Hà Giang

Hà Giang triển khai quyết liệt mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX

08:57, 04/11/2016

BHG – Tại phiên thảo luận (ngày 2 và 3.11) của kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017. Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang đã có bài phát biểu về các mô hình HTX hiệu quả hiện nay. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí.

NDN_6072 copy.jpg
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang  phát biểu tại kỳ họp

Kính thưa Quốc hội, tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình trước kỳ họp. Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ, thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong tư duy và hành động vừa qua. Tôi cũng nhất trí cao với báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về những kết quả, hạn chế, nguyên nhân cũng như giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian vừa qua và nhiệm vụ thời gian tới. Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh mô hình HTX kiểu mới và mô hình HTX hiệu quả. Vậy mô hình HTX có hiệu quả đó là gì? tôi xin phát biểu xung quanh vấn đề này. Đây cũng là nội dung đã được nhiều đại biểu phát biểu đều chung chung, mà chưa thảo luận cụ thể khi nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta hiện nay; khi nói về những điểm nghẽn trong tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta hiện nay. Tôi xin phát biểu 5 nội dung:

1. Hà Giang là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn và nghèo của cả nước, là tỉnh thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ngay cả trước và sau bầu cử Quốc hội, các cử tri luôn mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến đường tuần tra biên giới, quan tâm đến rà phá bom mìn vật cản để quy tụ các anh hùng liệt sỹ của 10 năm chiến tranh biên giới, của 32 tỉnh có liệt sỹ, của 16 Quân, Sư đoàn đã chiến đấu nơi đây. Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ được cải thiện vì Hà Giang chỉ có một phương thức giao thông và cũng chỉ có một con đường duy nhất về Thủ đô Hà Nội. Đó là ý nguyện luôn thường trực của cử tri Hà Giang.

2. Về tái cơ cấu nền kinh tế, tôi xin tiếp cận bằng tái cơ cấu nông nghiệp; tái cơ cấu nông nghiệp bằng tổ chức lại sản xuất.

Vậy tổ chức lại sản xuất như thế nào khi nền kinh tế thị trường len lỏi, chi phối mọi mặt đời sống xã hội. Trình độ, điều kiện sản xuất của người nông dân giữa các vùng miền trong cả nước khác nhau (ở đây chúng tôi chỉ nói về Hà Giang).

Thời bao cấp chúng ta đánh kẻng đi làm lấy công, sản phẩm chia theo công điểm; tư liệu sản xuất; công cụ sản xuất là của tập thể; kế hoạch sản xuất do chỉ tiêu giao; năng suất lao động thấp, sản phẩm không đa dạng.

Vậy thời kỳ kinh tế thị trường thì sao; tư liệu sản xuất; công cụ sản xuất; kế hoạch sản xuất thuộc về nông hộ. Thị trường sẽ điều tiết quá trình sản xuất của người nông dân, thực tế cho thấy sự điều tiết này đã làm cho cấu trúc nông thôn làng xã trở nên lỏng lẻo; sản xuất nông nghiệp của người nông dân hiệu quả thấp, người nông dân luôn thuộc nhóm yếu thế trong cơ chế thị trường. Vậy đây chính là vấn đề mà chúng ta phải tổ chức lại sản xuất cho người nông dân nói chung, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trước cơn bão thị trường nói riêng.

Do vậy Hà Giang đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất bằng việc lựa chọn khâu kế hoạch sản xuất mà không quá ưu tiên cho chọn công cụ, tư liệu sản xuất để chỉ đạo. Một mặt Hà Giang vẫn triển khai quyết liệt mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX thông qua đó đã hình thành các HTX dược liệu, HTX DV tổng hợp. Mặt khác tỉnh tiếp tục chỉ đạo hình thành HTX Toàn thôn. Vậy mô hình HTX toàn thôn là gì? Chúng tôi lấy phương thức hoạt động của thôn và lượng hóa nhiệm vụ, bổ sung nhiệm vụ, chuyển đổi mô hình lãnh đạo theo hướng nơi nào làm tốt công tác xây dựng Đảng thì nơi đó có thay đổi về kinh tế để chỉ đạo. Theo đó chúng tôi cơ cấu lại tổ chức, nhất thể hóa các chức danh của thôn, đồng thời vốn hóa tài nguyên, cơ sở vật chất của thôn để tiếp cận tín dụng tập trung cho phát triển kinh tế. Chúng tôi gọi mô hình này là mô hình HTX có hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp. So với mô hình HTX kiểu mới hướng đến lợi ích của một nhóm người, thì mô hình này là hướng đến hiệu quả sản xuất của mọi người, đảm bảo nơi nào có tổ chức Đảng thì sẽ có sự thay đổi về kinh tế.

3. Về giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2017 nói riêng và thời gian tới nói chung theo tôi cần tập trung thực hiện phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, vừa góp phần thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vừa góp phần thực hiện Luật Đầu tư công cũng như kế hoạch đầu tư trung hạn khi nói về trách nhiệm người đứng đầu. Ví dụ trước đây cấp huyện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thì nay theo tôi cũng nên phân cấp cho huyện việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường được, vì đó chỉ là cát, đá, sỏi phục vụ dân sinh kinh tế, mà thực tế nếu không cấp phép thì đó cũng là những loại vật liệu bình thường mà sẽ có ở mọi nơi, ai cũng có thể tận dụng được.

Tiếp theo đó là thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế vừa tạo dư địa gắn đồng bộ với nâng cao chất lượng công vụ theo đề án vị trí việc làm. Đây cũng là khâu quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên nguyên tắc nâng cao năng suất lao động hiện nay, chỉ khi nào vị trí việc làm được minh bạch rõ ràng thì năng suất lao động mới được nâng lên. Việc nữa đó là chúng ta tiếp giáp với Trung Quốc, một thị trường rất lớn và đồng thời chúng ta cũng lại là thị trường lớn của Trung Quốc. Song mối quan hệ thương mại vừa qua giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có những thỏa thuận ký kết cụ thể nào. Cho nên hàng nông sản của chúng ta luôn bị tư thương Trung Quốc ép giá, lũng đoạn thị trường, tăng giá đột biến rồi dừng hợp đồng đột ngột… Do vậy theo tôi, chúng ta cần chủ động đề xuất chương trình hợp tác thương mại biên giới ký kết giữa hai bên để hoạt động thương mại, kinh tế biên mậu lành mạnh hơn.

Về tình trạng giao nhiệm vụ nhưng không gắn với nguồn lực. Đó chính là theo Nghị định của Chính phủ thì thôn, bản không phải là một cấp hành chính, chỉ có 4 chức danh được hưởng phụ cấp, ngoài ra các chức danh đoàn thể khác hoạt động theo điều lệ thì không có kinh phí hoạt dộng, do vậy địa phương đã phải bỏ ngân sách hỗ trợ theo hướng khoán kinh phí hoạt động cho các chức danh này. Do vậy tôi đề nghị cần nghiên cứu thêm chính sách cho các đối tượng này.

4. Về văn hóa xã hội, tôi thấy không có nhiều ý kiến về vấn đề này. Theo tôi Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và vì vậy chúng ta cần bảo vệ cái mà mình đang có đó là sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số bằng việc làm rõ khái niệm tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng dân gian và sự tôn trọng tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

5. Về tiêu chí phân bổ nguồn lực theo tín hiệu của thị trường, đây là quan điểm nhằm hướng đến một nền kinh tế hiệu quả cao và hạn chế cơ chế bao cấp cả về tư duy và nguồn lực. Tuy nhiên cũng cần làm rõ nguồn lực cho phát triển và nguồn lực cho an sinh cũng như hiệu quả của nó. Vì đối với các tỉnh khó khăn như Hà Giang thì nếu theo tín hiệu của thị trường sẽ rất lâu. Do vậy giữa an sinh và phát triển cũng cần làm rõ để đảm bảo phát triển bền vững.

Vấn đề cuối cùng đó là sản xuất nông nghiệp sạch, theo tôi chúng ta cần nghiêm khắc hơn trong việc quản lý các hợp chất hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý thuốc BVTV về chất lượng, về giá cả, về mục đích cũng như kỹ thuật sử dụng. Chúng ta đã thành công trong việc cấm pháo vào dịp Tết, và thực tế chúng ta đã thành công. Vậy nay chúng ta có thể áp dụng đối với thuốc BVTV không, (tất nhiên chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp BVTV khác trong canh tác để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi). Vì tôi thấy năng suất của chúng ta đã đạt ngưỡng kinh tế và đã đến lúc phái lấy lại chất lượng nông sản của chúng ta để thực hiện một nền nông nghiệp sạch trong tương lai.

Xin cảm ơn Quốc hội.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thường trực và các Ban HĐND tỉnh họp phiên tháng 10

BHG- Sáng 31.10, tại phòng họp số 1 trụ sở Văn phòng HĐND - UBND tỉnh, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã họp phiên tháng 10, nhằm đánh giá kết quả thực hiện hoạt động trong tháng; thông qua chương trình công tác tháng 11 của HĐND tỉnh; công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm khác. Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. 

31/10/2016
Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc

BHG - Sáng 28.10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng đã đăng cai tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2016-2021. 

31/10/2016
Công bố Quyết định điều chỉnh Quy hoạch dự án thủy điện Phong Quang, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và dự án thủy điện Nậm Lang, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang

BHG- Ngày 28.10, Báo Hà Giang nhận được Thông báo số 230/TB-UBND ngày 27.10.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Công bố Quyết định số 2885/QĐ-BCT của Bộ Công thương về điều chỉnh Quy hoạch dự án thủy điện Phong Quang, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và dự án thủy điện Nậm Lang, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn nội dung thông báo.

31/10/2016
Phường Trần Phú tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng

BHG - Chiều 27.10, Đảng bộ phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) long trọng tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho 10 đồng chí đảng viên thuộc Đảng bộ phường Trần Phú. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trần Bắc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; lãnh đạo phường Trần Phú cùng các đồng chí trong Chi ủy các Chi bộ trực thuộc phường.

28/10/2016