Hà Giang

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cần thêm thời gian để hoàn chỉnh!

16:03, 16/11/2018

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng cần “luật hóa” rõ ràng hơn để chống chuyển giá, trong bối cảnh hoạt động chuyển giá đang diễn biến phức tạp, tinh vi. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật này còn chưa hoàn chỉnh, và đặt ra câu hỏi về tính khả thi.

Chuyển giá là một hoạt động đã và đang diễn ra ở Việt Nam nhiều năm nay, gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngăn chặn chuyển giá vẫn là một vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý. Hiện nay, hoạt động chuyển giá không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nước ngoài mà thậm chí còn xuất hiện nhiều ở các doanh nghiệp trong nước.

Nhằm kiểm soát tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách, nhằm thiết lập và dần hoàn thiện khung pháp lý cho công tác chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ chế pháp lý nhất định cho công tác đấu tranh chống hoạt động chuyển giá đang diễn ra tại các doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 15-11. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 15-11.

                                                                                                    Ảnh: Quochoi.vn

Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Quản lý thuế - sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo luật) đưa ra xin ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này, được kỳ vọng sẽ bổ sung những giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả cho công tác chống chuyển giá.

Nỗ lực "bịt lỗ hổng", tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chắc chắn

Tại phiên thảo luận về Dự thảo luật của kỳ họp lần này, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn) dẫn số liệu cho biết, có tới gần 60% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tương tự, ở tỉnh Lâm Đồng, với 104 trên 111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục. Ở tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011.

Mặc dù báo cáo thua lỗ liên tục nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây chính là những biểu hiện đáng ngờ về hoạt động chuyển giá.

Các báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, các doanh nghiệp FDI kê khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày, sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu, công nghiệp chế biến.

Trước thực trạng trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là việc ban hành Nghị định số 20 năm 2017 về chống chuyển giá.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, với những cơ sở pháp lý đã có, cơ quan quản lý thuế các cấp đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu, đã tổ chức được nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Quản lý thuế, trong các năm 2015, 2016 cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 965 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, đã thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt 6.295,23 tỷ đồng, giảm lỗ được 7.491,39 tỷ đồng, giảm khấu trừ được 286,11 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 4.743,59 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, kết quả trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp, và nguyên nhân của tình trạng này là do "hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng".

Trên cơ sở luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20 năm 2017 của Chính phủ, đồng thời để có cơ sở pháp lý rõ ràng, chắc chắn hơn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị dành một Chương trong Dự thảo luật cho những quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả công tác chống chuyển giá, tránh thuế, nhằm đạt yêu cầu đặt ra.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng cần nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo luật nội dung về áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập trong quản lý thuế đối với các phát sinh giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết, nhằm chống chuyển giá và xói mòn nguồn thu từ các doanh nghiệp đa quốc gia.

Còn chồng chéo và liệu có khả thi?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) kỳ vọng lần sửa đổi này của Dự thảo luật sẽ nhận diện rõ và bổ sung các giải pháp hiệu quả hơn để chống chuyển giá. Tuy nhiên, trước thực trạng hoạt động chuyển giá diễn ra “đa dạng, tinh vi”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của những giải pháp được bổ sung trong Dự thảo luật.

Thí dụ như các quy định về giao dịch điện tử, về quản lý rủi ro trong Dự thảo luật còn chưa rõ ràng. Ngoài ra, về các giải pháp khác như về cơ chế thỏa thuận trước và phương pháp xác định giá tính thuế, tuy được đánh giá là khá hiệu quả để chống chuyển giá trong thời điểm hiện tại, nhưng trong Dự thảo luật vẫn chưa quy định trình tự, thủ tục, cách làm và lộ trình bắt buộc áp dụng, đối tượng bắt buộc áp dụng cơ chế này.

Hơn nữa, về phương pháp kiểm tra, thanh tra thuế, Dự thảo luật lại chưa thể hiện được quy định đặc thù về thanh tra thuế. Thậm chí còn “lẫn lộn, chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và trùng lắp chức năng của cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhận định.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), một nội dung đáng quan tâm hơn là kiểm toán nhà nước đã bị Dự thảo luật lần này "đẩy ra ngoài". Trong khi đó, kiểm toán thu ngân sách nhà nước là kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan thuế, kiểm tra nghĩa vụ của người nộp thuế để truy thu cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, trong Dự thảo luật quy định, trường hợp quyết định xử lý của cơ quan thuế về việc thực hiện nhiệm vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan Thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế (?). Hay nói cách khác là khi xảy ra tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi có sự khác biệt trong xử lý của cơ quan thuế và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, nếu theo quy định của Dự thảo luật thì báo cáo kiểm toán nhà nước sẽ không có giá trị thực hiện???

Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như trên trong Dự thảo luật là chưa phù hợp, chưa đánh giá đúng vai trò, vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong hệ thống chính trị.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Dự thảo luật sẽ được nghiên cứu, hoàn chỉnh và gửi các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục xin ý kiến. Sau đó, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình ra Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp sau.

 

"Chúng tôi thấy rất nhiều vấn đề và nhiều công đoạn chúng ta phải làm, phải phối hợp cho tốt. Qua thanh tra, kiểm tra như chúng tôi báo cáo, năm ngoái giảm lỗ được 37.000 tỷ đồng. Thực chất là có vấn đề về chuyển giá ở đây, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước"

"Tôi cho rằng chuyển giá ở đây có rất nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, cơ quan thuế mới làm được ở khâu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng còn khâu đầu tư, đầu tư nước ngoài cũng có biểu hiện của chuyển giá"

"Chúng tôi thấy trong điều kiện tình hình hiện nay đang phát triển, trong điều kiện kinh tế 4.0, có rất nhiều vấn đề. Còn lại những vấn đề khác, chúng tôi xin tiếp tục tiếp thu và nghiên cứu để dự án luật được hợp lý, xác đáng, làm sao cho luật có chất lượng cao nhất, triển khai với hiệu quả cao nhất"

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo: nhandan.com.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kiểm tra Cải cách hành chính tại Sở KH&ĐT, Sở TN&MT

BHG - Ngày 15.11, Đoàn Kiểm tra Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi kiểm tra công tác CCHC đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Dự buổi làm việc với đoàn có lãnh đạo Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, đại diện các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của 2 sở.

16/11/2018
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại các địa phương

BHG - Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4 - 7.12. Ngày 15.11, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh. Buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Trịnh (Quang Bình) của Tổ đại biểu HĐND tỉnh do đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng; buổi tiếp xúc cử tri xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) do đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang làm Tổ trưởng...

16/11/2018
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang)

BHG - Ngày 16.11, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác T.Ư đã đến thăm hỏi, động viên bà con nhân dân và dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang)...

16/11/2018
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm việc với Đảng ủy xã Tùng Vài

BHG - Chiều 15.11, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã làm việc với Đảng ủy xã Tùng Vài (Quản Bạ) theo Quyết định 195 của BTV Tỉnh ủy về phân công theo dõi, giám sát đảng bộ các xã, thị trấn. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo huyện Quản Bạ.

16/11/2018