Hà Giang

Ngày làm việc thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

07:42, 11/05/2018

Sáng 10-5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về Đề án Cải cách chính sách BHXH. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều hành phiên thảo luận.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều hành phiên thảo luận.

Các ý kiến phát biểu tại Hội trường nhấn mạnh, chính sách BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là lĩnh vực rộng lớn, nhạy cảm, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong quá trình phát triển đất nước. Dù mới hình thành cùng với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng BHXH nước ta đạt một số kết quả quan trọng. Số lượng người tham gia BHXH không ngừng tăng, đến cuối năm 2017 đạt 13,9 triệu người, tăng 2,3 lần so với đầu năm 2007. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách BHXH còn nhiều yếu kém, diện bao phủ cũng như quy mô tham gia thấp; hệ thống BHXH cơ bản còn thiết kế đơn tầng. Năm 2017, mới có gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ này lên 50% là không thể thực hiện được. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự của bộ máy thực hiện BHXH còn bất cập.

Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, phân tích yêu cầu của tình hình mới, hầu hết các đại biểu cho rằng, việc cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, do đó cần ban hành một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này.

Về mục tiêu đến năm 2021, các ý kiến đồng tình với tỷ lệ có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm tự nguyện (BHTN); có 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội,… Đến năm 2025, có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN,…

Theo gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư tại phiên khai mạc, các đại biểu tập trung thảo luận, xác định rõ quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, hoàn thiện chính sách BHXH. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần thực hiện việc mở rộng bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; cải cách nhưng cần bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn. Chú ý cả khu vực tư và khu vực công; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Theo đó, cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, đa dạng, đa nguồn, nhằm tăng diện bao phủ, tạo cơ hội cho người nghỉ hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu. Hệ thống bảo hiểm đa tầng gồm lương hưu xã hội (ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người không có lương hưu, BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng; có chính sách để những đối tượng này đóng thêm trong thời gian chưa đủ tuổi nhận trợ cấp để có mức hưởng cao hơn); BHXH cơ bản bao gồm BHXH bắt buộc và BHTN; bảo hiểm hưu trí bổ sung, là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia. Cần sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu trí theo hướng linh hoạt; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện công thức tính lương hưu theo hướng bảo đảm công bằng giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; kết hợp hài hòa các nguyên tắc để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Rà soát, mở rộng quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động theo chế độ linh hoạt.

Đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Nhiều ý kiến nhất trí cần thiết kế gói BHTN ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), linh hoạt để người lao động có nhiều lựa chọn tham gia; đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH. Bảo đảm cân đối tài chính Quỹ BHXH trong dài hạn, khắc phục bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần. Việc tăng tuổi nghỉ hưu bình quân là hợp lý, nhưng cần có lộ trình phù hợp, cần lưu ý các lĩnh vực lao động đặc thù, độc hại và thực hiện sớm.

Mở rộng diện bao phủ BHXH là cần thiết, nhưng nhiều đại biểu băn khoăn làm thế nào để thực hiện điều này, bởi BHXH hiện nay còn nhiều hạn chế, nhất là BHTN còn yếu kém trong khi dư địa lớn mà chưa thực hiện được.

Trong các giải pháp thực hiện, nhiều đại biểu lưu ý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách BHXH. Công tác này lâu nay chưa được chú trọng đúng mức. Việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ xã hội, nếu tuyên truyền thực hiện không tốt sẽ dẫn đến tình trạng dựa vào Nhà nước. Mặt khác cần tính toán, cân nhắc xem ngân sách đáp ứng đến đâu. Có ý kiến đề nghị phải thực hiện quyết liệt giảm biên chế, nhất là với cơ sở, thôn bản theo hướng một người kiêm nhiệm nhiều chức danh, tiến tới không còn người hoạt động không chuyên trách và có chế độ chính sách BHXH như nhau .

Theo Báo Nhân dân điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm việc với Đảng bộ Sở Kế hoạch – Đầu tư

BHG - Ngày 9.5, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy có buổi làm việc với Đảng bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT), nhằm nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, công tác xây dựng Đảng của đơn vị năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, thông qua việc quán triệt, triển khai đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đến toàn thể cán bộ, đảng viên và thực hiện tốt việc "Nói đi đôi với làm" trong Đảng bộ đã giúp cho đảng viên...

10/05/2018
Phiên họp giải trình, chất vấn đối với UBND thành phố của HĐND thành phố Hà Giang

BHG -Ngày 9.5, HĐND thành phố Hà Giang tổ chức phiên họp giải trình, chất vấn đối với UBND thành phố về kết quả giải quyết các vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì phiên họp; dự phiên họp có lãnh đạo HĐND, UBND; các phòng, ban, đoàn thể, đại biểu HĐND của thành phố; lãnh đạo các xã, phường.

 

10/05/2018
Hội nghị Tập huấn công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn

BHG - Ngày 10.5, tại phòng họp BCH Đảng bộ tỉnh, Hội đồng Lý luận tỉnh phối hợp với Hội đồng Lý luận T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; thành viên Hội đồng Lý luận tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố …

10/05/2018
LLVT Hà Giang luôn vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc

BHG - Hình thành từ những đội du kích, tự vệ Cứu quốc đầu tiên ở Hùng An (Bắc Quang), Đường Âm (Bắc Mê), Ngọc Long, Du Già, Đường Thượng (Yên Minh); LLVT Hà Giang đã phát triển rất nhanh, thành đội quân tuyên truyền xung kích trong Cuộc vận động cách mạng giành chính quyền. Đội quân chiến đấu và đội quân công tác trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...

 

10/05/2018