Không được ép học sinh mua sách, vở, đồ dùng học tập với giá cao

08:45, 27/10/2012

Thời gian qua, dư luận bất bình trước việc một số trường vùng cao ở Lào Cai khấu trừ tiền Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập dành cho học sinh thuộc địa bàn vùng cao, biên giới và các xã đặc biệt khó khăn vào tiền mua sách, vở và đồ dùng học tập với giá cao, không tương xứng chất lượng.


Ðến thôn Khe Nhòi, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn (Lào Cai), chúng tôi được ông Lý Văn Minh, là phụ huynh của cháu Lý Trung Chiến, đang học lớp 2, tại Trường tiểu học Sơn Thủy, phản ánh việc nhà trường thu 120 nghìn đồng cho chiếc cặp sách mua của Công ty cổ phần sách thiết bị trường học cho học sinh, trong khi cũng chiếc cặp tương tự như vậy ở cửa hàng thương nghiệp huyện Văn Bàn chỉ bán với giá khoảng 70 nghìn đồng. Tương tự như vậy, một bộ đồng phục học sinh bằng vải thường, gồm một quần dài, một áo dài, một áo cộc tay và một áo khoác mỏng, nhà trường thu 310 nghìn đồng, trong khi mua ở bên ngoài thị trường, có giá chỉ hơn 100 nghìn đồng. Ông Minh phàn nàn: Giá chênh lệch gần gấp hai lần, trong khi kiểu dáng, chất lượng không khác nhau bao nhiêu. Cầm trên tay bảng báo giá các loại văn phòng phẩm và đồ dùng dành cho học sinh của nhà trường phát cho phụ huynh học sinh, chị Chu Thị Thảo, ở xã Sơn Thủy, cho biết: Một chiếc khăn quàng đỏ ghi giá 14 nghìn đồng, trong khi ở chợ huyện chỉ bán có năm nghìn đồng. Giày ba-ta dùng cho học sinh học ngoại khóa, nhà trường mua về đắt hơn giá thị trường, mà hầu hết giày không vừa chân học sinh.

 Ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, anh Trần Xuân Hoàng, có con trai đang học lớp 5, Trường tiểu học Lùng Vai cho biết: Những năm trước, chưa có tiền hỗ trợ của Nhà nước, để tiết kiệm chi phí, gia đình tôi vẫn sử dụng lại SGK cũ. Năm nay nhà trường yêu cầu mua mới, gây lãng phí không cần thiết. Chị Nông Thị Sim, có con học lớp ba, cũng ở xã này, cho biết: Vào đầu năm học mới, đi họp phụ huynh, cô giáo phụ trách lớp phát cho tờ giấy, trong đó đã kê trọn bộ sách vở, bút mực và các đồ dùng học tập như thước kẻ, tẩy, khăn quàng đỏ, cặp đeo, bộ đồng phục, v.v, tổng cộng hơn 600 nghìn đồng.

 Phụ huynh học sinh không chỉ phản ánh về việc phải mua giá cao hơn thị trường mà còn bức xúc vì cách "thu tiền liền tay" ngay tại bàn chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh. Nhiều phụ huynh cho rằng, nhà trường đã "ép" họ phải mua sách, vở, đồ dùng phục vụ học tập của đơn vị cung ứng. Vì rằng, nhiều gia đình đã tự mua sắm cặp sách, giày học sinh, khăn quàng đỏ, thước kẻ, bút, mực... nhưng vừa nhận tiền chi trả hỗ trợ xong ở bàn kế toán xã, lập tức phải nộp ngay lại cho khoản tiền mua sắm sách vở, đồ dùng học sinh mà nhà trường đã ký hợp đồng mua của nhà cung ứng.  Có trường hợp như ông Lự Văn Man, ở thôn Khe Nhòi, có hai con học lớp 9 và lớp 2 tiền hỗ trợ không đủ, phải bỏ tiền túi để nộp thêm.

 Theo Nghị định 49/2010/NÐ-CP, Nhà nước hỗ trợ tiền chi phí học tập cho những học sinh mẫu giáo và phổ thông đang sinh sống tại địa bàn vùng cao, biên giới, hải đảo và các xã đặc biệt khó khăn, số tiền là 70 nghìn đồng/tháng, trong thời gian chín tháng thực học (đối với một năm học), bằng 630 nghìn/học sinh. Khoản 3, điều 7 của Nghị định 49 nêu rõ, số tiền này được cấp trực tiếp cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định của nghị định. Hai huyện Văn Bàn và Mường Khương, với hơn 26 nghìn học sinh được hưởng tiền hỗ trợ chi phí học tập của Nhà nước, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng/năm học. Tại cuộc làm việc với Ðoàn giám sát của HÐND tỉnh, các bên liên quan, tại trụ sở UBND xã Sơn Thủy, Trưởng phòng GD và ÐT huyện Văn Bàn Tạ Minh Khuê xác nhận: Việc khấu trừ  tiền mua sách vở và các đồ dùng học tập theo hợp đồng với nhà cung ứng đối với học sinh thuộc diện Nghị định 49 ở xã Sơn Thủy và một số xã khác ở huyện Văn Bàn là không đúng quy định, dễ bị áp đặt, dù sử dụng tiền đúng mục đích là phục vụ cho việc học tập của con, em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Làm việc với chúng tôi, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện Mường Khương Ðoàn Văn Ðạt lý giải trách nhiệm thuộc nhà trường và các xã đã ký hợp đồng mua đồ dùng học tập với nhà cung ứng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì chính Phòng GD và ÐT Mường Khương đã giới thiệu nhà cung ứng với  một số trường học trên địa bàn huyện. Vì vậy, có trách nhiệm của Phòng GD và ÐT Mường Khương trong việc này.

 Ðể giải quyết những vướng mắc nói trên, ổn định việc dạy và học trong các nhà trường và dư luận xã hội, Phòng GD và ÐT và chính quyền các xã (đã ký hợp đồng với nhà cung ứng đồ dùng học tập) cần nhanh chóng bàn bạc, giải quyết theo hướng giảm giá các sản phẩm, bảo đảm hợp lý, không được cao hơn so với giá thị trường (có tính chi phí vận chuyển đến tận tay học sinh). Chính quyền các xã không chi trả tiền hỗ trợ và khấu trừ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập ngay cùng một thời điểm, không được ép buộc học sinh mua hàng của nhà cung ứng. Xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với những sai phạm của cá nhân và tổ chức trong việc này.


theo nhandan diện tử

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên Hợp Quốc lạc quan về lệnh ngừng bắn tại Syria
Việc chấm dứt các hành vi thù địch là dấu hiệu tích cực cho thấy các bên liên quan cam kết giải quyết hoà bình các xung đột.
26/10/2012
“Mổ xẻ” lý do học trò phản ứng bằng… sinh mạng
Độ tuổi mới lớn dễ gặp các sự cố, sai lầm nhưng lại thiếu kỹ năng xử lý nên không ít học trò dùng tính mạng “giải quyết vấn đề”. Dường như các em đang "chơi vơi" trong khủng hoảng của mình.
25/10/2012
"Lực lượng đối lập của Syria đã có tên lửa vác vai"
Theo Reuters, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Nga, Đại tướng Nikolai Makarov ngày 24/10 cho biết lực lượng đối lập Syria đã có trong tay các tên lửa xách tay đất đối không, trong đó có cả tên lửa Stinger của Mỹ.
25/10/2012
Bầu cử Mỹ: Kết quả phiên tranh luận cuối
Sáng 23/10, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã có phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình cuối cùng trước khi cử tri Mỹ chính thức đi bầu vị Tổng thống Mỹ thứ 45.
24/10/2012