Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện Xín Mần (1.4.1965-2015)

Đảng bộ huyện Xín Mần, 50 năm ra đời và lớn mạnh

08:30, 28/03/2015

BHG- Xín Mần, huyện biên giới phía Tây của tỉnh có bề dầy lịch sử và truyền thống cách mạng. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2.1930), hòa cùng dòng chảy cách mạng của cả nước, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc vùng Xín Mần (thời kỳ này huyện Xín Mần chưa thành lập, vùng Xín Mần thuộc huyện Hoàng Su Phì) đã có bước phát triển mạnh mẽ; đặc biệt, kể từ khi thành lập Chi bộ Xỉn Khâu – Chế Là (ngày 6.9.1949), Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, đồng thời là tiền đề quan trọng cho sự thành lập Đảng bộ huyện Xín Mần sau này.

 

.
 

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương. Đồng thời, phát triển cơ sở Đảng, xây dựng lực lượng nòng cốt, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, lãnh đạo nhân dân các dân tộc đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới và làm hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thực hiện mục tiêu thống nhất Tổ quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù với muôn vàn khó khăn, thách thức lớn của một huyện vùng cao biên giới; cùng với đó là sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên cường bám trụ nơi biên giới, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”, tạo thành pháo đài quân sự vững chắc.Ngày 1.4.1965, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/CP về thành lập huyện Xín Mần trên cơ sở chia tách từ huyện Hoàng Su Phì. Cùng ngày, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Hà Giang, Đảng bộ, chính quyền huyện Xín Mần cũng được thành lập; đánh dấu bước ngoặt quan trọng mang tính lịch sử, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bước vào thời kỳ đổi mới (năm 1986), cùng với toàn tỉnh nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Đến nay, Xín Mần thực sự có những bước đột phá trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, AN-QP, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nhờ sự linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền huyện trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng cùng với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc, là yếu tố cơ bản làm nên những thành tựu to lớn, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp cho huyện trong thời kỳ mới.

Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng bộ huyện Xín Mần không ngừng củng cố các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cùng với quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ huyện luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là mục tiêu và động lực phát triển... Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, kinh tế huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 ước đạt 39.000 tấn, tăng 6.385 tấn so với năm 2010; bình quân lương thực 615 kg/người/năm, tăng 75kg so với năm 2010; thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm, tăng 5,9 triệu đồng so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông – lâm nghiệp giảm từ 50,73% năm 2010 xuống còn 45,3%; công nghiệp – xây dựng từ 16,36% năm 2010 tăng lên chiếm 17,5%; thương mại – dịch vụ và du lịch từ 33,26% năm 2010 tăng lên chiếm 37,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31,53% (2014), giảm 23,63% so với 2011 theo tiêu chí mới.

Lĩnh vực VH - XH có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn. Trong 5 năm 2010 – 2015, có 12 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 19/19 xã, thị trấn duy trì phổ cập THCS và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Bản sắc văn hóa tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Hoạt động văn hóa, thông tin, TDTT, hoạt động an sinh xã hội được chú trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Công tác QP - AN tiếp tục được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Điểm quy tụ dân cư ra khỏi vùng sạt lở ở xã Bản Ngò.
Điểm quy tụ dân cư ra khỏi vùng sạt lở ở xã Bản Ngò.

Xây dựng Nông thôn mới là chương trình trọng điểm được Đảng bộ huyện đặt lên hàng đầu. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. “Chung sức xây dựng Nông thôn mới” đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, có sức lan tỏa đến từng thôn, bản. Bộ mặt nông thôn đang dần thay đổi, điểm nổi bật là đã thành lập được 19 Ban Quản lý phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, 181 Tổ hợp tác sản xuất và 367 Nhóm sở thích ở 19 xã, thị trấn...

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai nghiêm túc, sâu rộng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên rõ rệt. Công tác xây dựng Đảng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đảng bộ hiện có 74 tổ chức cơ sở Đảng (tăng 8 tổ chức so với năm 2010) và 302 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở (tăng 49 Chi bộ so với năm 2010), với 4.181 đảng viên, tăng so với thời điểm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI là 1.164 đảng viên. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Hoạt động của chính quyền có nhiều đổi mới, thể chế hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng phù hợp thực tiễn của huyện; cải cách hành chính không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. MTTQ, các đoàn thể thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xây dựng tinh thần đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa mang bản sắc các dân tộc.

50 năm xây dựng và phát triển, qua từng thời kỳ cách mạng, Đảng bộ huyện đều có những chủ trương đúng đắn, từng bước giải quyết và khắc phục khó khăn. Sự đồng sức, chung lòng, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ngày càng được củng cố, đã đưa huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn từng bước phát triển. Tự hào, trân trọng những thành quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh, góp sức cùng toàn tỉnh thực hiện CNH, HĐH đất nước.

HOÀNG GIA LONG, Bí thư Huyện ủy Xín Mần


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị lần thứ 27 (bất thường) BCH Đảng bộ huyện Mèo Vạc khóa XVII

BHG- Ngày 25.3, Đảng bộ huyện Mèo Vạc tổ chức Hội nghị lần thứ 27 nhằm lấy ý kiến tham gia đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện, biểu quyết về số lượng nhân sự, giới thiệu bầu tham gia BTV, BCH, UBKT Huyện ủy. 

28/03/2015
Hội nghị Báo cáo viên tháng 3

BHG- Ngày 27.3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 3.2015. 

27/03/2015
Thư ngỏ về chấp hành Luật giao thông của đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

BHG - Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương trong tỉnh có nhiều tích cực…

27/03/2015
Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức giao lưu nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

BHG - Chiều 25.3, Tỉnh đoàn Hà Giang đã tổ chức buổi Giao lưu nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 2015). 

26/03/2015