Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước

09:18, 27/05/2018

Ngày 25, sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017).

Trong 3 buổi thảo luận tại hội trường về KT-XH và ngân sách nhà nước có 60 đại biểu phát biểu, 13 đại biểu tranh luận, 21 đại biểu đã đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên chưa được phát biểu. Trong quá trình đại biểu Quốc hội thảo luận, các Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Công Thương; Tài chính đã phát biểu giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Chính phủ

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, không khí các phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, bao quát trên các lĩnh vực, từ: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và tư pháp.... Đa số đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước; biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các tồn tại, hạn chế đã được các đại biểu đề cập trong một ngày rưỡi thảo luận như: Tăng trưởng kinh tế nước chưa thực sự vững chắc, mô hình tăng trưởng chưa rõ nét, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài và khu vực FDI; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương có phần bị hạn chế; số nợ xấu vẫn còn lớn, thị trường chứng khoán có khởi sắc song cần tránh những rủi ro tiềm ẩn; thị trường bất động sản đang có biểu hiện nóng lên và có thể tác động trái chiều đến nền kinh tế; môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản chưa được tháo gỡ; cải cách hành chính chưa thật triệt để, còn tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo; công tác quản lý tài sản công, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo; việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, nhất là giao kế hoạch đầu tư công… 

Những tồn tại hạn chế nêu do nhiều nguyên nhân, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan từ hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và một nguyên nhân rất quan trọng là mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chưa chuyển mạnh sang chiều sâu gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý còn nhiều vấn đề đại biểu yêu cầu cần được tiếp tục giải quyết như: Sức khỏe của người dân, chất lượng nguồn nhân lực, tình trạng quá tải bệnh viện, dịch vụ khám chữa bệnh, vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng; về cải cách giáo dục, tình trạng ứng xử của giáo viên, của học sinh, của phụ huynh, về vấn nạn bạo lực học đường, vấn đề lao động và việc làm của học sinh, sinh viên mới ra trường; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; công tác xóa đói, giảm nghèo; điều kiện sinh hoạt, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp; tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải; tình trạng cháy rừng, buôn lậu gỗ, khai thác cát lậu, tình trạng sạt lở, tình trạng phân bón giả còn diễn biến phức tạp… 

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2018 như báo cáo của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý; tập trung chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo chính sách cho người có công; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ và sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong phiên thảo luận sáng 26/5, các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), Giàng Thị Bình (Lao Cai), Phan Thị Mỹ Dung (Long An), A Pót (Kon Tum), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).... phát biểu về các vấn đề: Cải cách hành chính, thực thi nghiêm công vụ; phát triển kinh tế tư nhân; nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chính sách người có công với cách mạng; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo;...

Mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện phương châm "10 chữ"

Mở đầu phiên thảo luận sáng 26/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, 3 yếu tố nền tảng tạo sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo chính là: trách nhiệm của Chính phủ, kết quả tăng trưởng kinh tế và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. 

Đại biểu tán thành việc Chính phủ đề ra và duy trì phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp, vì hành pháp “gánh” quyền lực mạnh, đa nhiệm, đa năng, nếu không có nền kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng sai một ly đi một dặm... Nhấn mạnh điều này, đại biểu mong muốn và đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện phương châm hành động và luôn kiểm soát bộ máy hành chính bằng "10 chữ vàng" khuôn phép đã đề ra. Đó là triết lý của hành động, nền tảng của thành công.

Đại biểu chia sẻ, sau thời gian dài đi sâu, đi sát vào cơ sở, Thủ tướng đã đem đến sự động viên rất ý nghĩa với giai cấp công nhân, nông dân, nhà khoa học và mọi tầng lớp trên cả nước.

Ghi nhận điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Thủ tướng đã thành lập hai tổ giúp việc và nhóm tư vấn, còn nhiều dung Thủ tướng đã chỉ đạo, song các cấp được giao vẫn án binh bất động. Phải thực hiện chính sách đến từng việc để đánh giá mức độ tuân thủ của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương mới có thể xác định trách nhiệm, tránh tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh như hiện nay.

Đại biểu bày tỏ ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền nhân dân và Quốc hội giao là đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp, triển khai luật pháp, kiên quyết xử lý cán bộ theo thẩm quyền. Trước hết có thể tạm đình chỉ công việc những cán bộ, lãnh đạo “hành” dân, “hành” doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong: Thu – chi ngân sách, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn bằng giả, thăng tiến thần tốc, bổ nhiệm, nâng đỡ không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu... "Nhân dân và cử tri rất mong chờ có sự chuyển biến nhanh chóng trong vấn đề này".

Cần có chính sách rõ ràng "để bà con đỡ cảm thấy tủi thân"

Liên quan đến vấn đề di dân, trực tiếp đi các đoàn khảo sát và giám sát, cả 2 vấn đề này thì hiện nay còn nhiều bà con ở phía Bắc di cư vào các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên như trong Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai... đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Ở đây bà con hầu như vào các rừng đặc dụng, rất đau đớn là bà con cũng phá khá nhiều rừng để làm kế sinh nhai.

“Tuy nhiên, tôi xin khẳng định trước Quốc hội là theo nhận thức của tôi thì bà con không phải là lâm tặc, chỉ vì kế sinh nhai mà phải đốt phá rừng để làm nương rẫy, trồng cà phê và cũng đóng góp một phần kinh tế xã hội cho địa phương” đại biểu bày tỏ và cho biết: Hiện nay họ không có giấy tờ tùy thân, không có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, không được công nhận thực sự là một người công dân. Trong khi đó họ là đồng bào của chúng ta, là người dân tộc thiểu số, là người già, trẻ em, phụ nữ, thậm chí là gia đình người có công. Nhiều thiết chế văn hóa và y tế không đến được với người dân, do đó người dân hết sức thiệt thòi.

Đại biểu đề nghị: "Quốc hội nghiên cứu và đề nghị Chính phủ có chính sách hết sức rõ ràng đầu tư cho các tỉnh này để bà con đỡ cảm thấy tủi thân, hiện nay không được học hành, mà các địa phương cũng đã có sự quan tâm nhưng không thể thấu được".

"Vấn đề thứ hai là dân di cư tự do ở hai bên biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia thực sự họ cũng là đồng bào, đều là một biên giới, một ranh giới pháp lý nhưng thực ra là chia đôi một làng, một xã, đều là cùng một thân tộc. Cho đến hiện nay, chúng ta cũng đã có những vận dụng chính sách và tôi cũng rất hoan nghênh một số chính quyền của các tỉnh giáp biên giới như Quảng Nam, Kon Tum... đã có những chính sách đối với bà con để giúp cho bà con có thể có cuộc sống ổn định.

Chúng ta sử dụng ngoại giao nhân dân để chúng ta giúp đỡ bà con và giúp đỡ các nước bạn, tuy nhiên chúng ta thực sự chưa có một chính sách đầy đủ. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung chính sách này để đảm bảo chúng ta có sự hoàn thiện về KT-XH" - đại biểu nói.

Kiên quyết cắt giảm giấy phép "con cháu

Về phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng điểm nhấn quan trọng của năm 2017 là Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10 xác định tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ cũng có các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiện hiện nay, kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục được ví như đội quân “thuyền thủng” gặp gió sẽ khó trụ được. Với gánh nặng về chi phí thủ tục cùng với mô hình nhỏ lẻ, năng lực quản trị yếu thì căn bệnh kinh niên khó có thể chữa. Nhấn mạnh điều này, đại biểu kiến nghị 4 vấn đề cần giải quyết: 

Một là, cải cách mạnh mẽ về hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các giấy phép “con cháu”. Chỉ tính các chi phí thực hiện 5917 điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành, mỗi năm doanh nghiệp đã phải bỏ ra hơn 28,6 triệu ngày công với chi phí 4.300 tỷ đồng. Do vậy, cần sớm hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, cải cách tài chính công như cách làm của Singapore thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện. Đồng thời quản lý nghiêm túc và giám sát, phát hiện sai xử lý vi phạm. 

Hai là, đầu tư kết cấu hạ tầng, chú ý phát triển hệ thống giao thông, mạng, xây dựng những trung tâm, thành phố đáng sống, khu  kinh tế có mức độ tự chủ cao, giảm chi phí logictis nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. 

Ba là, tạo môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, “đoạn tuyệt” hoàn toàn sự phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.  

Bốn là, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân với lãi suất thấp theo kênh hỗ trợ vốn, hỗ trợ quản trị đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ. 

Hình thành 4 trụ cột hết sức quan trọng về an sinh xã hội

Phát biểu tham luận, đại biểu Bùi Sĩ Lợi phát biểu cho biết trong thời gian qua, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế hết sức khó khăn, ngân sách rất hạn chế nhưng Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực đáng kể để bảo đảm an sinh, xã hội cho người dân, được quốc tế đánh giá rất cao và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện và hình thành 4 trụ cột hết sức quan trọng. Trụ cột về phòng ngừa rủi ro cho người dân trước khi có biến động xảy ra cơ bản đi vào cuộc sống. Trụ cột chính sách phòng ngừa rủi ro, bảo đảm cuộc sống cho người dân, bao gồm 3 chính sách cơ bản: giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề người lao động bước vào thị trường lao động và giảm nghèo bền vững – đây là chính sách xã hội nhưng tác động đến an sinh xã hội của người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ những nghịch lý trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người lao động, qua đó đại biểu kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề: Một là, phải tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động, bản thân lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân để đi trước đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0. Hai là,chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lao động năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao. Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo dạy nghề và quản trị doanh nghiệp. Trụ cột giảm trừ rủi ro

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội, có giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước theo hướng nâng cao mức hỗ trợ để khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội;...  Đồng thời, có giải pháp thực hiện hiệu quả để nhà ở cho người dân thực sự trở thành một trụ cột của chính sách an sinh xã hội...

Đại biểu cũng bày tỏ quan điểm liên quan đến vụ tòa án đang xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, cho rằng bác sĩ Lương vô tội; đồng thời đề xuất cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng bạo hành trong bệnh viện, bạo hành học đường...

An sinh xã hội là điểm sáng trong bức tranh KT-XH

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm. Trước hết về an sinh xã hội, chăm sóc người có công, công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách,... Bộ trưởng cho biết công tác này được Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm với tinh thần tương thân, tương ái, bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh KT-XH nước ta;...

Về nhà ở, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã có quyết định phân bổ 8100 tỷ đồng để các địa phương triển khai xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng trong năm 2018; hiện nay, chúng ta đang quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ cho hơn 3 triệu người có hoàn cảnh khó khăn;... Nhà nước đã đầu tư 48 nghìn tỷ, thực hiện 21 chương trình mục tiêu để giảm nghèo bền vững, tập trung vào các lõi nghèo (các huyện 30a, các xã 135, xã bãi ngang...)... hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,7%; 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt và vượt chỉ tiêu;...

Về lao động, thời gian qua việc chuyển dịch cơ cấu lao động đã diễn biến theo hướng tích cực; tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, lao động làm công ăn lương tăng dần; tỷ lệ lao động thất nghiệp đã giảm so với thời kỳ trước... Tuy nhiên lao động phổ thông vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, thiếu lao động giỏi, chuyên gia đầu ngành; việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường vẫn còn khó khăn; năng suất lao động tuy có chuyển biến, nhưng chưa được như kỳ vọng;...

Thời gian tới Bộ sẽ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển sang đào tạo theo địa chỉ, theo định hướng, theo đặt hàng, theo nhu cầu dự báo của thị trường lao động;...

Đến 2020 hoàn thành xử lý 12 dự án yếu kém

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo bổ sung 3 nội dung. Thứ nhất về phát triển xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo; hàng hóa Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới; 28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD;...

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; khó khăn trong vấn đề tháo dỡ các rào cản quan thuế, hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị...

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ trưởng khẳng định đây là một trong những động lực tăng trưởng, tuy nhiên vẫn tồn tại 2 vấn đề lớn cần khắc phụ như: Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về năng lực, trình độ nguồn nhân lực, quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới; chính sách chậm đáp ứng yêu cầu; cạnh tranh ngày càng gay gắt... 

Về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém, Bộ trưởng Trần Tuấn An cho biết, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng ban, hiện đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án tồn đọng, phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản, đến 2020 hoàn thành xử lý các dự án này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn để không xuất hiện thêm các trường hợp tương tự... 

Hiện 2 dự án đã khắc phục được tồn tại đi vào hoạt động thương mại trở lại, bước đầu có lãi,... 4 dự án bước đầu giảm lỗ, từng bước đi vào hoạt động ổn định theo đúng lộ trình,... Các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan đến các dự án sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.

Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, quản lý chặt chi NSNN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình 3 vấn đề. Thứ nhất về tái cơ cấu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, thu NSNN năm 2016, 2017 đều vượt kế hoạch đặt ra, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi cho nhân sách. 

Cụ thể là, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu từ dầu thô giảm, thu ngân sách trung ương khoảng 55,6% (giảm so với giai đoạn trước), chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng mức ưu đãi thấp hơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, mở rộng thực hiện thu thuế điện tử, hải quan điện tử... 

Về chi ngân sách nhà nước, Chính phủ tiếp tục tập trung quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật chi, đẩy mạnh khoán chi ngân sách nhà nước; chỉ được chi trong dự toán, kiên quyết thu hồi các khoản chi sai; rà soát, sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn... 

Thời gian tới sẽ tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra, kiểm toán; xử lý nghiêm các sai phạm về thuế... 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giải trình một số vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công,...

Trong 2 phiên thảo luận ngày 25/5, có 42 đại biểu phát biểu, 8 đại biểu phát biểu tranh luận. Trong phiên thảo luận chiều 25/5, đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình); Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa), Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), Vương Ngọc Hà (Hà Giang), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), Ngô Sách Thực (Bắc Giang), Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định),... bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Chính phủ; đánh giá cao những kết quả ấn tượng đã đạt được về KT-XH, cũng như sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thực hiện... 

Nêu lên một số tồn tại, hạn chế hiện nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi; đề nghị giải quyết căn bản vấn đề di dân tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện; rà soát tình hình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; ưu tiên vốn cho các tỉnh nghèo để đầu tư các dự án an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, chính sách dân tộc; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý chặt tài sản công, đất công; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp xử lý tro xỉ các dự án nhiệt điện; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản; giải pháp khắc phục những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay; nâng cao năng suất lao động;...

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên dự Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ của xã Phong Quang

BHG - Ngày 25.5, đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đến dự Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2015-2020) tại xã Phong Quang (Vị Xuyên). Cùng đi có lãnh đạo HĐND huyện Vị Xuyên, Văn phòng HĐND tỉnh và một số phòng, ban ngành của huyện.

27/05/2018
Diễn đàn "Chiều thứ 6 nghe dân nói" tháng 5

BHG - Chiều 25.5, tại tổ 9, xã Phương Độ, HĐND thành phố Hà Giang tổ chức Diễn đàn "Chiều thứ 6 nghe dân nói" tháng 5. Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo UBND thành phố; các phòng, ban chuyên môn, UBND xã Phương Độ và nhân dân trên địa bàn xã.

26/05/2018
Thẩm tra đề xuất Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu biên mậu Nà La

BHG - Chiều 25.5, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh về kết quả thẩm tra đề xuất Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu biên mậu Nà La. Hiện nay, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Xây dựng TSC đã lập dự thảo đề xuất dự án: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu biên mậu Nà La và tuyến đường từ Km 0 (Km 311 + 700 – Quốc lộ 2) đến Km 1 + 26 Khu biên mậu Nà La, thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).

26/05/2018
Hội đàm giữa Sở Công thương và Cục Thương vụ châu Văn Sơn (Trung Quốc)

BHG - Sáng 25.5, tại tỉnh ta, Đoàn đại biểu Sở Công thương tỉnh Hà Giang (Việt Nam) đã tổ chức Hội đàm với Đoàn đại biểu Cục Thương vụ châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) 5 tháng đầu năm 2018, đề xuất chương trình phối hợp từ nay đến cuối năm.

 

25/05/2018