận bút cho phóng viên, thông tin viên và chế độ Chính phủ đã ban hành đối với cán bộ làm báo.

Truyền thống là điểm tựa niềm tin cho Báo Hà Giang hôm nay

Kể từ mốc lịch sử ngày 13.4.1964 - rất nhiều thế hệ làm báo của tòa soạn đã nối tiếp nhau dấn thân cống hiến cho nghề làm báo nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang. Nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm trước nhân dân và Đảng bộ, chính quyền - Báo Hà Giang đã thực sự chú trọng, chuyên sâu, cụ thể trong công việc làm báo. Từ xác định chủ đề, nội dung tuyên truyền, lên kế hoạch xuất bản chi tiết cho các loại hình báo chí, đến việc xây dựng đội ngũ, phân công bố trí con người; việc nghiên cứu, thực hành giữa lý luận báo chí và thực tiễn cuộc sống đang diễn ra - những người làm báo của Báo Hà Giang vẫn luôn nhắc nhau phải thấm nhuần và trân trọng những nét đẹp, cái đúng, cái hay của dòng chảy truyền thống. Vì qua sàng lọc của thời gian và thực tiễn - rất nhiều nội dung, yêu cầu mà Nghị quyết 11-NQ/TU cách đây hơn nửa thế kỷ đặt ra đã được cọ sát, chắt lọc trở thành cách nghĩ, cách làm phù hợp, đúng đắn cho nghề làm báo - phải hướng về cơ sở, hướng về người dân, đến với cuộc sống đó sẽ là đối tượng và đề tài luôn mới và sống động, có như vậy mới nói đúng, viết đúng điều dân mong, Đảng muốn, xã hội cần, đúng thực tiễn. Nhân lên gương tốt, cái hay, cái đúng và cái đẹp; phê phán, loại trừ cái sai, cái xấu và cái ác - để từ đó có nhiều bài báo thực sự “Đúng - Trúng - Hay - Kịp thời” phục vụ nhân dân và bạn đọc tỉnh nhà.

55 năm đã qua đi, biết bao thế hệ những người làm báo của tòa soạn đã nối tiếp nhau sống, làm việc, trụ vững với nghề làm báo vinh quang, có nhiều niềm vui và tự hào nhưng vô cùng vất vả; quá nhiều thử thách và cả những cạm bẫy, hiểm nguy luôn rình rập! Vượt lên tất cả, họ là những cây bút, tay máy lăn lộn với nghề, với cuộc sống phức tạp, đa dạng, nhiều chiều. Công việc của họ là có mặt kịp thời, đúng lúc ở bất cứ nơi nào mà nhân dân, Đảng, chính quyền cần đến.

Để từ đó có những tác phẩm báo chí phản ánh sâu sắc, cụ thể, chính xác, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bảo vệ vững chắc trận địa văn hóa - tư tưởng của Đảng; trở thành “cầu nối” thông tin cho Đảng bộ, chính quyền với mọi người dân nơi đỉnh đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Lê Trọng Lập  (Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội MTTQ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2019 – 2024

BHG - Ngày 11.4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quản Bạ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 với chủ đề "Đoàn kết - Đồng thuận - Dân chủ - Đổi mới - Hợp tác - Phát triển". Dự Đại hội có đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện Ủy ban MTTQ huyện Yên Minh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang huyện Quản Bạ và 155 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong huyện.

12/04/2019
Phát huy vai trò báo chí trong phát triển KT – XH

BHG - Những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Báo Hà Giang đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT - XH chung của tỉnh...

12/04/2019
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với thị trấn Mèo Vạc và xã Sủng Máng

BHG - Ngày 11.4, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có các buổi làm việc với Đảng bộ thị trấn Mèo Vạc và Đảng bộ xã Sủng Máng (Mèo Vạc). Tại các buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã nghe các Đảng bộ báo cáo về tình hình phát triển KT – XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...

12/04/2019
Thành phố Hà Giang đối thoại với các hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ

BHG - Ngày 11.4, Thành ủy Hà Giang tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Dự hội nghị có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phố; Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, các xã, phường trên địa bàn.

 

11/04/2019