Hà Giang

Năm 2015, tiếp tục làm rõ tình hình ở Biển Đông

15:47, 05/01/2015

Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ của thế giới về cách xử lý, giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Năm 2014 là một năm đầy biến động, đặt ra rất nhiều thách thức với đất nước nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng. Những sóng gió trên Biển Đông, những thách thức trong việc ký kết các hiệp định tự do thương mại, bảo hộ quyền lợi của công dân Việt Nam ở các điểm nóng trên thế giới được ngành Ngoại giao xử lý như thế nào. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đầu tiên của năm nay, các vấn đề này sẽ được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời.


 

PV:Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, ngànhNgoại giao đã có những dấu ấn gì trong năm 2014 vừa qua?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đứng về mặt chính trị thì trong năm 2014, chúng ta đã tích cực triển khai các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược mà năm 2013 và trước đó chúng ta đã xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược với 13 nước, đối tác toàn diện với 11 nước, thì năm 2014 đã triển khai làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đó và đưa các quan hệ đó đi vào hiệu quả, đóng góp vào việc giữ vững môi trường hòa bình ổn định. Đặc biệt trong công tác đối ngoại đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở biển Đông và vẫn giữ được quan hệ, phát triển quan hệ với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Về kinh tế đối ngoại, trong năm 2014 cũng rất tích cực, chủ động mở rộng thị trường của Việt Nam, điều đó dẫn đến việc xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 đạt trên 150 tỷ USD. Chúng ta cũng đã tham gia ký kết, đàm phán thương lượng về các hiệp định FDA, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho Việt Nam phát triển về kinh tế đối ngoại. Việt Nam cũng đã vận động và được các nước tiếp tục giữ cam kết hỗ trợ cho Việt Nam như là với EU thì đã cam kết 400 triệu euro cho giai đoạn 2014-2020, hay Nhật Bản là 150 tỷ yên cho năm 2015. Đó là những số lượng rất đáng kể để phục vụ cho phát triển kinh tế của chúng ta. Trong năm 2014 ngoại giao đa phương cũng triển khai rất tích cực, chủ động và tạo vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương.        

PV:Vấn đề được người dân Việt Nam quan tâm và có lẽ cũng là dấu ấn sâu đậm nhất của ngànhNgoại giao là xử lý các sóng gió trênBiển Đông. Thưa Phó Thủ tướng, năm qua, ngànhNgoại giao đã làm thế nào để chúng ta vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa giữ được quan hệ, ổn định, hòa bình cho phát triển?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chủ trương đối ngoại của chúng ta là phát triển quan hệ với các nước để tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước chúng ta. Đây là 2 mục tiêu không có gì mâu thuẫn với nhau và luôn hỗ trợ cho nhau. Thực hiện được 2 mục tiêu đó thì đảm bảo được chủ trương đối ngoại của chúng ta. Chính vì vậy, trong năm 2014 khi tình hình Biển Đông phức tạp, chúng ta đã triển khai rất tích cực hoạt động đối ngoại để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình. Chúng ta đã trực tiếp thảo luận, trao đổi, đấu tranh thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc và đã tiến hành hơn 40 cuộc giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề trên Biển Đông.

Việt Nam cũng được sự đồng tình, ủng hộ của thế giới với lập trường chính nghĩa của chúng ta vì chúng ta xử lý, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo sự ủng hộ rộng lớn của các nước trên thế giới. Đồng thời, trong quá trình giải quyết vấn đề trên biển, chúng ta tích cực, chủ động duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc thông qua trao đổi các đoàn của các Bộ, ngành, địa phương; tiếp tục duy trì các quan hệ về kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Chính vì vậy, chúng ta đảm bảo được vẫn tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và đảm bảo được chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta ở biển Đông.

Trong năm 2015, chúng ta sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN làm rõ tình hình ở Biển Đông để đóng góp xây dựng khu vực ở Biển Đông hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế và điều quan trọng là thực hiện các thỏa thuận trong ASEAN, giữa ASEAN với Trung Quốc. Đó là Tuyên bố về các quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử COC ở Biển Đông mang tính chất ràng buộc cao hơn để đảm bảo được môi trường ổn định ở khu vực biển Đông. Chúng ta cũng sẵn sàng hoan nghênh mọi sáng kiến, đóng góp vào việc giữ vững được môi trường ổn định của tất cả các nước đóng góp vào việc tạo dựng được môi trường ở đây một cách ổn định.       

PV:Nhiều người dân gửi thư về chuyên mục có nhận định: Chưa bao giờ Việt Nam lại đàm phán cùng một lúc nhiều hiệp định thương mai tự do kiểu mới như trong năm qua. Thưa Phó Thủ tướng, vậy chúng ta cần làm gì để tận dụng cơ hội, hạn chế các thách thức này?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây là cơ hội mở ra các thị trường rất rộng lớn, ví dụ hiện nay trong ASEAN chúng ta là nước có lẽ là duy nhất tham gia nhiều cuộc đàm phán về thương mại tự do. Như vậy, sẽ mở ra với 56 đối tác là một thị trường rất rộng lớn cho các doanh nghiệp, cho những người sản xuất trong nước. Và rõ ràng thị trường rộng lớn sẽ đảm bảo không gian phát triển cho chúng ta được mở rộng. Các doanh nghiệp nếu tận dụng được cơ hội, những người sản xuất tận dụng được những cơ hội thị trường đó, tìm hiểu nắm bắt được thị trường để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản xuất, đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh thì sẽ tạo được cơ hội vì phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp, cho người sản xuất trong nước.

Đối với nhân dân thì đó cũng là thuận lợi rất lớn vì sẽ tạo nhiều cơ hội cho công ăn việc làm ra bên ngoài nếu chúng ta có khả năng đáp ứng, rồi khả năng đi thăm quan, du lịch, học tập thì đó là những khả năng, những cơ hội liên kết khu vực mà chúng ta tham gia sẽ tạo ra cơ hội cho người dân. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao phát huy được nội lực, sức cạnh tranh của mình để tận dụng được như vậy. Đương nhiên cũng sẽ có nhiều thách thức mà chúng ta phải đối phó, chính vì vậy chúng ta phải thực hiện tốt 3 khâu đột phá đó là xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là nâng cao năng lực nguồn nhân lực của mình. Nếu như vậy thì chúng ta mới tạo được cạnh tranh khi chúng ta hội nhập quốc tế.          

PV:Một số lao động đi xuất khẩu sang Saudi Arabiagửi thư về chuyên mục có hỏi: Nhiều chị em trong huyện đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà. Hợp đồng ký với công ty nước ngoài ghi rõ ngày làm việc tối đa 12 tiếng, lương tháng khoảng 7,5 triệu đồng. Thế nhưng trong thực tế, không phải chỉ tôi, mà nhiều chị em khác bị thu hết giấy tờ tùy thân, bị bắt làm việc liên tục đến 20 tiếng/ngày, nhiều trường hợp còn không được trả lương, thậm chí còn bị ngược đãi, cưỡng bức.  Xin hỏi Phó Thủ tướng những trường hợp như thế này sẽ nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ Bộ Ngoại giao?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đối với trường hợp vừa nói thì khi được biết thông tin đó Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo ngay Đại sứ quán của ta tại Saudi Arabia phải vào cuộc để bảo hộ những người lao động hợp pháp của chúng ta tại Saudi Arabia. Cơ quan đại diện của chúng ta đã gặp chính quyền sở tại để nêu vấn đề này, Sứ quán của ta cũng đã tới gặp những người lao động tại Saudi Arabia và Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã yêu cầu công ty trong nước ký hợp đồng gửi lao động sang Saudi Arabia có trách nhiệm vào cuộc trong việc bảo hộ quyền lợi của những người lao động này. Vừa qua, Đại sứ quán ta cũng đã hỗ trợ cho 7 người lao động của chúng ta ở Saudi Arabia về nước và ngày 31/12 thì 13 người lao động nữa cũng đã được hỗ trợ về nước.

Vấn đề quan trọng ở đây là các công ty cử lao động của Việt Nam ra nước ngoài phải đảm bảo chặt chẽ các hợp đồng lao động, bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. Để làm được điều đó thì các công ty này phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam để đảm bảo các hợp đồng lao động đó hợp pháp, đúng luật pháp của nước sở tại cũng như luật pháp quốc tế và quan trọng nhất là phải có những điều kiện đảm bảo cho quyền lợi của người lao động nếu như bị đối xử bất công. Và chị em phải xem xét các điều khoản đó trước khi đi lao động và biết được nghĩa vụ mình làm và những quyền lợi mình được bảo đảm. Và khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra thì phải xem xét là nếu người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng thì chúng ta có những biện pháp kiện hoặc những biện pháp để bảo hộ. Đặc biệt là Đại sứ quán ta ở nước ngoài có bộ phận quản lý lao động thì cần phải lấy ý kiến của Ban quản lý lao động của Đại sứ quán để có tư vấn.     

PV:Thưa Phó Thủ tướng, trong năm qua, tại một số điểm nóng chiến sự trên thế giới có nhiều người Việt sinh sống, vậy  Bộ Ngoại giao đã làm gì để bảo đảm an toàn cho người dân của chúng ta tại các điểm nóng này?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh:Nhiệm vụ của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập. Trong năm 2014, Đại sứ quán nước ta tại Lybia đã hỗ trợ đưa hơn 1.700 công nhân trở về nước khi tình hình chiến sự ở Lybia xảy ra. Tại Ukraine có 10.000 người Việt Nam và trong những vùng phức tạp, xảy ra chiến sự ở miền Đông Ukraine có khoảng 300 người. Khi tình hình xảy ra thì Đại sứ quán đã liên hệ với cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đó về những việc cần làm và hỗ trợ cho các cộng đồng, hỗ trợ cho những người Việt Nam sinh sống ở khu vực đó và đồng thời có các biện pháp đưa những người Việt Nam đó đi sang những vùng yên tĩnh hơn. Đồng thời trong thời gian đó, nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2014, chúng ta đã gặp Ngoại trưởng Ukraine và đã yêu cầu Chính phủ Ukraine tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo lợi ích của người Việt Nam đang sinh sống ở đó. Ngoại trưởng Ukraine cũng đã hứa sẽ đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích, an toàn của người Việt Nam tại đó.


Theo VOV

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2014
HGĐT- Ngày 31.12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ 2015.
31/12/2014
Hội đàm giữa Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và Trạm Kiểm soát Biên phòng Thiên Bảo
HGĐT- Sáng ngày 30.12, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Đồn BPCKQT Thanh Thủy đã tổ chức hội đàm định kỳ quý IV năm 2014 với Trạm Kiểm soát Biên phòng Thiên Bảo (Trung Quốc).
30/12/2014
Khối Nội chính tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2014
HGĐT- Chiều ngày 29.12, tại Công an tỉnh, Khối giao ước thi đua Khối Nội chính tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2014; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua năm 2015. Tham dự có lãnh đạo các cơ quan trong khối, gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra, Tòa án,
30/12/2014
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư về công tác tôn giáo
HGĐT- Ngày 29.12, huyện Đồng Văn tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 7, khóa IX về công tác tôn giáo. Dự hội nghị có đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
30/12/2014